Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bất chấp cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản và tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, các nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng trong hai năm tới nhưng ở mức thấp hơn một chút so với năm 2010.
Trong báo cáo kinh tế hàng năm của mình, ADB cho biết mức tăng trưởng của châu Á sẽ giảm nhẹ xuống dưới 8% trong hai năm tới và khu vực này tiếp tục phục hồi vững chắc. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng 9% ở một số nước châu Á trong năm 2010 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhà kinh tế hàng đầu của ADB Changyong Rhee cho rằng khu vực châu Á hiện đang củng cố sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ với Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục làm "đầu tàu". Các nền kinh tế Đông Á như Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8,4% năm 2011 và 8,1% năm 2012.
ADB cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi đầu tư của chính phủ vào hạ tầng cơ sở và vào các tài sản cố định khác mặc dù mức tăng trưởng này sẽ giảm do các khoản chi cho kích thích kinh tế giảm và lãi suất tăng. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ các thị trường phương Tây vẫn trì trệ. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ tăng trưởng kinh tế 8,2% năm 2011 và 8,8% năm 2012.
Theo ADB, các nước khu vực Đông Nam Á như Xinhgapo, Malaixia, Thái Lan và Philíppin dự kiến sẽ tăng trưởng 5,5% năm 2011 và 5,7% năm 2012, trong khi Inđônêxia và Việt Nam tăng trưởng hơn 6% trong hai năm tới. Tuy nhiên, ông Rhee cho rằng hoạt động kinh tế trong khu vực có thể chậm lại nếu chính phủ các nước không giải quyết thỏa đáng tình trạng giá thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt.
ADB cảnh báo rằng lạm phát vẫn là một trong những thách thức lớn nhất tại châu Á với giá cả dự kiến sẽ tăng 5,3% trong năm nay do bất ổn tại Trung Đông và khủng hoảng điện hạt nhân ở Nhật Bản khiến giá dầu tăng. ADB nhận định: “Áp lực lạm phát gia tăng và các biện pháp phòng ngừa sẽ là cần thiết để tránh tình trạng nóng quá mức của các nền kinh tế”.
Việc giá dầu mỏ và thực phẩm tăng có thể ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của các nước đang phát triển thuộc châu Á, làm tăng chênh lệch thu nhập và dẫn đến những căng thẳng trong xã hội.
Đối với Việt Nam, sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng cao, vào cuối tháng 2/2011, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị quyết 11, đề ra những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này có nghĩa hiện nay, Việt Nam đặt chống lạm phát lên làm ưu tiên hàng đầu, còn tăng trưởng xuống hàng thứ hai.
Các chuyên gia của ADB cho rằng thách thức hiện nay đối với Việt Nam là tái lập ổn định kinh tế thông qua việc thực thi các biện pháp nêu trong Nghị quyết 11, như quản lý chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách thuế khóa, ngăn chặn đà thâm hụt cán cân thương mại, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ các hộ nghèo, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế. Thế nhưng, các biện pháp này đòi hỏi một thời gian mới mang lại kết quả, có thể là trong khoảng thời gian từ một đến hai năm. Nếu buông lỏng hoặc sớm thay đổi chính sách thì lạm phát cao sẽ tiếp diễn.
TTK (Theo THX)