Chiến thắng ngoạn mục của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Hạ viện Anh ngày 7/5 đã đem lại cho Thủ tướng David Cameron thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhà lãnh đạo Chính phủ Anh đang có một khởi đầu thuận lợi hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên nhưng ông cũng đứng trước không ít thách thức để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử.
Trong 5 năm cầm quyền vừa qua, chính phủ do ông Cameron đứng đầu đã chèo lái nước Anh vượt qua khủng hoảng kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong số những nền kinh tế phát triển. Hàng triệu việc làm mới đã được tạo ra và thâm hụt từ mức chiếm 12% tổng sản phẩm nội địa (GDP) hồi năm 2010 có thể giảm xuống còn tương đương 4% GDP năm nay.
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) và phu nhân Samantha bên ngoài Tòa nhà Số 10 phố Downing ở London ngày 8/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhưng để thực hiện mục tiêu cân bằng ngân sách, chính phủ đã phải thực hiện nghiêm ngặt chính sách khắc khổ với nhiều phúc lợi xã hội bị cắt giảm ảnh hưởng tới đời sống dân nghèo. Kế hoạch của đảng Bảo thủ xóa bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2018 đồng nghĩa với việc chính phủ sắp tới phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực. Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) có thể được bảo vệ nếu đảng Bảo thủ giữ lời hứa nhưng chi tiêu cho hội đồng địa phương, giao thông và quốc phòng chắc sẽ phải giảm bớt. Làm sao để thực hiện mục tiêu này mà không gây ra bất bình và xáo trộn trong xã hội là một bài toán khó của ông Cameron và chính phủ Bảo thủ của mình.
Một thách thức nữa với ông Cameron trong nhiệm kỳ này chính là đảm bảo sự toàn vẹn của Vương quốc Liên hiệp Anh, đặc biệt sau thắng lợi vang dội của đảng Dân tộc Scotland (SNP) tại cuộc bầu cử vừa qua. SNP đã giành tới 56 trong tổng số 59 ghế nghị viện phân bổ cho xứ Scotland và không che giấu ý định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về độc lập. Thủ tướng Cameron từng hứa hẹn trao quyền tối đa cho Scotland để thuyết phục xứ này đừng tách khỏi Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái. Tuy vậy, những quyền lực mới cho Scotland phải đi kèm với những cải cách sâu rộng bộ máy hiến pháp trên toàn lãnh thổ khiến việc thực hiện không đơn giản và điều này dễ biến ông trở thành người "nói không đi đôi với làm". Trong phát biểu mừng thắng cử, Thủ tướng Cameron không quên nhắc lại cam kết trao quyền tối đa cho các xứ trong liên hiệp, bao gồm Wales, Scotland và Bắc Ireland. Xử lý vấn đề này sao cho hài hòa giữa các xứ sẽ là một thách thức mà chính phủ của ông phải vượt qua.
Về đối ngoại, quan hệ của Anh với Liên minh châu Âu (EU) sẽ là vấn đề được quan tâm nhất trong nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Cameron. Nhà lãnh đạo này từng cam kết tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU vào năm 2017 nếu thắng cử và chuyện này gây ra không ít tranh cãi không chỉ trong lòng nước Anh mà cả châu Âu.
Theo giới quan sát, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua đã đưa ông Cameron lên vị thế tốt hơn để mặc cả các thỏa thuận với EU sao cho có lợi nhất cho Anh trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy. Chẳng thế mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngay sau khi biết kết quả bầu cử Anh đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Cameron với ngỏ ý "Tôi sẵn sàng làm việc với ngài để tìm ra một thỏa thuận công bằng cho Anh tại EU".
Bản thân ông Cameron thì không muốn Anh rời khỏi EU, nên nếu ông có thể khiến EU thay đổi một số điều khoản có lợi cho Anh qua thương lượng thì cuộc trưng cầu ý dân vẫn sẽ diễn ra nhưng kết quả Anh vẫn ở lại EU. Thủ tướng Anh hy vọng rằng các cuộc đàm phán của ông với giới chức EU sắp tới có thể diễn ra trong bầu không khí ít căng thẳng hơn sau thất bại của ông Nigel Farage, Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) chủ trương chống nhập cư và EU, đã thất bại trong việc giành một ghế nghị sĩ tại Hạ viện mới và từ chức.
Dù sao, việc Thủ tướng Cameron nhanh chóng bắt tay vào thành lập chính phủ mới cho thấy ông đã sẵn sàng tiếp tục một nhiệm kỳ hai đầy hứng khởi và tham vọng dẫu không ít thách thức.
Đỗ Sinh (
P/v TTXVN tại Anh)