Khủng hoảng khói mù ở Indonesia

Suốt cả tháng nay, người dân Indonesia và các nước láng giềng đã khốn khổ khi phải sống trong màn khói mù dày đặc, ngột ngạt, lơ lửng trong không khí. Khói mù đã trở thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và là “đặc sản” ở khu vực Đông Nam Á năm 2015 và có thể còn kéo dài tới tận năm 2016. Trong khi chính phủ, người dân các nước có liên quan bức bối, thì các công ty gây ra khủng hoảng khói mù chọn cách im lặng đến khó hiểu.


Ngày 4/9/2015, Ủy ban quốc gia quản lý thảm họa Indonesia cho biết 6 tỉnh của nước này đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cuối tháng 9, chỉ số chuẩn ô nhiễm (PSI) của Indonesia đã chạm mức cao kỷ lục 2.300, ghi nhận ở tỉnh Trung Kalimantan. Hơn 28 triệu người Indonesia đã bị ảnh hưởng, hơn 500.000 người phải chữa bệnh hô hấp. Chính phủ ước tính khủng hoảng khói mù sẽ khiến Indonesia phải tốn tới 47 tỷ USD để xử lý.

Lính cứu hỏa dập lửa đám cháy trên đất than bùn ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo (Indonesia).

Không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến người dân Indonesia, khói mù còn gây họa cho nhiều nước trong khu vực. Malaysia và Singapore đã phải đóng cửa các trường học. Nhiều chuyến bay bị hủy. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Các sự kiện ngoài trời không thể diễn ra, điển hình như Cúp Thế giới Bơi lội FINA 2015 ở Singapore và giải chạy Marathon ở Malaysia. Các nước như Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Philippines cũng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.

Cơ sở dữ liệu về cháy rừng toàn cầu cho biết các đám cháy ở Indonesia năm 2015 đã tạo ra 600 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tương đương với lượng khí thải mà nước Đức thải ra trong cả năm. Khủng hoảng khói mù 2015 có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Vậy đâu là căn nguyên của khủng hoảng khói mù? Phần lớn mọi người đều biết rằng hàng năm ở Indonesia, người ta đều tiến hành phát quang đất bằng cách dùng lửa đốt để lấy mặt bằng trồng cọ sản xuất dầu và các cây gỗ mềm để sản xuất bột giấy. Đây là biện pháp phát quang rẻ nhất, nhanh nhất nên được sử dụng hàng loạt bất chấp hậu quả tới môi trường. Do đất ở các vùng trồng cọ và gỗ mềm trên đảo Sumatra, Borneo là đất than bùn nên đám cháy không tắt hẳn mà âm ỉ hàng tháng trời, gây ra khói mù mịt. Những năm gần đây, vấn đề khói mù đã trở nên tồi tệ hơn khi ngành sản xuất dầu cọ và sản phẩm giấy đã tăng trưởng ở tốc độ chóng mặt khi sản lượng tăng gấp ba trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2012.

Trong thực tế, về dầu cọ, Indonesia là nhà cung cấp lớn nhất thế giới khi sản xuất ra một nửa lượng dầu cọ toàn cầu. Doanh thu từ ngành này chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Indonesia: 5,7 tỷ USD, tương đương 11% doanh thu xuất khẩu của Indonesia. Các doanh nghiệp lớn ở Indonesia - chủ sở hữu của nhiều khu đất rộng lớn ở Sumatra và Kalimantan - bị cáo buộc gây ra tình trạng trên.

Thế nhưng, có một điều lạ là dường như không thể xác định chính xác ai đốt rừng phát quang gây ra khói mù. Khi báo chí tìm đến các công ty, doanh nghiệp nói trên, họ đều nói: Không phải tôi, người khác mới là thủ phạm.

Indonesia đang điều tra hơn 100 công ty có dấu vết đốt rừng trên đất của họ. Indonesia mới nêu tên 4 công ty cụ thể, đồng thời đóng băng hoặc tịch thu giấy phép kinh doanh. Singapore cũng đưa ra 4 cái tên công ty Indonesia. Trong số các công ty bị nêu đích danh, điều lạ là chỉ có một công ty ra tuyên bố, nói rằng mình không phải là người chịu trách nhiệm. Các công ty còn lại im lặng tuyệt đối.

Bộ Môi trường Singapore cho biết đã gửi thông báo cho công ty Giấy và Bột giấy châu Á (APP) của Indonesia có chi nhánh ở Singapore, yêu cầu cung cấp thông tin về các biện pháp mà các chi nhánh và nhà cung cấp của công ty này đã thực hiện để dập lửa ở Indonesia. Nhưng APP cho biết họ đã có chính sách không dùng lửa để phát quang trong chuỗi cung cấp từ năm 1996. Dù vậy, chuỗi siêu thị lớn nhất Singapore đã tẩy chay APP bằng cách ngừng bán toàn bộ sản phẩm giấy của APP.

Ngoài ra, Singapore cũng đề nghị 6 công ty cung cấp thông tin với hi vọng phát hiện ra sự liên quan của các công ty này với khủng hoảng khói mù. Tuy nhiên, có thể biết chắc là không công ty nào dại gì tự đưa ra bằng chứng chống lại chính mình.

Rốt cuộc, không có ai nhận mình gây ra khói mù. Các doanh nghiệp đều tự giấu mình sau làn khói, trong khi hậu quả của khói mù để lại vô cùng nghiêm trọng. Đối với người dân phải chịu đựng lâu dài tình trạng này, đó là vấn đề của sống và chết. Vậy là không khí bị ô nhiễm mà không ai biết công ty nào dính líu và những công ty “vô danh” đó vẫn tiếp tục làm giàu, kiếm được cả triệu USD bằng cách đầu độc người khác mà không bị trừng phạt thích đáng.

Ngoài các công ty trực tiếp gây ra khói mù ở Indonesia, chính phủ nước này cũng bị chỉ trích mạnh mẽ về cách xử lý khủng hoảng. Cả hai thập kỷ nay, năm nào đến mùa khói mù, chính phủ Indonesia cũng cam kết sẽ giải quyết tình trạng này nhưng năm sau đâu lại vào đấy. Trước đó, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla còn khẳng định Indonesia không cần phải xin lỗi láng giềng vì khói mù: “Hãy xem các nước hưởng không khí trong lành nhờ môi trường và rừng xanh của chúng tôi trong bao lâu khi không có cháy? Hàng tháng trời. Họ có biết ơn chúng tôi không? Nhưng khi cháy xảy ra, nhiều nhất chỉ một tháng, khói mù ô nhiễm khu vực của họ thì họ phàn nàn. Tại sao lại cần phải xin lỗi?”.

Có thể nói với cách hành xử vô trách nhiệm với môi trường và sức khỏe con người của các doanh nghiệp và một vài quan chức Indonesia, láng giềng của họ sẽ còn “tận hưởng” dài dài khói mù. Thiết nghĩ, nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải bỏ qua cái lợi nhỏ để tính đến cái lợi lâu dài trước khi uy tín bị tổn hại.

Thùy Dương
Nửa triệu người Indonesia nhiễm bệnh hô hấp vì khói mù
Nửa triệu người Indonesia nhiễm bệnh hô hấp vì khói mù

Bộ Y tế Indonesia ngày 19/10 cho biết gần 500.000 người dân nước này đã phải điều trị bệnh hô hấp do không khí bị ô nhiễm từ nạn cháy rừng, cháy đất, trong khi hỏa hoạn vẫn đang tiếp tục tàn phá đất rừng và than bùn ở Sumatra và Kalimantan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN