Một quốc gia từng là cầu nối đưa Mỹ và Liên Xô ngồi vào bàn đàm phán ở thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh và ký Đạo luật Helsinki, nay có thể giúp Nga và phương Tây đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trung gian hòa giảiNgày 15/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã đồng ý làm tất cả mọi thứ trong khả năng của họ để chấm dứt xung đột tại Ukraine. Bởi vì cả Nga và Phần Lan đều có lợi ích trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Rõ ràng, cả hai nước đều quan tâm đến việc kết thúc các lệnh trừng phạt, mang lại hòa bình và ổn định cho châu Âu và nối lại mối quan hệ thương mại mà các bên cùng có lợi. Điều này đặc biệt đúng kể từ khi các biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây nhằm vào Moskva đã làm tổn thương nền kinh tế Nga trong khi các biện pháp trừng phạt trả đũa của Moskva cũng làm tổn thương nền kinh tế của Phần Lan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái, và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: AP |
Không giống như nhiều cuộc họp cấp cao khác liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Phần Lan Niinisto thực sự có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. Sau tất cả, Phần Lan có một lịch sử lâu dài trong việc làm trung gian hòa giải đối với các tranh chấp quốc tế, trong khi duy trì tính trung lập của mình.
Ví dụ, năm 1973, Liên Xô muốn tổ chức một cuộc họp giữa các quốc gia châu Âu. Mục tiêu chung là để đạt được sự công nhận của quốc tế về tính nguyên trạng ở châu Âu, và đặc biệt hơn, nhằm công nhận Đông Đức (DDR) là một nhà nước. Phần Lan đã sử dụng cơ hội này để không chỉ mời các nước châu Âu, mà còn mời tất cả các nước chịu trách nhiệm về hòa bình và ổn định của lục địa này, trong đó có Mỹ và Canada tham dự.
Mặc dù phương Tây ban đầu lưỡng lự về sáng kiến của Phần Lan nhằm tổ chức một hội nghị về an ninh và ổn định của châu Âu, nhưng chính sách trung lập của Phần Lan cuối cùng đã thuyết phục tất cả các bên cần thiết phải tham dự một hội nghị như vậy. Người Phần Lan tổ chức Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) và nhờ đó các các nước tham gia đã ký Đạo luật Helsinki năm 1975.
Điều thú vị là, Đạo luật Helsinki đã làm giảm đáng kể những căng thẳng của Chiến tranh Lạnh bằng cách áp dụng những nguyên tắc về tính trung lập mà Phần Lan đề xuất. Đặc biệt, đạo luật đã đưa ra những nguyên tắc nhằm định hướng sự tương tác giữa các nước tham gia về sự tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và tính bất khả xâm phạm biên giới cũng như không can thiệp vào vấn đề đối ngoại của các quốc gia tham gia.
Nhưng dường như hiện nay tất cả các bên đã quên đi những vấn đề cơ bản trong Đạo luật Helsinki khi mà cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Trong khi tình hình vẫn khá ảm đạm ở Ukraine, điều thậm chí còn đáng lo ngại hơn đó là sự xuất hiện của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga.
Trước đây, Nga có thể muốn tham gia vào một trật tự thế giới của phương Tây sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng hiện nay Moskva phản đối sự bá quyền của Mỹ ở châu Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Moskva cho rằng Washington sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần sự hợp tác từ các quốc gia khác. Hơn nữa, sự mở rộng của NATO vào các nước thuộc Liên Xô trước đây cũng như việc theo đuổi của một hệ thống phòng thủ tên lửa, đã làm cho Nga cảm thấy bị cô lập và bị đe dọa.
Những người chỉ trích Tổng thống Putin cho rằng việc Moskva sáp nhập Crimea chính là lý do NATO cần mở rộng không gian hậu Xô Viết, trong khi những người ủng hộ ông Putin nói rằng việc mở rộng của NATO đã buộc nhà lãnh đạo Nga phải bảo đảm căn cứ hải quân ở Crimea và do đó Nga phải kiểm soát bán đảo này.
Cần lưu ý rằng trong khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Moskva, thì uy tín của ông Putin lại tăng vọt. Hơn nữa, trong khi các biện pháp trừng phạt có thể làm tổn thương nền kinh tế Nga ở mức độ nào đó, ông Putin đã thành công trong việc xoay trục đến châu Á thông qua việc ký một hợp đồng năng lượng lớn với Trung Quốc, làm giảm bớt tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Mặc dù nền kinh tế Nga đã bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng ngược lại các nền kinh tế của Tây Âu và Mỹ cũng bị tổn thương từ chính các biện pháp trừng phạt này, và nếu tiếp tục quá trình “ăn miếng, trả miếng” như vậy, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thế đối đầu nguy hiểm Nga-phương TâyPhần Lan có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên. Nước này có một lịch sử lâu dài hợp tác với cả Nga và phương Tây và có thể đưa các bên liên quan đến cuộc xung đột xích lại gần nhau để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Nhưng trong khi điều quan trọng là tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách hòa bình, chúng ta không được bỏ qua một điều trọng hơn.
Đối đầu Nga-Phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine khiến tất cả các bên đều thiệt. Ảnh: Itar-tass |
Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận cơ bản liên quan đến sự ổn định của châu Âu. Tất cả các quốc gia chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh ở châu Âu đã nhất trí về những nguyên tắc cơ bản nhất định để kiểm soát các mối quan hệ quốc tế ở châu Âu. Tuy nhiên, giờ đây thỏa thuận này đang bị lu mờ một cách nhanh chóng. Cả Nga và Mỹ đang trở nên “phân cực” hơn về quan điểm trong các mối quan hệ toàn cầu.
Đã đến lúc phải có một hội nghị lớn cho tất cả các quốc gia chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh ở châu Âu để cùng ngồi lại với nhau và thực hiện Đạo luật Helsinki hoặc xác định những quy tắc trong sự tương tác giữa các quốc gia châu Âu.
Nếu cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây tiếp tục diễn ra, có khả năng là không chỉ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xuất hiện mà các quy tắc được thiết lập từ thời Chiến tranh Lạnh trước đây cũng sẽ không còn hiệu lực. Cả Nga và phương Tây có nhiều thứ để mất nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không được giải quyết một cách nhanh chóng và hòa bình. Tuy nhiên, thế giới cũng có nhiều thứ để mất nếu phương Tây tìm cách cô lập Nga trên trường quốc tế.
Nga có thể đáp trả phương Tây bằng cách giúp Iran và Syria thách thức Mỹ. Hơn nữa, các thỏa thuận gần đây giữa Trung Quốc và Nga có thể làm suy giảm ảnh hưởng của Washington ở châu Á cũng như châu Âu.
Phần Lan nên hành động để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua tổ chức một hội nghị về hòa bình và an ninh của châu Âu, nếu không nói là toàn bộ thế giới. Họ đã làm điều đó một lần tại một thời điểm mà hợp tác giữa phương Tây và Liên Xô rất ảm đạm. Đã đến lúc Phần Lan làm điều đó một lần nữa để tạo ra một sự hợp tác mới nhằm đạt được một thỏa thuận về các nguyên tắc cho sự tương tác giữa các nước châu Âu trong bối cảnh hiện nay.
Công Thuận (Theo R.D)