Khủng hoảng Ukraine làm gia tăng nguy cơ Syria bị tấn công quân sự

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã quyết định dừng mọi hoạt động của các phái bộ Ngoại giao Syria trên đất Mỹ, đồng thời rút Đại sứ ở Syria về nước. Vậy đâu là nguyên nhân và hệ quả của các quyết định này?

Ngày 18/3, Nhà Trắng ra yêu cầu mọi quan chức, nhân viên Syria làm việc trong tại các Đại sứ quán, Lãnh sự quán phải rời khỏi Mỹ. Đặc phái viên của Mỹ về Syria Daniel Rubinstein cho rằng, Mỹ không thể chấp nhận những người do chính quyền Syria bổ nhiễm thực hiện công việc tại Mỹ. Ông này cũng cam kết sẽ tái lập liên hệ ngay sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad mất quyền.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ gia tăng sức ép quân sự với Syria. Ảnh: AP


Quyết định rút đại sứ về nước cho thấy: Đối với Mỹ, thay đổi thể chế vẫn là điều quan trọng hơn việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, với việc cắt đứt quan hệ với Damascus, Mỹ đã quay trở lại chính sách cũ “kích động xã hội” (social engineering) từng được thực thi tại Afghanistan và Iraq. Vậy đâu là nguyên nhân đưa đến sự thay đổi này.

Giả thiết đầu tiên có thể là: Đây là nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép với Moskva, do quan điểm Nga trong vấn đề Ukraine. Trong thông điệp liên bang đặc biệt về sáp nhập Crimea vào Nga đọc trước Quốc hội lưỡng viện, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, Nga sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ lợi ích công dân Nga trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 20.000 - 50.000 người Nga đang sinh sống ở Syria. Bị những người cộng hòa chế giễu là “yếu ớt”, ông Obama quyết định đáp trả Nga bằng việc can dự vào Syria, có thể đến cả kịch bản dữ dội nhất, nhằm cải thiện uy tín và hình ảnh của mình.

Một lý do khác có thể tính đến, đó chính là những yêu cầu từ các nước đồng minh của Mỹ như Israel và Saudi Arabia. Điều này được củng cố một phần, bởi chỉ ngay trong ngày 19/3, Israel tiến hành oanh kích một số mục tiêu quân sự ở Syria nhằm trả đũa việc một lính Israel dẫm phải mìn nghi là do phía Syria gài ở Cao nguyên Golan. Không những vậy, Kamal Labwani, người sáng lập Liên minh dân tộc Syria (SNC) lập tức tuyên bố, phe đối lập sẵn sàng trao cao nguyên này cho phía Israel để đổi lại việc giúp lật đổ ông Bashar al-Assad.

Về phần Saudi Arabia, ông Obama có kế hoạch sẽ tới Riyadh vào cuối tháng này. Đây hẳn nhiên không phải là sự tình cờ, khi mà quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau động thái Washington thiết lập các cuộc tiếp xúc với Tehran liên quan đến việc xử lý chương trình hạt nhân của Iran. Phía Saudi Arabia đang rất quan ngại về sự củng cố liên minh giữa Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Syria - Hamas. Lo sợ này có thể đã dẫn đến việc Riyadh hối thúc Washington hành động.

Cuối cùng, lời giải thích khả dĩ cho quyết định của ông Obama là sức ép từ các thế lực trong nước, cụ thể là những nhóm vận động hành lang (gồm cả phái ủng hộ Israel). Nhóm mang tư tưởng diều hâu đang chiếm ưu thế trong tiến trình tạo lập chính sách ở Bộ Ngoại giao Mỹ, với các đại diện nổi bật là Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice. Những người này hành động như thể là phát ngôn cho việc họ sẽ là người “phá tan” tình huống và đẩy Obama tới việc lựa chọn hình thái đối đầu.
 
"Với những gì diễn ra ở Ukraine, mọi người đã quên hẳn Syria và chiến sự vẫn nổ ra ở đó. Theo tôi biết, có kế hoạch tấn công nhằm vào Damascus từ cái gọi là 'mặt trận phương nam' từ Jordan", ông Semyon Bagdasarov, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Trung Á - Trung Đông nhìn nhận. Theo đó, có khoảng 20.000-30.000 phiến quân đối lập đang được tạo lập, tập trung ở đó, với nhiệm vụ thực hiện cuộc chiến chống chính phủ. Đó là lý do mà ông Bagdasarov tin là “sẽ có leo thang đặc biệt nguy hiểm (tại Syria) trong tương lai gần”.

Nói tóm lại, với việc Mỹ quyết định ngừng quan hệ ngoại giao với Syria, chính quyền Obama đang tẩy chay một bên liên quan đến hội nghị hòa bình Geneva-2 và sẽ không tiếp tục thúc đẩy hòa đàm giữa phe đối lập với chính quyền Tổng thống Assad. Một đòn tấn công quân sự quy mô lớn có thể sẽ là bước tiếp theo.


Hoài Thanh (Pravda)
 

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Syria
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Syria

Kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời các quan chức cho biết lực lượng vũ trang nước này đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria sau khi máy bay này vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN