Chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới cùng nhất trí tăng cường lòng tin thông qua cam kết nâng sản lượng toàn cầu lên 2.000 tỷ USD trong vòng 5 năm, Nhật Bản tuyên bố quốc gia này đã ở trong tình trạng suy thoái. Điều này đã đưa Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - vào bản danh sách dài và không ngừng mở rộng của các nền kinh tế đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế cũng đang có những trì trệ nhất định, trong khi các nước châu Âu khó có thể tăng trưởng một cách thuận lợi. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Mỹ và Anh là đang tăng trưởng ở mức khá tốt, song giới chuyên gia cho rằng việc này sẽ tiếp diễn trong bao lâu lại phụ thuộc vào mức độ các rắc rối mà nhiều đối tác thương mại của hai nền kinh tế này đang phải đối mặt. Tờ "Guardian" số ra ngày 17/11, đã trích đăng lời Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới "đang ở mức báo động đỏ".
Kinh tế Nhật rơi vào suy thoái là một thông tin gây bất ngờ. Thủ tướng Shinzo Abe từng cam kết sẽ chấm dứt tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài suốt 2 thập kỷ bằng chiến lược "Abenomics" - bao gồm kế hoạch cải cách và thúc đẩy kinh tế quy mô lớn. Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm 1,6% trong quý III năm nay.
Tăng trưởng của Trung Quốc - gã khổng lồ trong ngành sản xuất toàn cầu - đang chững lại ở mức 7,5% trong năm 2014, trong khi con số này ở năm 2010 là 10,4%. Sự bùng nổ về tăng trưởng tại Trung Quốc là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ trước, bởi vậy, sự chững lại này cũng có những ảnh hưởng nhất định. Câu hỏi đặt ra đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là làm thế nào hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống mức bền vững hơn mà không gây ra khủng hoảng.
Những mối quan hệ thương mại chặt chẽ với bên ngoài khiến sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ gây những tác hại không nhỏ đối với Mỹ và châu Âu. Ngành sản xuất quy mô lớn đã biến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn các nguyên liệu thô, bởi vậy, việc tăng trưởng chững lại cũng sẽ tác động tiêu cực tới những quốc gia sản xuất hàng hóa như Australia và Brazil.
Mức tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc cũng được phản ánh tại nhiều thị trường đang nổi khác như Ấn Độ và Brazil. Nhiều quốc gia trong số này đã được hưởng lợi trong nhiều năm qua từ dòng đầu tư ổn định từ các nền kinh tế phát triển. Mức lãi suất tại châu Âu và Mỹ giảm xuống kỷ lục đã khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm lợi nhuận từ các nền kinh tế đang nổi, nơi có mức lãi suất cao hơn nhiều. Tuy nhiên, thực tế này đang thay đổi. Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc tăng lãi suất, nhằm lôi kéo các nhà đầu tư ở lại thị trường Mỹ hoặc rút tiền khỏi các nền kinh tế đang nổi. Dòng vốn đầu tư quay trở lại Mỹ có thể gây xáo trộn cho các thị trường. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là nguyên nhân từng khiến mức tăng trưởng của các thị trường đang nổi tụt dốc nhanh chóng trong khi nhiều đồng tiền bị rớt giá hồi tháng hai vừa qua.
Nền kinh tế của 18 quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) hiện vẫn đang phải vật lộn để tăng trưởng kể từ khi thoát khỏi suy thoái hồi năm ngoái. Nền kinh tế khu vực trong quý III năm nay đã tăng 0,2% so với giai đoạn 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, mối đe dọa lạm phát gia tăng lại đang góp phần làm trầm trọng thêm những thách thức mà các nền kinh tế khu vực phải đối mặt. Trong khi đó, nợ công tại các nền kinh tế lớn như Pháp, Italy và Anh lại đang ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế này sẽ phải thắt chặt chi tiêu trong nhiều năm tới, và tăng trưởng chắc chắn cũng sẽ chững lại.
Nền kinh tế Eurozone trị giá 13 tỷ USD, hiện đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, đồng nghĩa với việc những rắc rối mà khu vực này gặp phải sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu.
TTK