Lãnh đạo Triều Tiên dùng đại hội đảng để củng cố quyền lực

Trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên vẫn tiếp tục èo uột, "răn đe hạt nhân" được đánh giá là con át chủ bài để nhà lãnh đạo Kim Jong-un mở ra thời đại mang dấu ấn cá nhân của mình.

Quân dân Triều Tiên tại lễ kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở Bình Nhưỡng ngày 25/4. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 27/4 đăng bài phân tích về đại hội sắp tới của Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia về tình hình Triều Tiên cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sử dụng sự kiện này để tái khẳng định quyền lực to lớn của mình trong bối cảnh đất nước bị cô lập này đang phải vật lộn với những lệnh trừng phạt mạnh mẽ của Liên hợp quốc (LHQ). Sau đây là tóm lược nội dung bài viết:

Ngày 27/4, Triều Tiên thông báo rằng Đảng Lao động Triều Tiên sẽ tổ chức đại hội vào ngày 6/5 tới. Đây sẽ là đại hội đầu tiên của đảng này sau kỳ gần đây nhất được tổ chức vào tháng 10/1980 và cũng là lần đầu tiên được tổ chức dưới thời ông Kim Jong-un, người lên nắm quyền lãnh đạo ở Triều Tiên sau sự ra đi bất ngờ của ông Kim Jong-il.

Đại hội lần này sẽ được tổ chức trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối quan ngại về những bước tiến trong các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích cho rằng đại hội sắp tới sẽ là dịp để nêu bật vai trò lãnh đạo cá nhân của ông Kim Jong-un, bố trí lại các quan chức hàng đầu của Triều Tiên và công bố quan điểm của nhà lãnh đạo này trong các lĩnh vực quốc phòng và kinh tế.

Ông Ken Gause, một nhà phân tích cao cấp về tình hình Triều Tiên thuộc hãng phân tích CAN có trụ sở tại Mỹ, cho rằng đại hội lần này không chỉ tái khẳng định việc ông Kim Jong-un nắm giữ quyền lực mà còn là dịp để công bố “sự lên ngôi của thời đại Kim Jong-un”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát buổi phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm SLBM. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo nhiều chuyên gia khác, đại hội lần này sẽ dẫn đến việc bố trí lại các quan chức hàng đầu của Triều Tiên, trong đó có thể có cả vị trí nguyên thủ trên danh nghĩa của ông Kim Yong-nam. Giáo sư Yang Moo-jin thuộc trường Đại học Triều Tiên nói: “Đại hội này sẽ tạo cơ sở để ông Kim Jong-un chứng minh tính hợp pháp về vai trò nhà lãnh đạo duy nhất của mình”.

Đại hội trên sẽ được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đe dọa tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân và phóng thêm một quả tên lửa tầm xa nữa, bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của LHQ. Từ tháng trước, Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể bay và tên lửa đạn đạo, đồng thời tuyên bố sẵn sàng thực hiện các đòn tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc và Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng tại đại hội lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ bảo vệ chính sách mang dấu ấn riêng của mình là phát triển vũ khí hạt nhân song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường được biết đến với tên gọi “chính sách byeongjin”. Trong thông điệp đầu năm công bố ngày 1/1/2016, ông Kim Jong-un không hề nói gì về chính sách này nhưng chỉ 5 ngày sau, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Giáo sư Triều Tiên học Kim Yong-hyun thuộc trường Đại học Dongguk nhận định rằng có khả năng Triều Tiên sẽ điều chỉnh và hoàn thiện chính sách kể trên. Hiện đã xuất hiện những đồn đoán rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm trước khi diễn ra đại hội đảng cho dù Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nếu Triều Tiên có thêm các hành động khiêu khích.

Nhà phân tích Gause nói: “Tôi cho rằng rất có thể có thêm những cuộc phô diễn vũ khí”. Theo ông này, nhà lãnh đạo Triều Tiên cần đưa ra những bằng chứng cho thấy mình là nhà lãnh đạo an ninh quốc gia, và do đã thất bại trong việc chứng minh sự tăng trưởng của nền kinh tế nên ông Kim Jong-un không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chứng tỏ với đất nước rằng ông có thể giữ cho Triều Tiên được an toàn bằng cách đảm bảo sức mạnh răn đe của mình.

Đề cập đến kinh tế, các chuyên gia cho rằng Đảng Lao động Triều Tiên có thể sẽ công bố nhiều chính sách kinh tế mới tại đại hội sắp tới nhằm khuếch trương kế hoạch của ông Kim Jong-un về việc thúc đẩy nền kinh tế èo uột của Triều Tiên. Kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo vào cuối năm 2011, nền kinh tế của Triều Tiên đã ghi nhận sự tăng trưởng cho dù là nhỏ. Trong năm 2014, kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 1% so với năm trước đó, trong khi con số này của năm 2013 được ghi nhận ở mức 1,1%. Như vậy, tính đến năm 2014, nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng bốn năm liên tiếp sau khi sụt giảm trong các năm 2009 và 2010.

Chuyên gia về kinh tế Triều Tiên Kim Young-hee thuộc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc nói: “Do Triều Tiên đã tuyên bố thu được thành công trên các mặt trận tư tưởng, chính trị và quân sự vì một dân tộc hùng cường nên giờ đây họ sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích chia sẻ những quan điểm khác nhau về việc liệu Triều Tiên sẽ có những động thái “ve vãn” Hàn Quốc hay không sau kỳ đại hội lần này. Nhà nghiên cứu cao cấp Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong cho rằng có rất ít khả năng Triều Tiên sẽ có hành động hòa giải với Hàn Quốc.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đề nghị đàm phán song phương với Mỹ về một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Gần đây, Triều Tiên cũng đã nêu ý tưởng này nhưng cả Seoul lẫn Washington đều bác bỏ và gọi đây là một mánh khóe nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khỏi những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

TTXVN/Tin Tức
Nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài sập tiệm hàng loạt
Nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài sập tiệm hàng loạt

Hơn 20 nhà hàng của Triều Tiên ở nước ngoài như Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã bị phá sản hoặc phải ngừng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN