Khi kế hoạch mới kết hợp với nhau và chính quyền xem xét các bước đi trong tương lai, dưới đây là các chính sách có thể giúp Mỹ đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu khí hậu, giúp nền kinh tế số 1 thế giới hoàn thành các cam kết khí hậu của mình; ngăn chặn những ảnh hưởng của thuế carbon mà các nước châu Âu dự định áp đặt... Nếu những chính sách đó vận hành hiệu quả, người lao động và các công ty Mỹ sẽ “có chỗ đứng” trong nền kinh tế phát thải ít carbon của thế kỷ 21.
Chính sách Công nghiệp
Khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ thải carbon thấp và phục hồi như lưu trữ năng lượng đã bị xói mòn trong hai thập kỷ qua. Một phần nguyên nhân là sự bế tắc chính trị ở Washington xoay quanh các chính sách năng lượng sạch và khí hậu. Trong 20 năm qua, các khoản tín dụng thuế, bảo lãnh cho vay và các quy định đã triển khai rồi kết thúc, tùy thuộc vào ý thích chính trị của người nắm quyền trong Quốc hội và Nhà Trắng. Nhiều công ty Mỹ đã phá sản vì phải chờ đợi quá lâu.
Trong khi đó, các công ty châu Âu, với sự hỗ trợ từ các ngân hàng đầu tư-phát triển ở châu lục này, và các công ty Trung Quốc, đã vươn lên dẫn trước, tranh thủ các thị trường trong nước để phát triển các công nghệ mới và xây dựng ngành công nghiệp. Tua-bin gió là một ví dụ điển hình. Các công ty châu Âu, dẫn đầu là Vestas của Đan Mạch, kiểm soát 43% thị trường tuabin gió trên toàn cầu vào năm 2018 và Trung Quốc kiểm soát 30%. Ngược lại, Mỹ chỉ chiếm vỏn vẹn 10%.
Mỹ, với tư cách nền kinh tế số 1 thế giới suốt bao năm qua, cần phải đưa ra lựa chọn đâu là lợi thế cạnh tranh của mình và từ đó chính phủ liên bang có thể đề ra một lộ trình rõ ràng hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp phù hợp, để cạnh tranh trên các thị trường toàn cầu. Đó có thể là phát triển lĩnh vực xe điện, lưu trữ điện, công nghệ thích ứng như xây dựng đê bao biển hay quản lý cháy rừng?
Như một phần của chính sách, Chính phủ Mỹ cũng cần thẳng thắng đối mặt với thực tế là một bộ phận người lao động, các tiểu bang, thành phố và thị trấn có ngành công nghiệp trước tới nay gắn liền với nhiên liệu hóa thạch sẽ dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch hơn. Theo Viện Khoa học và Hàn lâm Quốc gia Mỹ, Chính phủ Mỹ nên thành lập một cơ quan chuyên phụ trách quá trình chuyển đổi này để có giải pháp hỗ trợ những lao động bị mất việc làm và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Các cộng đồng này sẽ cần phải đa dạng hóa hoạt động kinh tế của họ. Các khoản tài trợ quy hoạch vùng, các khoản vay và đầu tư khác có thể giúp họ “xoay trục” nền kinh tế sang những ngành nghề ít gây biến đổi khí hậu hơn. Việc thành lập một ngân hàng cơ sở hạ tầng hoặc “ngân hàng xanh” để tài trợ cho các dự án phát thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ có ý nghĩa đặc biệt. Điều quan trọng không kém là đầu tư vào lực lượng lao động vốn cần thiết cho một nền kinh tế phát thải ít carbon. Chính phủ Mỹ có thể tài trợ cho việc phát triển các chương trình tại các trường cao đẳng và đại học để phục vụ nền kinh tế kiểu này và cung cấp học bổng cho sinh viên.
Các công cụ tài chính
Các công cụ tài khóa cũng có thể góp phần tạo nguồn thu cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh.
Rõ ràng, loại bỏ trợ cấp đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một bước đi quan trọng. Một phân tích ước tính rằng Mỹ chi khoảng 20 tỷ USD/năm để trợ cấp trực tiếp cho các ngành công nghiệp dùng nhiên liệu hóa thạch. Trợ cấp gián tiếp có lẽ còn cao hơn rất nhiều. Cải cách thuế có thể hữu ích, chẳng hạn như thay một số loại thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp bằng thuế carbon. Công cụ chính sách này sẽ đánh thuế carbon đối với nhiên liệu hóa thạch, tạo động lực cho các công ty và người tiêu dùng giảm sử dụng nhiên liệu ít gây ảnh hưởng lớn tới khí hậu.
Tín dụng thuế, bảo lãnh cho vay, quy tắc mua sắm của chính phủ và đầu tư vào đổi mới đều là những công cụ hữu ích và có thể giúp định hình thị trường cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, các công cụ chính sách tài khóa này không nên áp dụng vĩnh viễn và chúng nên được giảm xuống khi chi phí công nghệ giảm.
Đầu tư vào các thị trường và đổi mới
Chính phủ Mỹ có khả năng “vừa đẩy vừa kéo" các công nghệ khí hậu vào thị trường. Đầu tư chính phủ vào nghiên cứu và nguồn nhân lực là những chính sách kiểu "thúc đẩy", bởi vì hỗ trợ nghiên cứu giúp đảm bảo những người có trình độ cao sẽ tiếp tục chuyển sang lĩnh vực này.
Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng có thể "kéo" (thu hút) công nghệ bằng cách tạo ra các thị trường sôi động, qua đó tạo thêm động lực đổi mới. Thuế carbon và các cơ chế trao đổi khí thải có thể tạo ra những thị trường có thể dự đoán được vì chúng cung cấp tín hiệu thị trường dài hạn cho phép các công ty hiểu rõ những gì họ chờ đợi trong tương lai.
Thuận lợi tại Quốc hội
Với việc đảng Dân chủ đang kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ít nhất là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, kế hoạch khí hậu của Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gặp thuận lợi nếu Nhà Trắng quyết tâm theo đuổi. Ngày 9/11 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại” để đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Pelosi là thành viên phái đoàn của Mỹ gồm 20 người, trong đó có chủ tịch của các uỷ ban chủ chốt trong Hạ viện Mỹ, tham dự các cuộc họp song phương và các cuộc thảo luận với các đối tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26). Trong phát biểu của mình, bà Pelosi nêu rõ: “Chúng tôi đến đây khi được trang bị đầy đủ, sẵn sàng đón nhận thách thức và bắt kịp thời điểm". Nỗ lực đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu là vì tương lai của một lớp thế hệ trẻ khỏe mạnh và an toàn hơn.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez, “kiến trúc sư” chính của “Thỏa thuận Xanh mới”, nhấn mạnh Mỹ đang trở lại diễn đàn quốc tế với tư cách là nước đi đầu về hành động vì khí hậu và giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bà Ocasio-Cortez cũng thừa nhận những thiệt hại do việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây ra, khẳng định nước Mỹ sẽ thực sự hành động để khôi phục sự tôn trọng trên trường quốc tế.