Tuần qua, các cuộc thương lượng về việc cung cấp khí đốt cho mùa Đông này giữa Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã thất bại, sau khi có tin Nga đã ngừng tất cả các cuộc thương lượng bởi vì EU không sẵn sàng bảo đảm về mặt tài chính cho việc cung cấp khí đốt cho Ukraine. Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu Gunther Oettinger. |
Theo tờ "Chính trị thế giới", mối đe dọa về việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga vào mùa Đông này đang dần trở thành hiện thực, và điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều nước châu Âu, và ắt sẽ làm cho những căng thẳng xã hội gia tăng. Cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng nay ở Ukraine một phần do EU gây ra một cách có cân nhắc nhằm mục đích gây sức ép với Nga và làm suy giảm ảnh hưởng của Nga ở châu Âu.
Vào giữa tháng 6, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine bởi vì nước này không trả số tiền nợ cho công ty dầu khí Gazprom của Nga. Từ đó, hàng loạt cuộc thương lượng đã diễn ra trong đó Brussels và Kiev đã ra tối hậu thư cho Moskva yêu cầu giảm giá khí đốt.
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 10 tại Milan, Italy, cách đây chưa lâu, EU và Ukraine đã thông báo đầy lạc quan rằng họ sắp đạt được một thỏa thuận tích cực do Nga đã đề nghị giảm giá 100 USD, xuống còn 5 USD/1000 mét khối khí đốt. Đổi lại, Ukraine sẽ phải giải quyết các khoản nợ hơn 3,2 tỷ USD cho công ty khí đốt Gazprom và trả từng phần cho việc cung cấp khí đốt vào mùa Đông này. Thế nhưng, Ukraine chỉ có thể làm điều này với sự giúp đỡ về tài chính của EU, điều mà Brussels cho tới nay vẫn từ chối.
Việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nước ở Đông Âu. |
Năm ngoái, việc cung cấp khí đốt của Nga bảo đảm 3/4 nhu cầu của Ukraine, nhưng hiện tại, lượng khí đốt dự trữ của Ukraine chỉ còn một nửa, nên nước này không thể tự xoay xở trong suốt mùa Đông này nếu thiếu vắng bàn tay của người Nga. Trên thực tế, từ khi lạnh nhạt trong quan hệ với Nga, Ukraine đã gặp vô vàn những khó khăn trong việc bảo đảm cung cấp năng lượng cho các gia đình, chẳng hạn, trong suốt mùa Hè vừa qua, toàn bộ thủ đô Kiev đã không có nước nóng và đôi khi bị mất điện.
Việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga, nhất là vào mùa Đông, cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nước ở Đông Âu, nhất là các nước như Phần Lan, Lítva, Estonia, Slovakia và Bulgaria, luôn phụ thuộc hơn 90% vào lượng khí đốt nhập khẩu của Nga.
Cuộc xung đột khí đốt với Nga còn nằm trong cuộc chiến tranh kinh tế của EU chống Moskva vì EU hiểu rằng lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu năng lượng sang EU vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Nga: xuất khẩu dầu lửa và khí đốt chiếm khoảng một nửa ngân sách Nhà nước Nga, trong khi EU lại là khách hàng chính của cả hai mặt hàng này.
EU chiếm khoảng 40% thu nhập của công ty Gazprom và công ty này cung cấp 25% ngân sách của Nhà nước Nga. Mục đích của EU là giảm bớt vị trí của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng chính cho họ để cho giá cả và những điều kiện bán hàng phải nằm dưới sự chỉ đạo, điều khiển của EU, chứ không phải của bên bán như bấy lâu nay nữa.
TTK