Báo "Bưu điện Tài chính" (Canađa) ngày 11/1 đăng bài viết của nhà kinh tế Kip Beckman thuộc Hội đồng hội nghị Canađa, một tổ chức nghiên cứu độc lập, cho rằng kinh tế thế giới vẫn vận hành tốt, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc không đạt mức tăng trưởng hai con số như hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, thế giới đang rất cần kinh tế Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng khoảng 10% để bù lại sự tăng trưởng đình đốn tại các nền kinh tế phát triển. Nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống 5-6% có thể làm giảm mạnh nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn hỗ trợ rất nhiều cho các nước xuất khẩu hàng hoá.
Cảnh ô tô đông đúc vào giờ cao điểm buổi sáng tại một tuyến đường cao tốc ở Bắc Kinh. |
Không ai nghi ngờ việc nhu cầu yếu hơn của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến các nước xuất khẩu hàng hóa, từ Canađa đến Pêru và Côlômbia, vốn đang được lợi lớn nhờ giá hàng hóa tăng cao.
Tuy nhiên, các nước nhập khẩu hàng hóa và các công ty chế tạo sẽ được lợi nhờ giá nguyên, nhiên liệu sụt giảm, cùng với nhu cầu thấp hơn của Trung Quốc. Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất và có khả năng nhu cầu ròng của kinh tế thế giới sẽ tăng nhẹ sau sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc, tùy thuộc vào mức độ kích thích của nền kinh tế Mỹ sau khi giá hàng hóa sụt giảm.
Lịch sử đã chứng minh điều này. Chuyên gia về Trung Quốc Michael Pettis chỉ ra rằng đến năm 1990, Nhật Bản chiếm gần 20% GDP toàn cầu (so với mức 13% GDP toàn cầu của Trung Quốc hiện nay), sau khi nền kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ 8-10% trong những năm 1970 và 1980. Vào năm 1990, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng Nhật Bản sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 2 thập kỷ.
Nhiều người cũng cho rằng sự sụp đổ trong tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ là thảm họa cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên điều ít ai ngờ tới là bong bóng bất động sản đã nổ tung và giảm phát đã khiến kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng trung bình dưới 1% trong suốt những năm 1990 và 2000. Đến năm 2010, kinh tế Nhật Bản vẫn chưa bằng 1/3 quy mô của kinh tế Mỹ.
Điều thú vị là kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng vững chắc trong suốt những năm 1990, bất chấp sự giảm phát của kinh tế Nhật Bản. Tại sao điều đó xảy ra? Các nhà phân tích đôi khi nhầm lẫn giữa phần tăng trưởng của một quốc gia với sự đóng góp của họ cho tăng trưởng chung của toàn cầu.
Trước năm 1990, Nhật Bản chiếm phần lớn trong tăng trưởng toàn cầu, nhưng không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế của các nước khác. Hồi đó, Nhật Bản đã đạt mức xuất siêu khổng lồ, nghĩa là đã đáp ứng nhu cầu của toàn cầu nhiều hơn mức họ tiêu thụ.
Đến đầu năm 1990, xuất siêu của Nhật Bản đã giảm khoảng 50% khi mức tăng nhập khẩu vượt tốc độ tăng xuất khẩu. Trên thực tế, kinh tế Nhật Bản đã khuyến khích kinh tế toàn cầu phát triển, bất chấp mức tăng GDP sụt giảm chưa từng thấy sau năm 1990.
Mức tăng nhập khẩu và giảm xuất siêu có nghĩa là kinh tế Nhật Bản tạo ra nhu cầu nhiều hơn cho kinh tế thế giới. Diễn biến này có thể giải thích tại sao kinh tế thế giới không bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kéo dài của nền kinh tế Nhật Bản và vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Tất nhiên, việc thế giới đối phó được với sự sụt giảm mạnh của kinh tế Nhật Bản trong những năm 1990, khi Nhật Bản được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, không nhất thiết áp dụng được cho tình hình thế giới hiện nay.
Tuy nhiên dựa trên những điểm giống nhau giữa kinh tế Nhật Bản vài thập kỷ trước đây và kinh tế Trung Quốc ngày nay, ít nhất người ta cũng có thể tin rằng thế giới có thể chống đỡ được sự sụt giảm kinh tế của Trung Quốc.
Một điều không tránh khỏi là đến một lúc nào đó, kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại so với mức tăng mạnh trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên dựa vào kinh nghiệm của Nhật Bản, đây không hẳn sẽ là diễn biến xấu đối với kinh tế toàn cầu, trong khi nó có thể giúp Trung Quốc thực thi việc tái cân bằng nền kinh tế của họ.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)