Nhiều nước phương Tây đang đặt hy vọng của họ lên bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, muốn bà đứng ở tuyến đầu của châu Âu đưa ra những phản ứng mạnh mẽ và thống nhất đối với việc Nga sáp nhập Crimea. Cùng với các quan chức châu Âu, bà Merkel đã lên án sự việc này và cảnh báo Moskva về những hậu quả, bao gồm cả biện pháp trừng phạt kinh tế có thể. Tuy nhiên, thông điệp mà phía Đức đưa ra là không rõ ràng.Đức đã thận trọng và tránh vai trò đi đầu trong chính sách đối ngoại của châu Âu kể từ khi nước này gặp phải "thảm họa lịch sử" - là trung tâm của cả hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây.
Những quốc gia phương Tây khác và một số thành viên trong đảng của bà Merkel đang hối thúc Thủ tướng đương nhiệm của Đức thực hiện một chính sách đối ngoại mang tính "cơ bắp" hơn để tương xứng vị thế của Đức là nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất châu Âu. Một sự thay đổi như vậy cũng đã từng được thảo luận tại Berlin vài năm qua, nhưng những người ủng hộ bà nói rằng cuộc khủng hoảng ở Crimea là một vấn đề mà Đức cần phải thận trọng.
"Đức thực sự đã từng theo đuổi chính sách đối ngoại với vai trò là một cầu thủ lớn trong các cuộc chơi. Sức mạnh kinh tế của chúng tôi đã tạo ra một kỳ vọng từ bạn bè và các nước láng giềng rằng Đức phải sống theo trách nhiệm của mình. Một vai trò tiên phong là nẳm trong tầm tay của Berlin, vấn đề là chúng tôi có thích hay không”, ông Norbert Roettgen , Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức và là thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel, nói.
Tuy nhiên, nhiều người đã không ủng hộ vai trò đi đầu của Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, đặc biệt là giới kinh doanh của nước này. Họ đang lo lắng về một mối nguy hiểm khi leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga, một đối tác thương mại quan trọng và là nhà cung cấp khoảng 1/3 lượng dầu và khí đốt cho Đức. Hầu hết người dân Đức cho biết trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây rằng họ phản đối lệnh trừng phạt Moskva, ít nhất cho đến hiện nay.
Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga cuối tháng 2, bà Merkel đã tích cực điện đàm cho các bên liên quan để “môi giới” một giải pháp ngoại giao và bà đã có các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Nga Putin nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: Itar-tass |
Cho dù hai bên không nói rằng họ có mối quan hệ sâu sắc và theo nghĩa đen, họ hiểu ngôn ngữ của nhau: bà Merkel thông thạo tiếng Nga, lớn lên trong thời kỳ hoàng kim của Liên Xô, trong khi ông Putin đã học tiếng Đức trong thời gian ông hoạt động ở Đông Đức khi là một sĩ quan KGB, nhưng những nỗ lực của bà Merkel nhằm thuyết phục ông Putin thay đổi quan điểm về vấn đề Crimea cho thấy không hiệu quả hơn so với những áp lực mà Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây khác tạo ra.
Tháng trước, trong một bài phát biểu cứng rắn tại quốc hội , bà Merkel cũng chỉ trích Moskva là việc sáp nhập Crimea đi ngược lại quy định cốt lõi của luật pháp quốc tế. Tuyên bố này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của Thủ tướng Đức với các đồng minh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương của mình. Ngoài ra, Berlin nhắc lại sẽ tham gia vào lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu nếu căng thẳng leo thang, có nghĩa là nếu các lực lượng của Nga tiến vào phía đông Ukraine.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng đã hài hòa với quan điểm ở trong nước, khiến các nhà phê bình cho rằng bà hành động ít hơn so với kỳ vọng của phương Tây.
Trong khi các nước EU như Anh và Ba Lan đã đưa ra một phản ứng mạnh mẽ hơn đối với ông Putin, thì một số khác đã thể hiện sự mềm mỏng hơn, cụ thể là Đức - nơi đa số người dân phản đối một bế tắc chính trị và kinh tế. Với sự chủ trì của Thủ tướng Merkel , Liên minh châu Âu (EU) đưa ra giải pháp mang tính tiếp cận hơn và chỉ trừng phạt kinh tế đối với Moskva như một phương sách cuối cùng.
"Bà ấy (Thủ tướng Đức) không bao giờ thực sự ở đứng ở tuyến đầu. Bà ấy đã có kinh nghiệm nhẫn nhịn, không lao về phía trước…Đây là điều mà người Đức nghĩ, họ rất bảo thủ. Họ không muốn trả giá về vấn đề Ukraine", Stefan Meister, một thành viên cao cấp của Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại tại Berlin, cho biết.
3 năm trước, Đức đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về việc can thiệp quân sự vào Libya, Berlin đã lựa chọn “ngồi trên băng ghế dự bị” trong khi Anh và Pháp dẫn đầu các nỗ lực để áp đặt một vùng cấm bay để chống lại nhà lãnh đạo Moammar Kadafi. Việc Đức không tham gia can dự vào Libya đã gây nhiều thất vọng đối với các đồng minh và một số chính trị gia trong nước, làm nổ ra một cuộc tranh luận ngày càng tăng về việc Đức cuối cùng có nên thoát khỏi “cái bóng” của thời Đức quốc xã để thể hiện sức mạnh của mình trong chính sách đối ngoại.
"Liệu Đức có quyết tâm đi tiên phong? Có. Nhưng Berlin thích đi đầu trong trường hợp khác. Đức thích được ở trong một câu lạc bộ. Họ thích G- 7, họ thích NATO, họ thích EU", Philip Murphy, đại sứ Mỹ tại Berlin từ 2009-2013 nói và cho rằng nhiều người nhầm lẫn về những nỗ lực thận trọng của bà Merkel nhằm xây dựng sự đồng thuận và giải quyết vấn đề. Nếu lệnh trừng phạt phương Tây hoặc các biện pháp không phổ biến khác trở nên cần thiết để đối phó với Nga, ông dự đoán, bà ấy sẽ áp dụng. " Merkel là người thực tế. Bà ấy sẽ vì lợi ích của Đức”, Murphy nói.
Trong khi Đức có thể cẩn thận hơn khi đưa ra phản ứng với Nga sau khi các sự kiện ở Crimea, sự ổn định tương lai của lục địa châu Âu đòi hỏi Đức lại một lần nữa cho thấy có quan điểm chung với nước láng giềng phía đông của mình. Rõ ràng là sự sáp nhập Crimea của Nga đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Moskva và Berlin. Những thiệt hại này sẽ cần một thời gian để xem xét và hàn gắn. Nhưng cả Đức và Nga đều nhận thức được rằng không thể phá vỡ nền tảng căn bản trong mối quan hệ của họ bởi vì Đức hiểu được mức độ và hậu quả nghiêm trọng của Chiến tranh Lạnh, do đó Berlin sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn cuộc chiến này tái phát.
Vũ Thanh