Cuộc khủng hoảng Ukraine, mà đỉnh điểm là sự sáp nhập Crimea vào Nga, đã tạo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cơ hội làm mới mình sau một thời gian “mất phương hướng chiến lược” kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc? Các quan chức tại trụ sở NATO ở Brussels tuyên bố rằng động thái của Nga về Ukraine là minh chứng cho những mối đe dọa và bất ổn đang tiếp tục gia tăng tại châu Âu (EU) và rằng cuộc khủng hoảng Crimea sẽ góp phần tăng cường sự đoàn kết và quyết tâm của NATO.Tuy đao to búa lớn lên án Nga và đưa ra một dự thảo kế hoạch có tên gọi “Thúc đẩy ổn định ở Nam Âu trong bối cảnh hiện tại”, nhưng trên thực tế, những gì mà NATO đang phải đối mặt trong những năm tới đó là sự thiếu gắn kết về chiến lược, chia rẽ về biện pháp và việc bảo đảm an ninh cho các thành viên của mình thời hậu Chiến tranh Lạnh bị suy giảm, đặc biệt là các nước gần Nga nhất.
Binh sĩ NATO trong một cuộc diễn tập. |
Theo Rajan Menon, Giáo sư khoa học, chính trị tại trường Đại học New York (Mỹ), khi Liên Xô chưa bị sụp đổ và đang trong thời kỳ hoàng kim nhất, người ta có thể dễ dàng giải thích về mục đích tồn tại của NATO, có thể tóm gọn rằng: NATO tồn tại để ngăn chặn và nếu cần thiết, đánh bại một cuộc tấn công châu Âu của khối Hiệp ước Vacsava - khối được thành lập để đảm bảo sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu và Moskva hy vọng sử dụng khối này để chinh phục Tây Âu.
Mục đích đặt ra như vậy của phương Tây khiến hàng triệu người châu Âu cho rằng NATO là cần thiết và có liên quan đến cuộc sống của họ. Khi được yêu cầu giải thích về lý do tồn tại của liên minh này, các quan chức NATO đã mượn lời của Tổng thư kí đầu tiên của khối, tướng Lord Ismay, người đã châm biếm ví rằng đó là để "không cho người Nga vào, người Mỹ ra và người Đức phát triển", một lời nhận xét dí dỏm nhưng nêu bật được nội hàm rộng nhất của của NATO đối với sự ổn định châu Âu nói chung.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, rất khó có thể đưa ra một công thức ngắn gọn về mục đích của NATO. Liên minh này đã tìm cách để tồn tại bằng việc mở rộng về phía Đông. Nhưng điều này đã gây ra 2 vấn đề.
Đầu tiên, nó làm cho Nga nghi ngờ và cảm thấy bị đe dọa. Họ cho rằng tại sao khi phương Tây hô hào khẩu hiện hợp tác, kỷ nguyên đối đầu về ý thức hệ và quân sự đã kết thúc, bi bô rằng sẽ giúp Moskva hội nhập vào phương Tây, lại đưa một liên minh tượng trưng cho Chiến tranh Lạnh tiến sát biên giới Nga.
Vấn đề thứ hai, việc mở rộng của NATO khiến cho sự đồng thuận về mặt chiến lược trong liên minh trở nên khó khăn hơn, như những gì mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld gọi là các thành viên "cũ" và "mới" ở châu Âu. Họ rõ rằng sẽ có quan điểm khác nhau về những gì gọi là các mối đe dọa, đặc biệt là liên quan đến Nga. Đến một mức độ nhất định sự bất hòa sẽ tăng lên nhanh chóng. NATO, ở đỉnh cao của thời Chiến tranh lạnh, có 16 thành viên so với 12 thành viên vào năm 1949 - năm nó được thành lập – nhưng đã trở thành một câu lạc bộ với 29 thành viên vào năm 2009. Điều này sẽ gây khó khăn hơn nhiều trong việc đạt được sự đồng thuận chung. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn khi liên minh này chia rẽ về cuộc chiến tại Iraq, một số thành viên mới ủng hộ cuộc chiến để làm hài lòng Mỹ trong khi một số thành viên cũ không đồng ý.
Cuộc chiến Iraq cũng là một ví dụ trong việc NATO chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động mới sau thời kỳ đối đầu với Liên Xô: khối bắt đầu "hoạt động ở bên ngoài khu vực”, hay đơn giản là nhiệm vụ viễn chinh ở bên ngoài châu Âu. Với sự gia tăng nhanh chóng các thành viên và thực hiện một nhiệm vụ mới, điều gì sẽ xảy ra với liên minh này? Câu trả lời đó là: Sự hỗn loạn và mất đoàn kết. Dù ở Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Iraq hay Libya, người ta thấy rằng sự tham gia của NATO trong những khu vực xung đột "bên ngoài khu vực" thường xuất hiện nhiều vấn đề. Ví dụ, thảo luận về các chiến dịch bên ngoài châu Âu luôn gây tranh cãi trong liên minh.
Giáo sư Rajan Menon cho rằng hiện NATO đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các quan chức tại Brussels và đặc biệt là cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (người kế nhiệm là cựu thủ tướng Na Uy Stoltenberg ngày 28/3), cho rằng động thái của Nga ở Ukraine như là một gáo nước lạnh dội vào một thực tế của liên minh. Một số thành viên của khối, cụ thể là Ba Lan và ba nước Baltic đang tỏ ra quan ngại sau khi Crimea sáp nhập vào Nga. Nhưng liệu cuộc khủng hoảng này có khiến các thành viên của liên minh này “cùng nhìn về một hướng”?
Binh sĩ Nga tập trận tại khu vực Volgograd, miền nam nước Nga, ngày 2/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Chắc chắn là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề trên của NATO. Thứ nhất, việc đạt được sự thống nhất trong khối về vấn đề Crimea chắc chắn vẫn rất khó khăn. Thứ hai, trong tất cả các cuộc thảo luận hơn 1 thập kỷ nay của NATO về việc giải quyết chia sẽ gánh nặng ngân sách đều có rất ít tiến triển. Sự chênh lệch trong đóng góp của Mỹ cho khối và tỷ lệ GDP mà nước này dành cho quốc phòng cùng với sức mạnh quân sự của Washington với các đối tác liên minh vẫn còn một khoảng cách lớn.
NATO đã đồng ý rằng các nước thành viên nên dành 2% GDP cho quốc phòng và nên hợp tác nhiều hơn nữa để giảm sự chồng chéo gây tốn kém. Nhưng năm ngoái, theo số liệu của NATO, chỉ có một số ít các nước trong khối đạt được mục tiêu đề ra, Mỹ dẫn đầu với 4,3%. Nhìn chung, các thành viên châu Âu của NATO dành cho quốc phòng ở mức 1,6% GDP. Chỉ có ba quốc gia: Pháp, Hy Lạp và Anh là dành 2% hoặc hơn, nhưng không vượt quá 2,4%. Những con số này cho thấy các nước châu Âu hướng vào cuộc chiến tự vệ. Nhưng giờ đây, Mỹ cũng đang phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong khi vẫn phải duy trì các cam kết với những đồng minh khác và duy trì thế siêu cường quân sự.
Triển vọng cho sự thay đổi vẫn rất mong manh. Thật đơn giản, ủng hộ về mặt chính trị cho việc tăng chi tiêu quốc phòng ở châu Âu đang trong thời kỳ yếu nhất, trong khi dân số của khu vực này đang già đi, nhu cầu phúc lợi sẽ phải tăng lên, sự nhiệt tình trong việc ủng hộ cho việc tăng cường sức mạnh quân sự cũng giảm theo.
Trong khi đó, đồng minh lớn, mạnh nhất của khối, Mỹ, cũng đang đối mặt với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng mà vẫn phải duy trì các cam kết với các đồng minh khác và vị thế siêu cường quân sự của mình. Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008, các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ e ngại về triển vọng công việc của họ, bất bình đẳng thu nhập, xã hội luôn biến động, chất lượng giáo dục và các cơ sở hạ tầng xuống cấp. Do đó, người dân Mỹ đều muốn cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Cuối cùng, nhiều nhà bình luận dự đoán rằng các cường quốc của châu Âu cuối cùng cũng sẽ phải “làm lành” với Nga, không chỉ vì họ không muốn chọc tức “chú Gấu khổng lồ” mà họ còn có mối quan hệ thương mại sâu rộng với Moskva. Giá trị thương mại Nga - EU đạt 337 tỷ euro trong năm 2012, tăng hơn gấp ba lần so với năm 2002. Sẽ có rất nhiều công ăn việc làm của người châu Âu bị đe dọa nếu căng thẳng với Nga leo thang.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nga và Moskva là đối tác lớn thứ ba EU. Mặc dù đang có xung đột về vấn đề Crimea, kinh doanh giữa Nga và châu Âu vẫn không bị gián đoạn. Như tờ New York Times báo cáo gần đây, "gã khổng lồ" năng lượng Total của Pháp đang thảo luận hợp tác với công ty Lukoil của Nga để khai thác mỏ dầu đá phiến sét ở Siberia và tuần trước Nga đã đặt mua 13 máy bay của Airbus.
Về năng lượng, mặc dù châu Âu sẽ đa dạng hóa nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Nga, nhưng trong trung hạn sự phụ thuộc này vẫn rất lớn và các công ty năng lượng châu Âu sẽ tiếp tục ký kết thỏa thuận với các tập đoàn Gazprom và Rosneft của Nga trị giá hàng tỷ đô la. Trong khi đó, việc hủy bỏ hợp trong lĩnh vực quân sự giữa Moskva với một số đối tác lớn khác như Pháp và Đức chắc chắn sẽ kích động một phản ứng từ Nga. Phó Thủ tướng phụ trách ngành công nghiệp chiến lược của Nga Dmitry Rogozin đã cảnh báo rằng Moskva sẽ yêu cầu một khoản bồi thường nếu Pháp không giao các tàu chiến lớp Mistral đúng tiến độ.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy rằng phương Tây, đặc biệt là châu Âu, không muốn gây tổn thương đến nền kinh tế Nga thông qua các biện pháp trừng phạt như hạn chế thương mại, ngân hàng và cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Moskva. Phương Tây cũng hiểu rằng việc cô lập Nga chỉ khiến cho chiến lược hướng Đông (đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ) mạnh mẽ hơn. Về phần mình, Tổng thống Putin cũng sẽ ổn định tình hình tại Crimea và sau đó dần cải thiện mối quan hệ với châu Âu, tuy không phải là dễ dàng và nhanh chóng.
Quan điểm cho rằng sự sợ hãi trước một nước Nga đang trỗi dậy sau cuộc khủng hoảng Ukraine-Crimea sẽ củng cố hơn sự thống nhất và tạo sự đồng thuận chiến lược trong NATO, cung cấp cho khối này một nhiệm vụ mới thời hậu Chiến tranh Lạnh là hoàn toàn sai lầm, mơ tưởng. NATO phải tìm ra tương lai cho mình, không nên để những gì đã diễn ra ở Ukraine làm ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế hai bên đều có lợi với Nga, giáo sư Rajan Menon kết luận.
Vũ Thanh