Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ngôn ngữ đang được sử dụng làm một công cụ quan trọng và được “chính trị hóa” hơn bao giờ hết. Nó được từ người dân đến chính trị gia dùng để thể hiện quan điểm là ủng hộ Nga hay phương Tây, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin được phép đưa quân tới Crimea (Crưm) với sứ mệnh bảo vệ người nói tiếng Nga ở đây.
Thông thường, miền tây Ukraine và cả thủ đô Kiev là những khu vực nói tiếng Ukraine, trong khi tiếng Nga lại được sử dụng ở miền đông và nam gần với lãnh thổ Nga, trong đó có Crimea – “tâm chấn” cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nhà xã hội học Ukraine Iryna Bekeshkina cho biết: Trong chính trị, sử dụng ngôn ngữ là một tín hiệu: ủng hộ tôi hay phản đối tôi. Sau khi quốc hội Nga cho phép Tổng thống Putin đưa quân vào Crimea nếu cần thiết, nhiều người dân thủ đô Kiev đã bắt đầu chỉ nói tiếng Ukraine và họ coi đây là một dấu hiệu phản đối hành động của chính quyền Nga.
Người dân ủng hộ quyết định của hội đồng thành phố Kharkov, Ukraine coi tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở thành phố ngày 13/5/2006.
|
Đối với người dân là thế. Còn với các chính trị gia thì sao? Các thành viên đảng Các Khu vực của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych thường nói tiếng Nga, trong khi cựu Thủ tướng đối lập Yulia Tymoshenko – một người ghét Nga – nhất quyết không chịu nói thứ tiếng này ngay cả khi trả lời phỏng vấn các nhà báo Nga. Lãnh đạo đảng Svoboda (Tự do), Oleg Tyagnybok, thậm chí còn “cao tay” hơn khi đòi có người phiên dịch trong một cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình Nga tại thời điểm cuộc khủng hoảng Ukraine đang ở giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng. Chính quyền lâm thời Ukraine cách đây không lâu đã ra lệnh gỡ bỏ phiên bản tiếng Nga của các cổng thông tin điện tử, trang web của các cơ quan nhà nước Ukraine.
Tuy nhiên, các chính trị gia “láu cá” hơn người dân ở chỗ: Khi cần, họ sẵn sàng phá rào quy tắc. Ví dụ như Tổng thống Yanukovych, ông vốn xuất thân từ khu vực nói tiếng Nga là Donetsk nhưng đã nỗ lực học tiếng Ukraine sau khi đắc cử năm 2010. Ông Dmytro Yarosh, lãnh đạo phong trào Pravy Sektor mặc dù tuyên bố không nói tiếng Nga nhưng vẫn thông báo kế hoạch tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới bằng tiếng Anh, tiếng Ukraine và Nga.
Dù có sự phân chia rạch ròi ngôn ngữ ở các vùng Ukraine nhưng trước khi xảy ra chính biến, trong cuộc sống thường nhật, phần lớn người Ukraine đều nói cả tiếng Ukraine lẫn Nga và họ thường “nhảy” từ tiếng này sang tiếng kia khi giao tiếp với bạn bè, đi chợ hay đến ngân hàng giao dịch. Khách mời các chương trình truyền hình cũng thường bàn luận các vấn đề bằng cả hai thứ tiếng cùng lúc.
Sở dĩ người Ukraine thạo cả hai thứ tiếng là vì thời xưa, khi Ukraine còn là một phần của Liên bang Xô Viết, song song với ngôn ngữ chính thức là tiếng Nga, các trường học dạy cả tiếng Ukraine. Vì thế mọi người dân Ukraine đều có thể đọc và viết bằng tiếng Ukraine dù không nói tiếng này ở nhà. Điều tra cho thấy chỉ có 1% dân số Ukraine không hiểu tiếng Ukraine, khoảng 30% không nói thành thạo tiếng này. Đối với tiếng Nga, tỷ lệ cũng là tương tự.
Việc ngôn ngữ bị chính trị hóa trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay bắt nguồn từ một quyết định hồi tháng 2/2014 của chính phủ tiếm quyền Ukraine. Quyết định này muốn hủy bỏ một đạo luật coi tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai ở nhiều khu vực thuộc Ukraine. Đạo luật này đã được thông qua năm 2010 với sự ủng hộ của Tổng thống Yanukovych. Mặc dù cuối cùng thì đạo luật này không bị bãi bỏ, tuy nhiên chỉ riêng ý định bãi bỏ đạo luật đã khiến Nga coi là hành động hạn chế nhân quyền của người Nga ở Ukraine. Tổng thống Putin cũng xem đó là một trong các lý do để xin quốc hội Nga cho phép đưa quân vào Ukraine nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và cộng đồng nói tiếng Nga.
Theo nhận định của nhà xã hội học Bekeshikina, bãi bỏ đạo luật là một điều không sáng suốt vì các khu vực có liên quan ở Ukraine sẽ coi đây là hành động áp đặt quyền lực của những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Trong khi đó, thủ lĩnh đối lập Vitali Klitschko lại coi nhẹ vai trò của ngôn ngữ trong cuộc chiến chính trị hiện nay ở Ukraine. Đơn giản vì một lẽ bố ông này là người Ukraine, còn mẹ là người Nga. Ông nói: “Tôi không bao giờ có ấn tượng rằng quyền lợi của tôi đang bị chà đạp nếu chỉ liên quan đến vấn đề ngôn ngữ”. Theo ông này, chỉ có những chính trị gia nào hết lý lẽ mới dùng đến ngôn ngữ làm công cụ.
Thùy Dương