Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào Tổng thống Tayyip Erdogan và Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara vẫn còn một cơ hội nữa để tránh được kịch bản xấu nhất.
Âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra lo ngại cho giới đầu tư đối với sự ổn định chính trị, tính bền vững của nền kinh tế và hệ thống tài chính. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được là một trong những nước có các chỉ số tốt nhất trong số các thị trường đang phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 4,5% trong năm 2015, trong khi đó, thị trường cổ phiếu trong năm nay đã tăng hơn 15%, vượt qua tất cả các thị trường mới nổi khác.
Âm mưu đảo chính có thể trở thành khủng hoảng kinh tế kéo dài đối với Thổ Nhĩ Kỳ. |
Năm 2016, dự báo kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt mức tăng trưởng 4%. Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo sợ, đặc biệt những nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Ankara đang thảo luận khả năng áp dụng án tử hình sau vụ đảo chính bất thành và đe dọa hủy hoại sự ổn định tài chính của nước này.
Khủng hoảng ngân hàng
Theo hãng tin Reuters, Ankara đã tạm ngưng hoạt động Bank Asya, ngân hàng lớn thứ 6 của Thổ Nhĩ Kỳ, có 180 chi nhánh trên khắp cả nước. Đây được coi là một quyết định chính trị. Theo giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Bank Asya có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị Tổng thống Erdogan cho là đứng sau âm mưu đảo chính bất thành, và được kiểm soát bởi những môn đệ của vị giáo sĩ này. Theo chuyên gia người Nga Sergei Zvenigorod, "trên thực tế Bank Asya đã bị thủ tiêu ngay từ năm 2014, còn năm 2015 tình trạng của ngân hàng được xác nhận lần cuối, vì vậy nói về vai trò của ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng hiện nay không có bất cứ ý nghĩa nào".
Ankara đã bắt đầu can thiệp bằng “lời nói” để nhanh chóng trả lại niềm tin cho thị trường và giới đầu tư. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc họp khẩn với các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận những biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ âm mưu đảo chính đối với thị trường. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cung cấp cho các ngân hàng tính thanh khoản không giới hạn để ngăn chặn những vấn đề có thể xảy ra trên thị trường. Tuy nhiên, các nguồn lực thanh khoản của Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế.
Ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài
Một trong những hậu quả tiêu cực từ âm mưu đảo chính bất thành không chỉ là sự bất ổn tỷ giá đồng nội tệ mà còn làm trầm trọng hơn những đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm, làm giảm tính hấp dẫn đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự báo nguồn tiền đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, có thể coi đó là đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, vốn đã xuất hiện đã nhiều năm nay tại nước này. Tuy nhiên, vấn đề dòng tiền đầu tư gây ra khá nhiều tranh cãi, tất nhiên nhiều nhà đầu tư quyết định vẫn tiếp tục duy trì số vốn đầu tư của mình cho đến khi tình hình bình ổn trở lại. Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào những hành động và sự nhanh nhạy phản ứng của ông Erdogan. Sự giảm sút đầu tư trong năm nay có thể ở mức 10-15%, nhưng trước hết sẽ khiêm tốn hơn, chuyên gia Gorsheneva nhận định.
Thị trường du lịch
Dòng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ chưa chắc sẽ được phục hồi trong năm nay. Mặc dù cách đây không lâu khi ông Erdogan đưa ra lời xin lỗi với Nga, nhiều người đã kỳ vọng các bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lấp đầy du khách Nga. Sau âm mưu đảo chính quân sự, đường vận tải hàng không giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tạm ngưng hoạt động. Người Nga tạm thời bị mất cơ hội bay đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng bất cứ hãng hàng không nào. Không chỉ du khách Nga ngừng đến Thổ Nhĩ Kỳ mà người Đức (nước có số lượng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất) cũng không còn mặn mà. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với tình trạng số lượng khách du lịch xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Vụ đảo chính bất thành xảy ra đúng mùa du lịch làm tiêu tan hy vọng ngành công nghiệp không khói, vốn đóng góp tới 6,6% GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhanh chóng phục hồi sau khi Moskva và Ankara đồng ý nối lại quan hệ.