Mỹ dẫn đầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với đà tăng trưởng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Do đó, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ do Cục Dự trữ liên bang (FED) quyết định không thể duy trì mãi ở mức xấp xỉ 0% kể từ năm 2008. Trong năm nay, mức lãi suất này có thể sẽ tăng và khi ấy, điều gì sẽ xảy ra cho các nền kinh tế khác?
Những tác động Từ sau suy thoái kinh tế 2008-2009, Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0% và bơm hàng ngàn tỷ USD để kích thích kinh tế. Giờ đây, kinh tế Mỹ đã phục hồi, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,5% trong tháng 2/2015 cùng đà tăng trưởng hơn 2% trong năm 2014, thuộc loại khả quan nhất trong khối công nghiệp hóa.
Vào tháng 5/2012, Chủ tịch FED thời đó là Ben Bernanke đã thông báo Mỹ sẽ giảm dần hướng đến chấm dứt biện pháp bơm tiền vào nền kinh tế và sẽ điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Người ta chờ đợi động thái nâng lãi suất của Mỹ và nếu điều đó xảy ra, các nước trên thế giới đều cảm thấy lo ngại.
Hiện FED có hai loại lãi suất. Lãi suất cho vay dài hạn thì được thả nổi cho thị trường quyết định theo các tiêu chuẩn cung cầu, lãi suất trái phiếu và mức an toàn tức là khả năng đổi giấy nợ thành tiền mặt. Lãi suất ngắn hạn thì do FED quyết định. Đây là lãi suất nền hay cơ bản, là cơ sở để các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính tính cho khách hàng của mình.
Trụ sở FED ở Washington. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vậy khi nào Mỹ có thể tăng lãi suất và hậu quả đối với các nền kinh tế khác là gì? Thị trường rất khó đoán trước và đoán đúng chiều hướng quyết định về lãi suất của FED. Giới chuyên môn nhận định trong năm nay, sớm là vào tháng 6 và chậm là vào tháng 9, Mỹ sẽ tăng nhẹ lãi suất, với xác suất cao hơn cho kịch bản tháng 9.
Còn về hậu quả đối với thế giới, cần nhìn vào hai vấn đề. Thứ nhất là lãi suất tăng sẽ làm đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ mạnh khác và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến ngoại thương của các nước. Lý do là đồng bạc xanh lên giá sẽ làm hàng hóa của Mỹ đắt hơn và khó cạnh tranh hơn, đồng thời khiến hàng nhập khẩu vào Mỹ trở thành rẻ và dễ bán hơn cho các nước xuất khẩu vào Mỹ. Vấn đề thứ hai còn quan trọng hơn, đó là khi lãi suất tại Mỹ tăng thì các khoản vay mượn bằng đồng USD sẽ thành đắt hơn và gây khó khăn cho các nước đã vay quá nhiều tiền USD khi đồng USD còn rẻ và lãi suất tại Mỹ thấp.
"Thủy triều" rút về Mỹ
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), thường được coi là Ngân hàng Trung ương của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, cho biết từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Mỹ hạ lãi suất thì tổng số nợ của các doanh nghiệp và chính quyền ngoài Mỹ đã tăng gấp rưỡi, lên tới 9.000 tỷ USD. Người ta sở dĩ đi vay nhiều như vậy là vì USD quá rẻ và lãi suất tại Mỹ quá hạ nên tìm USD để đầu tư vào các thị trường có lãi suất cao hơn nhằm kiếm lời nhờ sự chênh lệch về lãi suất.
Thực tế thì Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất cho các nhà xuất nhập khẩu và thị trường tài chính lớn nhất cho giới đầu tư. Vì vậy, lãi suất và tỷ giá hối đoái tại Mỹ tăng sẽ ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn cầu.
Theo báo cáo của BIS, nước nào càng có chênh lệch lãi suất với lãi suất của Mỹ thì càng có xu hướng đi vay bằng đồng USD thay vì bằng đồng nội tệ để kiếm lời. Ngoài ra, bất ổn chính trị tại một số nước khiến những ai có tiền đều tìm cách chuyển ra nước ngoài, người ta gọi hiện tượng đó là “tẩu tán tài sản”. Kết quả là Mỹ chưa có hành động gì thì giới đầu tư ở các nơi đó đã bán các khoản nợ bằng nội tệ để mua USD và càng gây thêm biến động cho thị trường khi họ muốn đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu của Mỹ.
Tóm lại, nếu Mỹ tăng lãi suất thì xu hướng gọi là "thủy triều" rút về Mỹ sẽ có gia tốc mạnh hơn và gây nguy cơ suy thoái kinh tế cho các nước đã đi vay quá nhiều bằng đồng USD.
KTTK