Trước đó một tuần, sau quá trình đàm phán rất phức tạp, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận lịch sử “Khuôn khổ Windsor” nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho khu vực Bắc Ireland giai đoạn hậu Brexit. Đây được coi là động lực không thể mạnh hơn giúp khôi phục lòng tin và thắt chặt lại quan hệ giữa Anh với EU nói chung cũng như với Pháp nói riêng.
Quả thực, có thể ví kết quả hội nghị thượng đỉnh này đã tạo luồng sinh khí mới cho quan hệ vốn nguội lạnh giữa hai nước. Hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, tập trung vào củng cố quan hệ đồng minh để giải quyết những thách thức chung như ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, tăng cường hợp tác quốc phòng và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tại hội nghị, Thủ tướng Sunak cam kết Anh sẽ chi trả cho Pháp 480 triệu bảng (577 triệu USD) trong vòng 3 năm để ngăn chặn người di cư vượt Eo biển Manche, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuần tra tăng cường, sử dụng máy bay không người lái và vận hành các trung tâm tạm giữ người di cư trái phép. Theo thỏa thuận, Anh sẽ hỗ trợ tài chính vận hành một trung tâm tạm giữ người di cư ở Pháp, trong khi đó Paris sẽ triển khai thêm nhân viên và nâng cấp công nghệ tuần tra các bờ biển.
Thủ tướng Sunak khẳng định thỏa thuận mới đã nâng hoạt động phối hợp song phương lên cấp độ cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, Tổng thống Macron nhấn mạnh đã đến lúc hai nước nên có khởi đầu mới trong hợp tác chống nhập cư bất hợp pháp và cần có một thỏa thuận giữa Anh với toàn EU về vấn đề này.
Hai nước cũng đạt được sự đồng thuận cao, thực chất và tích cực trong cả vấn đề hợp tác quốc phòng. Cụ thể, hai bên nhất trí tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng của Anh và Pháp trong và ngoài châu Âu, mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua duy trì thường xuyên nhóm tác chiến tàu sân bay châu Âu gồm tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp và các tàu sân bay Queen Elizabeth và Prince of Wales của Anh ở khu vực. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết của cả hai bên mở rộng hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng và phát triển vũ khí tấn công chính xác thế hệ tiếp theo, loại vũ khí tấn công tầm xa và hệ thống phòng không.
Thực tế, hợp tác quốc phòng vẫn là điểm sáng trong quan hệ Anh - Pháp. Hai nước đều là những quốc gia châu Âu có vai trò và đóng góp chủ chốt cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cường quốc hạt nhân trên thế giới. Do đó, hợp tác quốc phòng song phương có ảnh hưởng rất lớn tới nhiệm vụ đảm bảo an ninh của châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.
Về cuộc chiến tại Ukraine, Thủ tướng Sunak và Tổng thống Macron đã nhất trí phối hợp hơn nữa nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine và đào tạo Thủy quân lục chiến Ukraine (Anh đã huấn luyện 11.000 binh sĩ kể từ mùa hè năm ngoái và gần đây đã mở rộng việc đào tạo các phi công Ukraine).
Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng rẻ hơn, sạch hơn, an toàn hơn cho mỗi nước. Hai bên cam kết về một “quan hệ đối tác năng lượng mới đầy tham vọng”, trong đó có thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự. Ông Sunak cũng kêu gọi đảm bảo nguồn cung cấp an toàn, bền vững và đáng tin cậy cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp cho mỗi nước.
Theo giới quan sát, sự đồng thuận trong các lĩnh vực hợp tác song phương chủ chốt này của hai nhà lãnh đạo Pháp và Anh có thể coi là thắng lợi mang tính biểu tượng cao của Thủ tướng Sunak trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng nhiều năm qua do hậu quả của Brexit, từ vấn đề tranh chấp quyền đánh cá, ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Anh đến tranh cãi về quy định thương mại với Bắc Ireland hậu Brexit.
Tuy nhiên, những người có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư vẫn có lý do để chưa hài lòng với kết quả trên. Họ đã kỳ vọng, hay nói cách khác là đòi hỏi ông Sunak phải đạt được một thỏa thuận Pháp tiếp nhận lại người di cư để có thể đẩy nhanh kế hoạch chống nhập cư bất hợp pháp mới. Thực tế, thiếu một hiệp định tiếp nhận lại người di cư khiến cho việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp của Anh trở nên khó khăn hơn nhiều. EU có quy định yêu cầu những người nhập cư phải trở về quốc gia an toàn đầu tiên trong khối mà họ đặt chân đến để xin tị nạn tại đó. Brexit có nghĩa là Anh không còn nằm trong các quy định đó và khiến cho việc trục xuất người di cư trở về nơi xuất phát khó khăn hơn.
Dù vậy, chuyến thăm vẫn được coi là một thành tựu đối ngoại mới của Thủ tướng Sunak, không chỉ làm ấm lại quan hệ đồng minh truyền thống với Pháp mà còn thể hiện sự chủ động, quyết đoán của chính khách này trong việc thúc đẩy các mục tiêu chính sách của mình. Hội nghị thượng đỉnh với Pháp cũng như cuộc gặp thượng đỉnh của hiệp ước an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) đầu tuần tới tại San Diego, California (Mỹ), sẽ củng cố hình ảnh cường quốc có trách nhiệm của Anh trên trường quốc tế sau giai đoạn tương đối hỗn loạn trước đây.
Trong khi đó, Điện Élysée hiện cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Vua Charles III tới Pháp, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 này. Đây sẽ là cơ hội và một xung lực nữa để hai nước tập trung vào việc khắc phục hậu quả của Brexit, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác song phương mới đạt được và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên.
Mối quan hệ gần gũi giữa cá nhân Thủ tướng Sunak và Tổng thống Macron được cho sẽ là động lực cho quan hệ đồng minh xích lại hơn giữa London và Paris sau tất cả những sóng gió, căng thẳng thời gian qua. Đây sẽ là cơ sở cho một tương lai hợp tác thực chất và hiệu quả nhằm giải quyết những thách thức chung ở châu Âu sau bước khởi đầu mới trong giai đoạn hậu Brexit này giữa Anh và Pháp.