Nhiều gia đình bệnh nhân đang mòn mỏi chờ đợi sự giúp đỡ trong khi cả khu vực đang rơi vào tình trạng thiếu nghiêm trọng các bình oxy và các thiết bị vật tư y tế khác. Các nhân viên y tế bị vắt kiệt sức. Toàn khu vực đối mặt với nguy cơ các hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người không thể sống sót qua đại dịch. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã mô tả bức tranh u ám như vậy về Nam Á, một trong hai khu vực có tỷ lệ người nghèo cao nhất thế giới, trong làn sóng tấn công thứ hai của COVID-19.
Nửa tháng trước, thời điểm cuộc khủng hoảng COVID-19 làm chao đảo đất nước Ấn Độ, Giám đốc khu vực Nam Á thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Udaya Regmi đã cảnh báo tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trong khu vực đang “thực sự đáng sợ”, có thể khiến Nam Á trở thành “tâm chấn mới của đại dịch tiếp sau Mỹ”. Trong hai tuần qua, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm mới ở khu vực này đã cao hơn tổng số ca trong 6 tháng đầu đại dịch cộng lại - một sự bùng nổ gây choáng váng tại Nam Á. Cùng với Ấn Độ, số ca nhiễm mới đang tăng đáng báo động ở khắp Nam Á, đặc biệt tại Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Các tổ chức từ thiện lo ngại Nam Á đang cận kề "thảm họa”.
Giới chuyên gia nhận định tình hình dịch bệnh khu vực Nam Á trở nên nghiêm trọng thời gian gần đây chủ yếu do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là đột biến kép tại Ấn Độ. Trong 1 tuần qua, Nepal đã chứng kiến số ca nhiễm mới trên dưới 9.000 ca/ngày, trong khi con số này trong suốt tháng 3 chỉ là vài chục ca. Số ca nhiễm được ghi nhận tại Nepal hiện nhiều gấp hơn 57 lần so với tháng 4/2021. Tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân tính theo ngày tăng hơn 7 lần chỉ trong vòng hai tuần.
Tại Sri Lanca, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay đã ghi nhận hơn 18.000 ca nhiễm mới. Nếu ngày 27/4, lần đầu tiên số ca nhiễm theo ngày ở nước này lên mức 4 chữ số, thì đến ngày 10/5, quốc gia Nam Á đã chứng kiến số ca mắc cao nhất từ trước tới nay, 2672 ca. Pakistan hồi tháng 2 mỗi ngày trung bình 1.100 ca, nay con số này tăng gấp 5 lần. Maldives ngày 11/5 ghi nhận 1.204 ca mắc, trong khi cách đó 1 tuần con số trung bình hằng ngày khoảng 600 ca.
Tỷ lệ lây nhiễm nhanh chóng mặt tại khắp các nước Nam Á khiến giới chuyên gia cảnh báo một làn sóng dịch toàn cầu mới đang xuất hiện mà Nam Á là tâm chấn. Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng Đại học Y tế công cộng Brown (Mỹ) đánh giá: “Đây là điểm mấu chốt: Khi có các đợt bùng phát lớn, các biến thể đó sẽ phát sinh… Ấn Độ là một quốc gia đông dân và rộng lớn, khi có những đợt bùng phát lớn ở đó, chúng ta sẽ phải lo ngại về những biến thể mới nguy hại hơn đối với người dân nước này và tất nhiên chúng sẽ lan rộng khắp thế giới”. Ấn Độ lần đầu tiên phát hiện biến thể B.1.617 vào tháng 10/2020 và WHO đã phân loại đây là "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu do tính chất dễ lây lan hơn, tỷ lệ gây tử vong cao hơn cũng như có khả năng kháng nhiều loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại. Theo các báo cáo, biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia.
Lý giải nguyên nhân của "đợt sóng thần" COVID-19 tàn khốc hiện nay ở Nam Á, các chuyên gia cho rằng khu vực này vốn là nơi có mật độ dân số cao, với một lượng lớn người nghèo cùng sống trong những không gian chật hẹp ở các khu ổ chuột giữa thành phố hay các vùng nông thôn, biến đây thành “mảnh đất màu mỡ” cho virus SARS-CoV-2 hoành hành. Hiện hơn 35% trong số khoảng 800 triệu người nghèo trên toàn cầu đang phải chống chọi với đại dịch sống ở Nam Á.
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, Nepal bị đại dịch tấn công khi vẫn đang chìm trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau thảm họa động đất năm 2015. Hiện 44% cơ sở chăm sóc y tế tại đây bị hư hỏng sau động đất vẫn chưa được tái thiết, hơn 70% dân số phải kiếm sống bằng những công việc không chính thức nên không được tiếp cận với mạng lưới an sinh xã hội. Từ năm 2015, đã có thêm 700.000 người Nepal rơi vào ngưỡng nghèo đói. Tình trạng mật độ dân cư đông đúc, tỷ lệ người suy dinh dưỡng và không có thu nhập là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ dễ mắc COVID-19 hơn và khiến việc được chăm sóc y tế gần như là không thể. Dù Nepal đã tăng cường kiểm soát biên giới và áp đặt phong tỏa ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, trong đó có thủ đô Kathmandu, nhưng giới chuyên gia lo ngại chừng đó cũng chưa đủ để kiềm chế virus đang lây lan nhanh như một cơn gió từ thung lũng Kathmandu đến tận chân núi Everest.
Trong khi đó, quần đảo Maldives có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch nên đã mở cửa biên giới trở lại cho khách du lịch quốc tế từ tháng 7/2020 sau 3 tháng phong tỏa, trở thành quốc gia đầu tiên hoan nghênh du khách nước ngoài giữa lúc đại dịch vẫn đang hoành hành mạnh trên thế giới. Đến khi các nước láng giềng khác của Ấn Độ đã bắt đầu đóng cửa biên giới và áp đặt lệnh cấm đi lại, các khu nghỉ dưỡng ở Maldives vẫn chào đón các ngôi sao Bollywood và các công dân Ấn Độ muốn đến đảo quốc này để tránh cuộc khủng hoảng dịch trong nước. Hậu quả là đầu tháng 5, Trung tâm Tình trạng khẩn cấp y tế (HEOC) Maldives cho biết số ca nhập viện đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vài ngày và biến thể mới của virus có thể đã xâm nhập đảo quốc.
Tại Sri Lanka, những ngày đầu tháng 5, số ca nhiễm mới trong ngày đã nhanh chóng vượt đỉnh của làn sóng thứ nhất hồi tháng 2. Bộ trưởng Y tế Pavithra Wanniarachchi thừa nhận đây là hậu quả của những cuộc tụ tập đông người trong dịp năm mới của nước này (vào ngày 13-14/4), khi nhiều người cùng xuống đường ăn mừng và đi mua sắm.
Tại Pakistan, trường học và nhà hàng đều đã phải đóng cửa, các cửa hiệu cũng rút ngắn thời gian hoạt động và quân đội đã được triển khai để ứng phó với dịch. Nhưng hằng đêm, từng nhóm tín đồ Hồi giáo mộ đạo vẫn ùn ùn tới các đền thờ trên khắp đất nước để cầu nguyện, dù nhà chức trách Pakistan đã siết chặt các biện pháp hạn chế và cấm đi lại trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan. Pakistan đã ghi nhận hơn 861.000 ca nhiễm và gần 19.000 ca tử vong, nhưng hệ thống xét nghiệm ở nước này rất hạn chế trong khi các cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe khá xập xệ, khiến giới chuyên gia cảnh báo dịch có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Là nơi cư trú của một nửa số người nghèo trên thế giới, các nước Nam Á thiếu cơ sở chăm sóc sức khỏe công phù hợp và càng khan hiếm vật tư y tế cần thiết khi bùng phát đại dịch như hiện nay. Các nước trong khu vực đều phụ thuộc vào Ấn Độ, quốc gia lớn nhất Nam Á, về thiết bị y tế và đặc biệt là vaccine. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng cả hai sản phẩm chống dịch trên. Tỷ lệ tiêm phòng rất thấp hiện nay tại Nam Á là một trong những nguyên nhân khiến virus lây lan “ngoài tầm kiểm soát”. Theo số liệu của UNICEF, ở hầu hết các nước trong khu vực, chưa đến 1/10 dân số được tiêm phòng. Hiện khoảng 1,7 triệu trong gần 30 triệu dân Nepal mới được tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên. Trong số ấy, có 0 nghìn người được tiêm mũi thứ hai.
Một điều đáng lo ngại nữa là đầu tư cho y tế công cộng ở phần lớn các quốc gia vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017, Sri Lanka đầu tư khoảng 2% GDP cho y tế công cộng, Bangladesh ở mức 2,27% GDP , con số này ở Pakistan là 2,9% và 3,19% ở Bhutan, trong khi Mỹ là 17,06%, Áo là 10,4%, Brazil 9,47%. Do hạn chế đầu tư cho y tế nên phần lớn các quốc gia Nam Á đều "tơi tả" trong đại dịch. Đơn cử như Nepal có khoảng 1.600 giường bệnh điều trị tích cực và chưa đầy 600 máy thở, trung bình 0,7 bác sĩ sẽ chăm sóc cho 100.000 nghìn người. Sri Lanka, với tỷ lệ 3,6 giường bệnh cho mỗi 1.000 dân và 1.200 người dân mới có 1 bác sỹ, đã nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải vì đại dịch.
Hơn thế nữa, bởi Nam Á là một trong hai khu vực có tỷ lệ người nghèo cao nhất thế giới (cùng với miền Nam sa mạc Sahara), các chuyên gia cảnh báo hậu quả của làn sóng dịch lần này đối với Nam Á sẽ rất tàn khốc. Theo đánh giá của WB, COVID-19 hoành hành hơn 1 năm nay có thể đẩy thêm khoảng 115 triệu người lún sâu vào nghèo đói và phần lớn "lớp người nghèo mới" sẽ tập trung tại Nam Á.
Có thể nói rằng "cơn bão kinh hoàng" COVID-19 càn quét qua Ấn Độ cũng đã tràn vào các nước nghèo khác của khu vực Nam Á. Bác sĩ Netra Prasad Timsina, làm việc tại Hội Chữ thập Đỏ Nepal, cảnh báo “điều đang xảy ra tại Ấn Độ lúc này chính là tương lai khủng khiếp của các nước Nam Á” nếu chúng ta không có hành động quyết liệt. Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFRC Alexander Matheou cũng khẳng định "Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, một cách nhanh chóng để có hy vọng ngăn thảm họa này", bởi virus "không phân biệt biên giới và các biến chủng đang lan tràn khắp châu Á". Nam Á là khu vực chiếm 25% dân số thế giới và việc khu vực này có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 hay không sẽ quyết định "sự thành bại" của cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.