Ông Austin muốn có trao đổi nhanh chóng để giải thích mọi thứ và giảm bớt căng thẳng. Nhưng Lầu Năm Góc cho biết nỗ lực của ông Austin hôm 4/2 đã thất bại khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa từ chối tham gia cuộc điện đàm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ từ chối cuộc gọi từ Bộ trưởng Austin sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ vì Mỹ đã “không tạo ra bầu không khí thích hợp” để đối thoại và trao đổi”. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào ngày 9/2 tuyên bố động thái của Mỹ đã “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc quốc tế và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm”.
Hãng thông tấn AP cho biết, theo quan điểm của người Mỹ, việc thiếu loại hình liên lạc khủng hoảng đáng tin cậy đang làm gia tăng mối nguy hiểm trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay - thời điểm mà quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh và căng thẳng với Mỹ gia tăng. Nếu không có khả năng để các tướng lĩnh hai bên có thể làm sáng tỏ mọi thứ một cách nhanh chóng, người Mỹ lo lắng rằng những hiểu lầm, báo cáo sai hoặc va chạm ngẫu nhiên có thể khiến một cuộc đối đầu nhỏ trở thành xung đột lớn hơn.
Bà Bonnie Glaser tại Quỹ Marshall (Đức) cho biết vấn đề không phải là thiếu sót kỹ thuật với thiết bị liên lạc mà là sự khác biệt cơ bản trong cách Trung Quốc và Mỹ nhìn nhận giá trị và mục đích của các đường dây nóng giữa quân đội hai bên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghi ngờ toàn bộ khái niệm của Mỹ về đường dây nóng. Họ coi đó là một kênh của Mỹ để trao đổi về cách thoát khỏi sự phản đối đối với một hành động khiêu khích.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner ngày 9/2 đã đề cập đến khó khăn trong việc liên lạc giữa quân đội với quân đội của Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Ratner nhận định các tướng lĩnh Mỹ kiên trì nỗ lực mở thêm đường dây liên lạc với các đối tác Trung Quốc. “Cho đến nay, quân đội Trung Quốc vẫn chưa đáp trả kêu gọi đó”, ông Ratner nói.
Nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ nhận định rằng việc Trung Quốc từ chối đường dây nóng quân sự khi căng thẳng gia tăng khiến Tổng thống Joe Biden cùng các nhà ngoại giao và phụ tá an ninh hàng đầu của ông phải nỗ lực xây dựng kênh liên lạc của riêng họ với Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc.
Tổng thống Biden đã nhấn mạnh việc xây dựng các đường dây liên lạc với Trung Quốc để “quản lý một cách có trách nhiệm” sự khác biệt. Sau cuộc gặp vào tháng 11/2022 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã có thông báo rằng hai chính phủ sẽ nối lại một loạt các cuộc đối thoại mà Bắc Kinh đã ngừng lại sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện khi đó là bà Nancy Pelosi.
Cái được coi là đường dây nóng quân sự và dân sự giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là những chiếc điện thoại màu đỏ cổ điển trên bàn. Theo thỏa thuận năm 2008, đường dây nóng quân sự Trung - Mỹ là một quy trình gồm nhiều bước, trong đó mỗi bên chuyển tiếp yêu cầu cho phía còn lại về một cuộc gọi chung hoặc hội nghị video trực tuyển giữa các quan chức hàng đầu trên đường dây được mã hóa. Phía bên kia có 48 giờ trở lên để trả lời. Bên cạnh đó, thỏa thuận này không hề ngăn cản các quan chức hàng đầu nói chuyện ngay lập tức.
David Sedney, cựu phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, người đã đàm phán về hệ thống này, cho biết Washington đã mất hàng thập niên nỗ lực để khiến Bắc Kinh đồng ý với hệ thống liên lạc quân sự này. Ông tiết lộ rằng khi người Mỹ gọi điện chúc mừng vào một số ngày lễ của Trung Quốc, các quan chức Trung Quốc sẽ bắt máy và nói lời cảm ơn. Nhưng với những điều nhạy cảm hơn, các nhân viên trả lời điện thoại sẽ nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra. Ngay khi lãnh đạo của chúng tôi sẵn sàng nói chuyện, chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn”. “Nhưng chẳng có gì xảy ra cả”, ông Sedney cho biết.