Trước vấn nạn hàng nhái và chiến dịch chống hàng nhái của Trung Quốc, nhật báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 2/10 có bài phân tích mang tựa đề “Hành trình dài của Trung Quốc từ hàng nhái đến sự cách tân”.
Theo Le Monde, nạn sao chép và sản xuất hàng nhái lan tràn trên mọi lĩnh vực: Từ chiếc điện thoại cầm tay đời mới nhất cho đến các loại thực phẩm, các thương hiệu lớn trên thế giới, như rượu whisky, và được sao chép một cách sống sượng.
Sản phẩm máy tính bản V4 HD của công ty Visture, Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Le Monde lấy ví dụ điển hình là công ty Visture, chuyên thiết kế các loại máy tính bảng kỹ thuật số. Các chiếc máy tính bảng của họ gần như hoàn toàn dựa theo mẫu mã thiết kế của Apple. Vì vậy, trên thị trường, các nhà quản lý cố gắng tô bóng dòng sản phẩm của họ bằng thương hiệu riêng và đồng thời cũng ráng làm nổi rõ những đặc thù kỹ thuật của sản phẩm.
Sở dĩ các kiểu doanh nghiệp sản xuất hàng nhái như thế không những trụ vững được mà còn “sinh sôi nảy nở” là do họ không nhắm đến cùng loại đối tượng khách hàng với các thương hiệu lớn. Chẳng hạn như công ty Visture, khách hàng của họ là những người có thu nhập khiêm tốn, không nghèo cũng không giàu, như nhân viên văn phòng hay sinh viên, những người chỉ đi vào các cửa hàng của Apple hay Samsung để ngắm nghía.
Chi phí nghiên cứu và phát triển ít tốn kém cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp hàng nhái. Không những thế, trên bình diện pháp lý, họ cũng không sợ phải gặp nhiều phiền toái khi nghĩ rằng các tập đoàn lớn chẳng muốn tốn công tốn sức để chống lại các doanh nghiệp “cò con” này.
Le Monde cho biết, chi phí sản xuất cho một chiếc máy tính bảng có hình dáng giống với Apple cũng không quá cao. Họ cũng không xây dựng nhà máy, bởi vì toàn bộ khâu lắp ráp sẽ do một nhà thầu khác đảm nhận và linh kiện có thể tìm thấy ở các nhà cung cấp trung gian ngay trong khu vực.
Gọi là hàng nhái, nhưng các sản phẩm này cũng phải được cách tân theo đúng tầm mức của nó. Trên thực tế, dòng sản phẩm hàng nhái không nhất thiết phải là một sản phẩm đặc biệt, bởi các doanh nghiệp đó không có khả năng tài chính để thực hiện. Nhưng sản phẩm của họ cũng phải có sự mới lạ. Ít nhất là sản phẩm đó cũng phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của các khách hàng bình dân của nó.
Mặt khác, thị trường hàng nhái là một môi trường cạnh tranh khốc liệt mà ở đó các doanh nghiệp cũng phải tính đến từng xu từng cắc. Doanh nghiệp phải được đặt gần với công chúng, để nắm bắt thị hiếu và đáp ứng thị trường một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng nhái còn phải giảm thiểu đủ các khoản chi tiêu, từ chất lượng vật liệu, quảng bá, cho tới chứng nhận hay các khoản thuế khóa.
Các cơ sở đó còn biết hội nhập vào dây chuyền công nghiệp tồn tại trước đó với một sự linh hoạt đáng kinh ngạc. Và họ thực hiện kiểu chiến tranh du kích khó lường. Đối với các tập đoàn đa quốc gia là những đội quân vốn được trang bị kỹ, cuộc chiến chống hàng nhái là một cuộc chiến hoàn toàn không cân xứng, và các doanh nghiệp chính thống Trung Quốc cũng bị vạ lây từ hàng nhái.
Trong các mục tiêu do chính phủ Trung Quốc đề ra cho kế hoạch 5 năm sắp đến, nghiên cứu và nâng cấp giá trị công nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, với ước tính cứ khoảng 10.000 công dân thì sẽ có 3,3 bằng sáng chế.
Ví dụ điển hình là tập đoàn điện tử Lenovo hay tập đoàn viễn thông Huawei. Hai tập đoàn này có tham vọng cạnh tranh bằng chính thương hiệu riêng của mình với tập đoàn Samsung Hàn Quốc. Do đó, chính quyền cần phải bảo vệ hai lĩnh vực tiên phong đó. Tuy nhiên, theo quan sát của Le Monde, một phần lớn các sản phẩm hàng nhái tại Trung Quốc đều liên quan đến các thương hiệu nội địa, chẳng hạn như bia Tsingtao nổi tiếng.
Khách hàng giàu có ngày càng tăng cùng những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng đã làm cho lượng hàng nhái tụt giảm đáng kể. Cùng lúc này, các thương hiệu chính thống cũng có xu hướng mở rộng sang đối tượng khách hàng mới trỗi dậy, bởi họ nhận ra rằng dù ít tiền, song loại khách hàng này cũng có chút gì đó để tiêu xài.
Điều này đã khiến một số doanh nghiệp chuyên sao chép bắt đầu nghĩ đến chuyện phải đi theo con đường hợp pháp. Le Monde ghi nhận rằng nhiều thương hiệu hàng nhái tại Trung Quốc đã chuyển đổi thành công từ cơ sở chuyên sao chép thành cơ sở hợp pháp có tiếng tăm trong nhiều lĩnh vực như điện thoại cầm tay, máy tính bảng, sản xuất xe ô tô.
Le Monde cho biết, nếu nói về chất lượng, thì giờ đây ngày càng có nhiều người Trung Quốc nói sẵn sàng mua các sản phẩm nội địa. Nếu đúng như vậy thì có lẽ “ngày tàn của hàng nhái cũng đang đến gần” theo như nhận xét của Le Monde.
TKT