Khi Obama 'đá quả bóng Syria' sang quốc hội

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định tạm ngừng cuộc “hành quân” đến chiến tranh và “đá quả bóng Syria” sang quốc hội khi gửi thư đề nghị các nhà lập pháp thông qua cuộc tấn công quân sự nhằm “trừng phạt” chính quyền của Tổng thống Assad.

Bị kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan: không “trừng phạt” thì mất uy tín nặng nề với tuyên bố về “giới hạn đỏ”, còn mở cuộc tấn công Syria, ngay cả một cuộc tấn công “có giới hạn” và mang tính hình thức, cũng dẫn đến những hậu quả khó lường trong khi tính hiệu quả thì quá mơ hồ, Obama buộc phải ‘hoãn binh”, chờ cuộc bỏ phiếu của các dân biểu Mỹ - những người sẽ chỉ trở lại nghị trường vào ngày 9/9 tới sau kỳ nghỉ hè.

Ông Obama đẩy quyết định về việc tấn công Syria sang cho Capitol Hill.

Cản trở đầu tiên và căn bản nhất mà ông Obama đang đối mặt là sự phản đối mạnh mẽ cộng đồng quốc tế.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã theo đuổi chiến lược “không dính líu” trong 29 tháng kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ, và hầu như không làm gì để xúc tác cho hoà bình, hoà giải tại quốc gia Trung Đông này. Rồi bất ngờ, vấn đề Syria “như từ địa ngục chui lên”, với nghi án tấn công bằng vũ khí hoá học nhằm vào thường dân ở ngoại ô Damascus. Giới chức Washington, được sự hậu thuẫn của một hệ thống truyền thông khổng lồ, lập tức phát đi những thông điệp ồn ào về một kế hoạch trừng phạt chính quyền Assad.

Sự thờ ơ của Obama trước đây và sự quan tâm tích cực một cách bất ngờ hiện nay đã khiến nhiều người bối rối, trong khi bằng chứng mà chính quyền của ông đưa ra hôm thứ sáu vừa qua lại không được dư luận quốc tế coi là thuyết phục để mở đường cho một hành động quân sự.

Sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng đó được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Các đồng minh truyền thống của Mỹ như Anh, Canada và Đức đều đã quyết định đứng ngoài hành động quân sự. NATO tuyên bố nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria đòi hỏi sự phản hồi của quốc tế, song tổ chức này sẽ không tham gia can thiệp quân sự. Các đồng minh Arập thì vẫn do dự để đưa ra bất cứ ủng hộ công khai nào.

Tại Liên hợp quốc, Mỹ chắc chắn không thể giành được tấm vé cho phép sử dụng vũ lực của Hội đồng Bảo an khi vấp phải lá phiếu phủ quyết của Nga – Trung. Trong một động thái mạnh mẽ và rõ ràng nhất, Tổng thống Putin ngày 31/8 đã thẳng thừng bày tỏ nghi ngờ về tính chân thực của bằng chứng do phía Mỹ cung cấp và yêu cầu Washington đưa ra bằng chứng xác thực về việc Damascus sử dụng vũ khí hoá học, thay vì vội vàng hành động.

Bên trong nước Mỹ, công chúng đã quá mệt mỏi, chán chường chiến tranh là rào cản chính với bất cứ vụ tấn công quân sự nào do Nhà Trắng phát động. Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đa số người Mỹ không ủng hộ tấn công Syria, và ngay cả những người ủng hộ trừng phạt cũng cho rằng, chính sách “no-boots-on-the-ground” (không can thiệp bộ binh) sẽ chẳng mang lại kết quả gì.

Sự phản đối của công chúng Mỹ thậm chí còn dẫn đến một cuộc “nổi loạn” trong chính đảng Dân chủ của Obama. Barbara Lee, nghị sĩ Dân chủ bang California, đã gửi một bức thư đến các nhà lập pháp Dân chủ tại quốc hội, đề nghị mở tranh luận về Syria. Trên thư của bà Lee cũng như một bức thư khác tương tự của nghị sĩ Cộng hoà Scott Rigell, có tới trên 190 nghị sĩ ký tên ủng hộ.

Sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố xin phép quốc hội tấn công, đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafar đã lập tức mỉa mai rằng cả Obama và Cameron đều “đã leo lên ngọn cây và không biết làm cách nào để xuống”. Với việc "đá quả bóng" sang Đồi Capitol, ông Obama có thể đã tìm ra một cách để xuống đất an toàn.


Thu Hằng
Obama đề nghị Quốc hội bỏ phiếu việc tấn công Syria
Obama đề nghị Quốc hội bỏ phiếu việc tấn công Syria

Ngày 31/8, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố Hoa Kỳ cần phải tấn công các cơ sở của Chính phủ Syria nhằm đáp trả cái mà ông gọi là cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền nước này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN