Ngành du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất thế giới, sử dụng 10% lực lượng lao động, đóng góp 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tạo động lực cho cả nền kinh tế và tạo điều kiện cho các nước phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đại dịch, du lịch là một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới của LHQ (UNWTO), các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại đã ảnh hưởng nặng nề đến từng mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch, như các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, nhà cung cấp thực phẩm, nông dân, nhà bán lẻ và một loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2020, khi đại dịch bùng phát và lan rộng, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73%, khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại hơn 1.300 tỷ USD, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại mà ngành này từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Năm 2021, sự tê liệt của ngành du lịch quốc tế do đại dịch COVID-19 gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.000 tỷ USD. Đại dịch khiến lượng du khách quốc tế giảm 82% tại Đông Nam Á, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên khắp khu vực. Nhiều nước thông báo số việc làm trong ngành du lịch chiếm gần 30% tổng số việc làm mất đi do dịch. Cùng với sự chuyển đổi từ chính sách “không COVID-19” trong cộng đồng sang chính sách sống chung an toàn với dịch, việc mở cửa cho du lịch và khôi phục ngành du lịch là yêu cầu tất yếu và cấp bách, bởi đây chính là một động lực lớn cho tăng trưởng toàn cầu, qua đó vực dậy nền kinh tế thế giới.
Việc các nước bắt đầu nối lại hoạt động du lịch kể từ nửa cuối năm ngoái đã mang lại kết quả khả quan. Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, châu Âu là khu vực đi đầu trong việc mở cửa cho du khách quốc tế. Các nước châu Á cũng từng bước thí điểm khôi phục hoạt động ở quy mô nhỏ đối với từng điểm du lịch, tiến tới mở cửa hoàn toàn. Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy được, sang năm 2022, hầu hết các khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế.
Từ ngày 1/3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường với những người đã tiêm quá 9 tháng. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Một loạt nước châu Âu đã mở cửa với du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Na Uy… tiếp tục nới lỏng quy định nhập cảnh, như bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tại châu Đại Dương, Australia mở cửa trở lại biên giới từ ngày 21/2 đối với tất cả du khách đã tiêm chủng, trong khi quốc gia láng giềng New Zealand công bố kế hoạch mở cửa trở lại theo giai đoạn 5 bước, trọng tâm là từ tháng 7 tới.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia từ cuối tháng 1/2022 đã phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn", theo đó toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đều được hoan nghênh đến Campuchia mà không cần cách ly. Lào thận trọng từng bước mở cửa theo 3 giai đoạn, với các mốc thời gian từ ngày 1/1, từ ngày 1/4 và từ ngày 1/7, cho phép các vùng xanh bao gồm thủ đô Viêng Chăn, thành phố Luang Prabang và thị trấn Vang Vieng mở cửa đón khách du lịch.
Kể từ tháng 2, Thái Lan đã nối lại chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường, cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19), đồng thời áp dụng chương trình này đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ giới hạn ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Singapore cũng thông báo mở rộng chương trình du lịch miễn cách ly tới Hong Kong (Trung Quốc), Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sẽ bổ sung thêm các điểm đến trong khuôn khổ chương trình này. Singapore cũng sẽ khôi phục và tăng số người được phép tham gia Chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), vốn đã giảm quy mô từ tháng 12/2021 để đối phó với biến thể Omicron.
Indonesia triển khai chương trình thử nghiệm miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài tới hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali từ ngày 7/3 (những người đã thanh toán tiền đặt phòng khách sạn cho tối thiểu 4 ngày tại Bali; đã tiêm liều cơ bản vaccine hoặc đã tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19; và có bảo hiểm y tế). Ngày 10/2, Philippines cũng đã mở cửa trở lại với du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận miễn thị thực với Philippines. Malaysia sẽ mở cửa biên giới hoàn toàn và bắt đầu chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ 1/4 tới, theo đó du khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine COVID-19, chứng nhận PCR âm tính là có thể nhập cảnh Malaysia, không cần cách ly.
Tại Việt Nam, chính phủ đã đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, trong bối cảnh Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi ba vaccine COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tương đối cao. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước mở cửa đón du khách quốc tế, Tiến sĩ Sanchita Basu Das của Chương trình Nghiên cứu kinh tế khu vực (RES) thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định các nước cần phối hợp với nhau ở cấp khu vực, trước tiên là thông qua các cơ chế của ASEAN, và sau đó là hợp tác giữa các nước trong khu vực rộng châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh các chiến dịch kích thích du lịch cấp quốc gia, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các nền tảng kỹ thuật số chung để chia sẻ thông tin và số liệu đồ hoạ về các thói quen du lịch an toàn. Tại hội nghị cấp bộ trưởng du lịch giữa tháng 1 vừa qua, các nước ASEAN đã nhất trí mở cửa trở lại ngành du lịch ASEAN và thúc đẩy hợp tác toàn khối nhằm phục hồi ngành này, đồng đảm bảo năng lực cạnh tranh của khối trong lĩnh vực du lịch.
LHQ hy vọng du lịch toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2022, khi nhiều nước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi phục hồi du lịch xanh và toàn diện sau đại dịch, để ngành du lịch thực sự tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời phải đem lại lợi ích cho các cộng đồng bị thiệt thòi, góp phần vào bình đẳng giới và tăng cường sự hiểu biết giữa các nền văn hóa. Việc xây dựng du lịch theo hướng bền vững sẽ đóng góp vào khả năng phục hồi và bảo vệ hành tinh sau những tác động tàn phá của đại dịch.