Trong bối cảnh cùng chịu áp lực từ phương Tây, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng trở nên gắn kết.
Khi các ngoại trưởng NATO tập trung tại Bucharest (Romania) từ ngày 29-30/11 để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine do cuộc xung đột với Nga, các chính trị gia hàng đầu và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nga, Trung Quốc đã gặp nhau tại một hội nghị năng lượng chung để cam kết hợp tác sâu sắc hơn và kỷ niệm mối quan hệ kinh doanh đang mở rộng nhanh chóng giữa hai bên, dẫn đầu là thương mại năng lượng.
Nga tăng xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc
"Trung Quốc đang trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Nga. Năm nay, kim ngạch thương mại trong lĩnh vực năng lượng đã tăng 64% so với năm ngoái tính đến thời điểm hiện tại", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh năng lượng Nga - Trung lần thứ tư được tổ chức hồi tuần trước.
Các lệnh trừng phạt đang khiến Nga bị tách khỏi thị trường EU, vốn là nhà cung cấp hàng hóa chính của nước này trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, với máy móc chiếm khoảng một nửa số hàng nhập khẩu trong hai thập kỷ qua. Giờ đây, do những biện pháp hạn chế khiến hàng nhập khẩu của châu Âu giảm sâu, Nga đang hướng đến thị trường Trung Quốc.
Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt 140 tỷ USD vào năm 2021, nhưng chứng kiến sự giảm mạnh trong những tháng đầu tiên sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên kể từ đó, kim ngạch hai chiều đã phục hồi trở lại và được dự báo sẽ kết thúc năm 2022 ở mức khoảng 190 tỷ USD, trong khi tính đến cuối tháng 10/2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 154 tỷ USD.
"Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước thể hiện sự ổn định và tăng trưởng. Trung Quốc đứng đầu danh sách các đối tác thương mại của Nga năm 2021. Trong 10 tháng năm nay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt 153,9 tỷ USD. Nếu tỷ lệ này được duy trì, kim ngạch thương mại có thể đạt mức kỷ lục 180-190 tỷ USD vào cuối năm nay", ông Novak thông báo.
Dầu vẫn là mặt hàng chủ lực trong danh sách xuất, nhập khẩu khi Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ lớn nhất các nguồn năng lượng của Nga trong năm nay. Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft Igor Sechin cho biết xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã tăng 9,5% so với cùng kỳ vào tháng 10 lên gần 72 triệu tấn, đưa Moskva trở thành nhà cung cấp nhiên liệu lớn thứ hai cho Bắc Kinh, chỉ sau Saudi Arabia với 73,8 triệu tấn.
Xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc đang tăng mạnh (60% cho đến thời điểm này trong năm so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng vẫn là một phần nhỏ trong lượng khí đốt mà Nga xuất sang EU. "Các nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga cho Trung Quốc sẽ vượt qua 100 tỷ mét khối mỗi năm trong tương lai gần", Giám đốc điều hành Rosneft cho biết.
Là một phần của quá trình "tách khỏi" EU, Nga hy vọng chuyển hướng xuất khẩu khí đốt về phía Đông, nhưng hiện chỉ có một đường ống dẫn khí đốt đến châu Á, đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO).
Trung Quốc cũng ngày càng phụ thuộc vào than đá của Nga, vốn vẫn là nhiên liệu chính được sử dụng trong các nhà máy điện của Bắc Kinh. Nguồn cung cấp than của Nga cho Trung Quốc đạt 53 triệu tấn từ tháng 1 - 10/2022. Nga là nhà cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc, chiếm 1/4 (23%) nguồn cung của nước này, chỉ đứng thứ hai sau Indonesia.
Bên cạnh đó, Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu điện xuyên biên giới sang Trung Quốc, vốn đã tăng 1/3 (33%) lên gần 4 tỷ kWh, lập kỷ lục mới, trong 10 tháng đầu năm nay. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường ngũ cốc cho hàng nhập khẩu của Nga trong những tuần đầu tiên sau khi xung đột nổ ra, điều mà Điện Kremlin đã vận động hành lang trong nhiều năm.
Ngoài ra, Trung Quốc đang nhanh chóng "lấp khoảng trống" ở Nga do các công ty phương Tây đang rời đi. Đại sứ Nga tại Bắc Kinh Igor Morgulov nói với TASS vào ngày 17/11 rằng Trung Quốc đang củng cố thị phần của mình trên thị trường bán lẻ Nga và khai thác những thị trường ngách mới. Ông Morgulov nêu rõ: “Việc nhiều tập đoàn phương Tây rời khỏi Nga đã tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc tăng thị phần sản phẩm và khai thác những thị trường ngách mới tại Nga".
Cơ sở hạ tầng xuất khẩu mới và phép thử tiếp theo
Về dài hạn, Nga và Trung Quốc đang tìm cách mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng kết nối hai nước. Hiện Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Á chủ yếu qua ESPO, nhưng nó chỉ có thể vận chuyển tối đa khoảng 1/10 trong số 155 tỷ mét khối khí đốt mà Nga từng xuất khẩu sang châu Âu trước khi xung đột nổ ra.
Do đó, các bên liên quan đã có kế hoạch tăng gấp đôi công suất của ESPO và xây dựng đường ống Soyuz-Vostok thứ hai qua Mông Cổ. Còn dự án lớn nhất là Power of Siberia 2, một phần mở rộng của đường ống hiện tại cùng tên, sẽ kết nối các mỏ khí khổng lồ ở Yamal với Trung Quốc, cũng sắp được triển khai.
Các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây cho đến nay đã được chứng minh là không hoàn toàn hiệu quả, nhưng lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sang Nga cũng có tác dụng và khiến các công ty năng lượng phải lùng sục trên khắp thế giới để tìm nhà cung cấp thay thế. Trong khi đó, ông Novak nói rằng Nga và Trung Quốc có kế hoạch cùng sản xuất thiết bị cho ngành năng lượng như một phần trong quá trình hợp tác ngày càng tăng.
"Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất thiết bị chính trong lĩnh vực dầu khí. Hiện đã có sự hợp tác chặt chẽ trong cung cấp thiết bị dầu khí cho các dự án ở Nga. Chúng tôi có kế hoạch hợp tác phát triển và sản xuất thiết bị có thể được sử dụng ở cả Trung Quốc và Nga", ông Novak thông báo.
Tuy nhiên, phép thử tiếp theo đối với quan hệ Trung - Nga liên quan đến nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt cơ chế áp giá trần dầu Nga. Kế hoạch này sẽ được thực thi bằng cách từ chối cấp hợp đồng bảo hiểm cho những con tàu "phớt lờ" áp dụng mức giá trần của phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ công nhận bảo hiểm của Nga, bỏ qua các lệnh trừng phạt, nhưng Trung Quốc, do lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, đã thận trọng hơn. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nga Alexander Poshivay nói với các phóng viên tại hội nghị năng lượng trên rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý công nhận giấy chứng nhận bảo hiểm của các công ty Nga về vận tải biển, trong khi Trung Quốc (và Ấn Độ) cũng chấp nhận "nhưng không hoàn toàn".
Theo ông Poshivay, Trung Quốc chưa công nhận về bảo hiểm bảo trợ và bồi thường, thường được gọi là bảo hiểm P&I, và giấy chứng nhận do các công ty bảo hiểm Nga cấp cho các chủ tàu.