Các tổ chức tài chính và giới chuyên gia đều lạc quan dự báo rằng khu vực từng “èo uột” này sẽ tăng trưởng vững trong thời gian tới, bấp chấp những thách thức về chính trị lẫn kinh tế.
Một loạt số liệu tích cực...Trong quý I/2017, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,5%. Số liệu lạc quan này củng cố thêm kết quả của một cuộc khảo sát trước đó cho rằng kinh tế Eurozone đang phát triển với nhịp độ nhanh nhất kể từ khi ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ 6 năm trước, bất chấp những bất ổn chính trị ở châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc gặp ở Berlin, Đức ngày 15/5. Hai bên hy vọng sự phối hợp giữa hai nước sẽ giúp khu vực Eurozone có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng. Ảnh: THX/TTXVN |
Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết trong quý IV/2016, thâm hụt ngân sách của Eurozone đã giảm xuống tương đương 1,4% GDP, so với mức 1,6% GDP trong quý trước đó và ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý I/2008, nhờ chương trình cắt giảm chi tiêu của các chính phủ.
Theo báo cáo do công ty dịch vụ tài chính IHS Markit (có trụ sở tại London) công bố, hoạt động chế tạo của Eurozone trong tháng 4/2017 đã chạm mức cao nhất trong vòng sáu năm qua. Theo IHS, tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2017 của Eurozone dường như không bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về tình hình chính trị, với niềm tin doanh nghiệp trong bốn tháng đầu năm nay ở mức cao nhất kể từ năm 2012.
IHS nhận định rằng các công ty và doanh nghiệp đang hưởng lợi từ đồng euro thấp kỷ lục, tình hình tăng trưởng được cải thiện ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt, nhu cầu từ thị trường nội địa tăng cao, cùng với các chính sách kích thích kinh tế hiện hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong tháng 4/2017, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp ở mức 56,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011 và tăng so với mức 56,4 điểm trong tháng 3/2017, nhờ nhu cầu gia tăng và “tâm lý lạc quan lan rộng” về triển vọng kinh tế của khu vực này.
Theo IHS, số việc làm được tạo mới tăng lên mức cao nhất trong gần một thập niên qua, khi các doanh nghiệp tăng công suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu gia tăng và đi cùng với đó là sự lạc quan lan rộng về triển vọng kinh tế Eurozone. Lĩnh vực dịch vụ - vốn đóng một vai trò then chốt trong hoạt động kinh tế của khu vực này - trong tháng Tư cũng tăng lên 56,2 điểm, từ mức 56 điểm của tháng Ba vừa qua. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng tăng mạnh nhờ đồng euro yếu. IHS đánh giá nền kinh tế khu vực gồm 19 quốc gia thành viên này đã và đang chứng tỏ sức bật khá tốt trên mọi phương diện.
Chuyên gia kinh tế James McCann tại Standard Life Investments nhận định Eurozone đã phục hồi đều đặn trong thời gian qua nhờ chính sách kích thích tiền tệ và lĩnh vực tài chính lành mạnh hơn. Ủy ban châu Âu (EC) cho hay GDP thực tế của Eurozone đã tăng trong 15 quý liên tiếp - dấu hiệu cho thấy sự cải thiện khá đều.
Eurozone tiếp tục tăng vữngSau kết quả cuộc bầu cử tại Pháp, Chủ tịch ECB Mario Draghi đánh giá rằng các quan ngại về chính trị chắc chắn sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2017. Phát biểu với báo giới ở Singapore ngày 9/5, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF, Changyong Rhee nhấn mạnh việc chính trị gia Macron đắc cử Tổng thống Pháp sau khi vượt qua ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen với số phiếu ủng hộ áp đảo (66,1%) đã khiến ông lạc quan hơn về tương lai hứa hẹn những căng thẳng thương mại lớn sẽ dần lắng dịu.
Theo ông Rhee, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua thực sự là tin tốt lành đối với châu Âu và việc mở cửa thương mại và toàn cầu hóa, đồng thời giảm bớt sự bất ổn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Về vấn đề Brexit, các nhà phân tích lo ngại việc các cuộc đàm phán về Brexit giữa Chính phủ nước Anh và EU chính thức được khởi động vào tháng 3/2017 sẽ tác động tới Eurozone khi làm gia tăng tâm lý lo ngại rủi ro trên thị trường tài chính, gây áp lực đối với các nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến việc thị trường có thể đòi hỏi lãi suất cao hơn đối với các doanh nghiệp và các chính phủ, sức ép đối với niềm tin của người tiêu dùng và thị trường.
Bên cạnh đó, ECB lưu ý rằng thương mại toàn cầu đang bị bao phủ bởi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng từ những tuyên bố của chính quyền Mỹ. Sau cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016 với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Washington đã quay lưng với các cam kết mở cửa và tự do thương mại trước đó, đồng thời kêu gọi việc xem xét lại một số thỏa thuận thương mại và thiết lập hàng rào thuế quan với lập luận để lập lại "công bằng" trong thương mại.
Các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố mang tính bảo hộ của ông Trump một khi được áp dụng có thể gây nguy hại cho thương mại thế giới trong đó có Eurozone vốn đang trong tình trạng nhiều biến động. Thêm vào đó, Eurozone cũng sẽ đứng trước nguy cơ đe dọa từ việc tăng lãi suất trong năm 2017. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành tăng lãi suất, tiếp đó Pháp, Đức và Italy cũng nâng lãi suất, khiến chu kỳ giảm lãi suất diễn ra từ hơn một thập niên qua đã kết thúc.
Tuy nhiên, ông Draghi vẫn bày tỏ tin tưởng nền kinh tế khu vực sẽ tiếp tục đà phục hồi do được "tiếp sức" bằng các chính sách tiền tệ hợp lý của châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) từng khởi đầu năm 2016 với sự hoài nghi nhưng đã kết thúc năm qua với tình hình kinh tế vững nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra.
ECB dự báo kinh tế của Eurozone sẽ lần lượt tăng trưởng 1,8% và 1,7% trong năm 2017 và 2018, so với mức dự báo trước đó là tăng 1,7% và 1,6%. Trong dự báo kinh tế mùa Đông, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng kinh tế 19 nước khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm 2017 và tiếp tục tăng 1,8% vào năm 2018. So với dự báo trước đó, cả hai con số dự báo trên đều được điều chỉnh tăng thêm 0,1%.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế Eurozone trong thể trạng tốt, song kinh tế khu vực này được cho là tăng trưởng ổn định hơn là tiến triển ngoạn mục, khi nhịp độ tăng trưởng vẫn chỉ khoảng 1,6%/năm và hầu hết các chuyên gia kinh tế dự báo con số này cũng sẽ ở mức tương đương trong năm nay.