Báo mạng "Huffington Post" mới đây bình luận, sự bất lực của Liên minh châu Âu (EU) trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria ( Xyri) chứng tỏ thể chế này thiếu một đường lối đối ngoại đáng tin cậy. Theo báo này, châu Âu chỉ có thể khắc phục điểm yếu ấy nếu trang bị một lực lượng vũ trang chung.
Bất lực của châu Âu không chỉ tác động đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng này trong tương lai, mà còn góp phần biến nó thành một cuộc xung đột quân sự hoàn toàn không đối xứng. Quyền lực mềm của châu Âu không có đất tồn tại ở Syria. Châu Âu phải chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới để có thể đưa ra những quyết sách tiếp theo.
Khủng hoảng ở Syria đã ảnh hưởng tới quan hệ của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó, châu Âu tỏ ra bất lực trước những gì đang diễn ra ở Syria. Ảnh: Internet |
Điểm yếu chiến lược của các nước châu Âu đã bị phơi bày trong việc tiến hành các hoạt động duy trì và gìn giữ hòa bình. Mỹ rất hiểu điều này. Và họ đã hành động bằng sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, đồng thời yêu cầu châu Âu chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của mình. Điều đó khiến châu Âu phải suy ngẫm và đề ra một dạng thức mới "phòng thủ thông minh" với chủ trương chi tiêu tiết kiệm song hiệu quả hơn về quốc phòng.
Hiện là thời điểm châu Âu đang suy tính về các hình thức hợp tác quốc phòng. Sẽ không có chuyện hợp nhất các lực lượng vũ trang của các nước thành viên, song có thể là, bên cạnh quân đội các nước, nên có một đội quân chung của châu Âu, với bộ tham mưu, hệ thống tuyển dụng, trường quân sự, căn cứ quân sự, cơ quan tình báo...
Nếu đặt giả thuyết về một sự hợp tác tăng cường, với sự gia nhập ban đầu của 10 nước thành viên (Đức, Bỉ, Bungari, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha), gắn với việc sử dụng 0,2% Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) từ ngân sách quốc phòng mỗi nước, thì ngân sách hàng năm cho hoạt động của quân đội chung châu Âu khoảng 18 tỷ euro. Nếu tính thêm Anh, con số này có thể vượt 21 tỷ euro.
Đó sẽ là con số không nhỏ nếu tính rằng các hoạt động của đội quân chung này chủ yếu dành cho việc triển khai lực lượng từ xa.
Khi một công cụ quân sự chung hình thành, các nước thành viên sẽ buộc phải thảo luận và quyết định về việc có tham gia hay không các nhiệm vụ gìn giữ và tái lập hòa bình và các hình thức triển khai nhiệm vụ. Điều đó cũng có thể cho phép xác định một chính sách đối ngoại chung.
Một quân đội chung sẽ cho phép quân đội các nước thành viên hưởng lợi các dịch vụ mà họ khó có thể có trong trường hợp chỉ đảm nhiệm một mình, như năng lực quan sát và truyền dẫn vệ tinh; đối phó với những mối đe dọa của vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân; hoạt động của các nhóm tàu sân bay; thông tin tình báo.
Nếu cách tiếp cận này mang tính cộng đồng, trách nhiệm chính trị của tổ chức và vận hành quân đội chung này sẽ phải được giao cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu và một ủy viên châu Âu phụ trách về an ninh và quốc phòng. Việc phê chuẩn thành lập quân đội chung sẽ phải được thông qua hai lần, một ở Nghị viện châu Âu và một ở Hội đồng các nước tham gia hợp tác tăng cường.
Quân đội chung này có thể hội nhập vào NATO như một lực lượng dự trữ chiến lược theo những hình thức được xác định với tổng thể các nước thành viên của NATO. Việc hợp tác tăng cường sẽ mở cửa cho các nước thành viên EU chấp nhận rằng quân đội chung này là một phần của NATO.
Với các chính khách như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, Tổng thống Pháp François Hollande, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano, Thủ tướng Italia Mario Monti, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy,... hiếm khi châu Âu ở trong bối cảnh có nhiều chính khách hàng đầu có niềm tin và ủng hộ một dự án như vậy. Nếu có thêm sự ủng hộ của Thủ tướng Anh David Cameron, được coi là một chính khách thực dụng, sẽ có thêm lý do để tin vào một thời điểm đang thuận lợi.
Trung Dũng