Trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra, các chính quyền châu Á dường như triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả hơn so với Mỹ và châu Âu nhờ chuẩn bị tốt hơn, quyết liệt hơn - tờ Financial Time bản điện tử ngày 17/3 bình luận.
Khi nhìn lại số liệu liên quan đến dịch COVID-19, Giáo sư Su Ih-jen chắc hẳn rất vui mừng. Chỉ có 67 ca mắc bệnh và 1 người thiệt mạng tính đến ngày 16/3, Đài Loan (Trung Quốc) đã tránh được một đợt bùng phát dịch quy mô lớn. Ngoài hình ảnh người dân đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng, nhịp sống tại Đài Loan có vẻ đã trở lại bình thường.
Đây là điều hoàn toàn đối lập với tình cảnh hồi năm 2003, khi ông Su - lúc đó là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Đài Loan, phải căng mình trong cuộc chiến chống dịch SARS vốn gây thiệt hại kinh tế lớn cho Đài Loan. Tâm lý người dân Đài Loan hiện nay hoàn toàn trái ngược với cảm giác sợ hãi, mất phương hướng đang hiện diện ở châu Âu và Mỹ - nơi rất nhiều người cảm thấy bị bất ngờ khi dịch bệnh gõ cửa. “Tình cảnh ở những nước này gần giống với thời điểm vài tuần đầu dịch SARS bùng phát tại Đài Loan hồi năm 2003. Mọi người không chuẩn bị và cũng không có kinh nghiệm gì”, Giáo sư Su chia sẻ.
Các biện pháp mà Đài Loan và nhiều chính quyền khác ở châu Á thực hiện trong ba tháng qua đã giúp làm chậm lại, ngăn chặn được tác động dịch bệnh. Hạn chế đi lại từ rất sớm, kiên quyết áp dụng biện pháp xét nghiệm, đo thân nhiệt cùng với các quy định cách ly nghiêm ngặt đóng vai trò quan trọng. Kế đến, hệ thống y tế toàn dân, cơ chế quản lý rõ ràng trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, kết hợp với truyền thông đại chúng một cách chủ động, cũng góp phần nâng cao hiệu quả chống dịch. Chính những chính sách này đã góp phần hạn chế lây lan bệnh dịch tại Đài Loan, Singapore, giảm tỉ lệ lây nhiễm ở Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản. Đó là tin tốt đối với các nước phương Tây, khi họ có được một mô hình để tham khảo trong bối cảnh phải chạy đua chống dịch.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố mà Mỹ và châu Âu khó có thể bắt chước châu Á trong cách xử lý dịch bệnh. Cách tiếp cận của châu Á trong dịch COVID-19 chủ yếu được định hình bởi những ký ức đau thương từ những dịch bệnh gần đây, nhất là dịch SARS năm 2003. Nó giúp chính quyền nhiều nước trong khu vực có sự chuẩn bị tốt hơn, đưa ra những phản ứng nhanh chóng, quyết liệt hơn mà vẫn nhận được sự hợp tác từ người dân. Nếu so sánh với Mỹ, quốc gia chưa từng trải qua những tình cảnh như vậy trong thời gian dài, cách thức phản ứng của châu Á rõ ràng có sự khác biệt.
Với Hàn Quốc, quốc gia châu Á hứng chịu dịch bệnh nặng nhất nếu không tính Trung Quốc, xét nghiệm tối đa trên diện rộng là trụ cột trong chiến lược chống dịch COVID-19. Tại trạm xét nghiệm đặt tại những địa điểm lái xe tạt qua (drive through), rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ màu trắng tiến đến sát cửa kính lấy mẫu xét nghiệm từ lái xe và hành khách. Kết quả sẽ được trả chỉ sau ít giờ. Biện pháp này giúp giảm thiểu tụ tập đông người vốn có thể là nguyên nhân gây lây nhiễm một khi người dân đổ đi xét nghiệm tại các bệnh viện.
Liên tục gửi thông báo, tin nhắn qua điện thoại, cập nhật cho người dân về những ca mắc mới ở từng khu dân cư, phát bản tin sức khỏe hai lần trên ngày về biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính quyền - đó là biện pháp truyền thông được Hàn Quốc áp dụng. Nhờ tập trung vào truyền thông mở, cùng hệ thống mạng chuyên theo dõi người mắc virus, chính quyền Hàn Quốc đã hạn chế lây lan dịch bệnh. Cách tiếp cận này phát huy hiệu quả. Cuối tháng 2, Hàn Quốc choáng váng khi dịch bệnh bùng phát mạnh, số ca mắc tăng từ 50 ca lên 5.000 ca chỉ sau 10 ngày. Nhưng bằng cách tiến hành hơn 270.000 ca xét nghiệm, cùng hàng nghìn tin nhắn, thông báo qua mạng, số ca nhiễm mới tính theo ngày đã giảm từ mức 900 ca xuống 76 ca trong ngày 15/3.
Tại Nhật Bản, việc dân chúng sẵn sàng hợp tác với các quy định nghiêm ngặt là điểm then chốt trong cuộc chiến chống COVID-19. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã phải hứng chịu chỉ trích từ dân chúng do không khoanh vùng được dịch bệnh trên du thuyền Diamond Princesss và có quá ít người được xét nghiệm dịch tễ. Nhưng chính các khế ước văn hóa, xã hội đề cao tính kỉ luật cá nhân, tuân thủ các chỉ dẫn của chính quyền là nhân tố giúp Nhật Bản hạn chế lây nhiễm thành công. “Có những quy ước xã hội liên quan đến việc không gây phiền toái cho người khác. Nếu như bạn không tự chăm sóc bản thân và ốm bệnh, thực chất chính bạn đã gây phiền toái cho người khác”, Kazuto Suzuki - chuyên gia về các vấn đề chính trị quốc tế tại Đại học Hokkaido chia sẻ. Dịch COVID-19 tạo ra thói quen rửa tay, sát khuẩn tại Nhật Bản, trong khi việc không đeo khẩu trang trên tàu điện sẽ ngay lập tức chịu sự phán xét của người bên cạnh.
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Hong Kong quyết định đóng cửa trường học, các cơ sở công cộng, yêu cầu người dân không tụ tập đông người ngay tại thời điểm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ dưới 20. Chính quyền cho chuyển đổi công năng của “siêu máy tính” vốn trước đây chuyên sử dụng trong việc điều tra các vụ tội phạm phức tạp sang làm nhiệm vụ theo dõi nguồn lây và điểm nóng tiềm tàng tại đặc khu này, một biện pháp đã từng thành công trong cuộc chiến trống dịch SARS. Quan chức y tế thường xuyên cập nhật bản đồ chỉ dẫn nơi những người nhiễm bệnh đang sống và những điểm họ đi lại, lưu trú trước đó. Người dân được yêu cầu tuân thủ nghiêm hướng dẫn rửa tay, đeo khẩu trang, khi mà ai cũng còn nhớ như in thảm cảnh dịch SARS từng khiến 300 người Hong Kong thiệt mạng.
Nhưng rút ra bài học từ dịch SARS và ứng dụng thành công ngăn chặn dịch COVID-19 hiệu quả nhất phải kể đến Đài Loan. Sau khi dịch SARS lắng xuống, Giáo sư Su dành thời gian theo học tại Mỹ để nắm quy trình xử lý của CDC Mỹ. Trở về Đài Loan đầu năm 2004, ông Su đã tạo ra một cuộc cải cách toàn diện hệ thống y tế công cộng. Chính quyền Đài Loan tăng cường năng lực phòng vệ bằng cách tuyển dụng thêm hàng chục bác sĩ cho CDC, lắp đặt hơn 1.000 buồng áp lực âm tại các bệnh viện và các phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm, đủ sức thực hiện xét nghiệm khối lượng lớn. Trước đây, chỉ CDC làm nhiệm vụ xét nghiệm, nhưng khi xảy ra dịch thì quá tải. Bằng việc quy định cứng mọi trung tâm y tế phải trang bị buồng áp lực âm trong các hợp đồng cứng, xây dựng, Đài Loan giờ có thể thực hiện 2.400 ca xét nghiệm/ngày và hoàn toàn có thể tăng công suất hơn nữa chỉ bằng việc điều thêm bác sĩ, nhân viên y tế.
Chính quyền Đài Loan cảnh giác từ rất sớm khi bệnh dịch tại Vũ Hán mới ở vào giai đoạn đầu. Cuối tháng 12/2019, quan chức y tế Đài Loan bắt đầu đo thân nhiệt với hành khách trên các chuyến bay đến từ Vũ Hán. Ngày 23/1, khi lệnh phong tỏa Vũ Hán được đưa ra, Đài Loan cho dừng tất cả các chuyến bay đến từ vùng tâm dịch, cấm công dân Vũ Hán nhập cảnh vào Đài Loan và áp đặt chế độ giám sát sức khỏe hàng ngày đối với người có triệu chứng hô hấp đến từ bất kỳ đâu tại Trung Quốc. Dữ liệu của cơ quan nhập cảnh và y tế được kết nối với nhau, cho phép chính quyền nhận diện số người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao biện pháp của chính quyền Đài Loan, cho rằng đây là ví dụ điển hình về việc một xã hội có khả năng thích ứng nhanh chóng khi đối diện với khủng hoảng và bảo vệ lợi ích cho người dân. Nhưng các chính quyền phương Tây có vẻ không mấy để ý đến điều này. “Có lẽ một số chuyên gia hy vọng chúng tôi có thể giúp họ làm xét nghiệm. Nhưng ở cấp độ quản lý sức khỏe cộng đồng, chưa một ai liên hệ với chúng tôi để xin tư vấn”, ông Chang Shan-chwen, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, cơ quan quản lý, điều hành CDC chia sẻ.