'Khúc xương' Tân Cương trong chiến lược hướng Tây của Trung Quốc

Vụ đánh bom tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương hồi tuần trước diễn ra chỉ một ngày sau khi Nga và Trung Quốc ký Thỏa thuận hợp tác năng lượng “khủng” trị giá 400 tỉ USD. Urumqi giờ đây sẽ nối Thượng Hải với Moskva qua một mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường ống, mở ra cánh cửa để Trung Quốc tiến vào lục địa Á-Âu.

Tân Cương trong chính sách hướng Tây

Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và xoay trục sang châu Á, Trung Quốc đã có bước đi đáp trả. Tân Cương đang nổi lên là vùng đệm cho những thị trường mới, cùng nguồn cung ứng năng lượng từ Trung Á và vươn xa hơn thế, giúp Trung Quốc thoát khỏi bất kì một chiến lược kiềm chế nào trên hướng biển.

Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách với Tân Cương trước Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, tại đó ông đã đưa ra “Đại kế hoạch chiến lược” cho khu vực này (theo Tân Hoa xã). Dù bài phát biểu chưa được công khai, Tân Cương đã trở thành điểm nhấn trung tâm trong toàn bộ nghị trình chính sách của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 10/2012.

Tân Cương luôn là điểm nóng trong chiến lược hướng Tây của Trung Quốc. Ảnh: VOA


Cũng chỉ ít ngày sau đó, phát biểu tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Chủ tịch Trung Quốc đưa đề xuất xây dựng “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” và vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng thúc đẩy giao thông, thông tin, thương mại, giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc với châu Âu qua lục địa Á-Âu. Thỏa thuận khí đốt “khủng” vừa qua chỉ là diễn biến mới nhất trong một chuỗi các hiệp định song phương, đa phương với Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Pakistan, Iran và nhiều quốc gia Trung Á-Trung Đông khác trong vài năm trở lại đây.

Việc mở rộng bước đi kinh tế tại khu vực được hậu thuẫn bởi chính sách ngoại giao sức mạnh, khi ông Tập Cận Bình tìm kiếm các diễn đàn đa phương như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố niềm tin ở châu Á (CICA) để thúc đẩy các lợi ích quốc gia tại Á – Âu.

Tướng Liu Yazhou, Chính ủy Đại học Quốc phòng Bắc Kinh, người ủng hộ nhiệt thành chiến lược hướng Tây, trong nhiều thập kỉ qua từng đánh giá “Trung Á là miếng bánh dày nhất, giàu nhất mà thiên đường ban tặng cho Trung Quốc ngày nay”. Là một người thuộc phái “thế tử”, có mối liên hệ mất thiết với ông Tập Cận Bình, Liu Yazhou được cho là có vai trò cố vấn cá nhân và những đánh giá đó được xem là mang nhiều ý nghĩa.

Tân Cương có vai trò quan trọng. Sự ổn định của tỉnh miền Tây này là điều kiện tiên quyết cho bất kì bước chuyển mình sang hướng Tây nào.Từ lúc lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc thăm vùng này nhiều hơn bất kì một khu vực tiền tiêu nào khác, kể cả Tây Tạng. Không những vậy, ông Tập Cận Bình còn đích thân chủ trì 7 cuộc thảo luận cấp cao, ban hành hơn 30 sắc lệnh về Tân Cương kể từ Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc (10/2012).

Trong chuyến thăm Tân Cương hồi tháng 4 vừa qua, ông Tập Cận Bình nói: Sự ổn định dài hạn của Tân Cương là đặc biệt quan trọng đối với cải cách, phát triển, ổn định quốc gia cũng như thống nhất dân tộc, hài hòa dân tộc, an ninh quốc gia, tiến trình phục hưng đất nước Trung Hoa.

Thách thức không dễ giải quyết

Thế nhưng đó chỉ là tuyên bố, còn việc diệt trừ vòng xoáy bạo lực sắc tộc, tôn giáo thì vẫn đầy khó khăn. Thống kê nội bộ cho biết, chỉ riêng năm 2013, đã xảy ra 248 vụ việc “bạo lực và khủng bố” tại vùng cực Tây này, chủ yếu là do người Duy Ngô Nhĩ thiểu số tấn công các cơ quan công quyền và cộng đồng người Hán.

Hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương. Ảnh: AFP


Rất nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc coi vụ đánh bom khu chợ ở Urumqi, như các vụ trước đó, là hành động tấn công khủng bố bạo lực, thề sẽ “trừng trị nghiêm khắc những kẻ khủng bố, làm mọi cách để ổn định tình hình". Nhưng vụ việc mới nhất này làm lộ rõ mâu thuẫn sâu sắc trong chính sách cốt yếu của Bắc Kinh với Tân Cương. Ý định của giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn thúc đẩy cải cách kinh tế, mở rộng thương mại toàn cầu hiện phải đối mặt với yêu cầu cấp thiết “duy trì ổn định xã hội và hòa bình bền vững” ở Tân Cương.

Ông Tập Cận Bình tìm cách thu nhận “trái tim, khối óc” của người Duy Ngô Nhĩ thông qua hàng loạt những chính sách mới. Hồi tháng 3, chính quyền Tân Cương bắt đầu chiến dịch đưa các viên chức, kể cả cấp cao, đến làm việc, sinh hoạt tại các làng xã, cộng đồng cơ sở nhằm xóa nghèo tại những vùng khó khăn ở nam Tân Cương. Những quan chức này được giao nhiệm vụ “lấy lòng” người bản địa bằng các chuyến viếng thăm thường xuyên, tặng tiền, cùng tuyên bố nhổ tận gốc các biểu hiện cực đoan, chống chính quyền.  Chiến dịch “tiền tỉ” này sẽ huy động đến 200.000 lượt cán bộ trong 3 năm, với khoảng 75.000 quan chức sẽ “kết thúc thực tiễn ở cơ sở” trong năm nay, Bí thư khu tự trị Tân Cương Trương Xuân Hiền tuyên bố.

Chỉ có điều, hình thức “hội nhập” này đương nhiên tạo ra những phản ứng mạnh mẽ. Ngay cả khi người Duy Ngô Nhĩ phải nỗ lực để sinh tồn và thành công, thì vẫn có một bộ phận những người tìm kiếm sự an ủi từ Hồi giáo cực đoan. Chủ nghĩa cực đoan và sự khác biệt văn hóa luôn là một sự hòa trộn dễ “gây cháy”. Khi chính quyền trung ương đẩy nhanh các bước thâm nhập sâu hơn vào xã hội Tân Cương mà không tính đến yếu tố sắc tộc, văn hóa này, các cuộc tấn công phản kháng bạo lực là điều khó tránh khỏi.

Cách tiếp cận như hiện nay theo hướng “dùng nắm đấm” trước sẽ chỉ làm vấn đề thêm tồi tệ. Điều cần thiết là phải có một chính sách tiệm tiến, không quá gây xáo động, xây dựng niềm tin, tôn trọng đặc tính văn hóa, tôn giáo… Nếu không, cộng đồng người Hán sẽ là người nắm thế “độc quyền” trong bất kì một "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" mới nào, còn người Duy Ngô Nhĩ sẽ vẫn ở thế “kẹt” dưới một nền kiểm soát nội an chặt chẽ, cùng sự phân biệt về việc làm.

Đặng Tiểu Bình từng nói: Khi mở cửa đón gió mới, không thể tránh ruồi nhặng theo vào. Đối sách của Trung Quốc trước vấn nạn bạo động sắc tộc ở Tân Cương không phải là ở chỗ “đóng then cửa” hay "dùng vỉ ruồi", mà là ở việc nhận ra và loại bỏ những nguồn cơn ung nhọt gây ra bất bình đẳng vốn là gốc rễ của bạo lực. Nếu không, chiến lược hướng Tây của Trung Quốc sẽ chỉ dừng lại ở Urumqi.


Hoài Thanh (Nationalinterest)

Trung Quốc thu gần 2 tấn nguyên liệu chế bom ở Tân Cương
Trung Quốc thu gần 2 tấn nguyên liệu chế bom ở Tân Cương

Cảnh sát tại khu vực Tây Bắc bất ổn của Trung Quốc đã bắt giữ 5 nghi can khủng bố và tịch thu 1,8 tấn nguyên liệu thô có thể được sử dụng để chế tạo bom.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN