Các tay súng thuộc lực lượng Bình minh Libya giao tranh với binh sĩ Chính phủ tại Sabratha ngày 25/5. Ảnh: THX-TTXVN |
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 14/12 đã đưa ra cảnh
báo rằng, IS vốn đã bám rễ tại vùng duyên hải nước này, nay bắt đầu tiến
vào bên trong lãnh thổ Libya.
Trong bài bình luận mang tựa đề:
"Libya, thành trì tương lai của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự
xưng?", tờ "Le Figaro" (Pháp) cho rằng Paris có lý khi bắt đầu lo ngại
thật sự về tình hình tại Libya.
Vấn đề ở chỗ trên vùng lãnh thổ có diện tích rộng gấp ba lần nước Pháp, hiện không có một lực lượng, tổ chức nào tại địa phương có thể chặn được đà tiến của IS về phía các mỏ dầu, hầu hết nằm ở vùng vịnh Syrte.
Từ khi nhà lãnh đạo Gadhafi bị tiêu diệt vào năm 2011, Libya rơi vào tình trạng chia cắt với hai chính quyền và hai quốc hội. Quốc hội cũ được bầu vào tháng 7/2012 ở Tripoli còn Quốc hội mới bầu vào tháng 6/2014 thì ở Tobruk.
Liên hợp quốc, các cường quốc cùng với nước Algeria láng giềng đã nỗ lực thương lượng nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở đây. Ngày 13/12 vừa qua, một hội nghị quốc tế về Libya đã diễn ra tại Rome (Italy) với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Các nhà đàm phán đang nỗ lực để có thể đạt được một thỏa thuận vào ngày 16/12. Đặc phái viên của hai Quốc hội ở Libya có thể sẽ "nghe theo" bởi họ đại diện cho những phe phái tương đối ôn hòa và cả hai đều cùng chống IS mãnh liệt.
Từ khi Pháp có sáng kiến không kích các đoàn xe chở dầu thì két tiền của IS đã vơi bớt. Trên bộ, IS còn phải đối đầu với các địch thủ đầy quyết tâm người Kurd, người Yazidi, các tay súng dòng Shi’ite người Liban trong tổ chức Hezbollah, quân đội Syria, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và đôi khi cả lực lượng đặc biệt của Mỹ.
Đối với phiến quân thánh chiến quốc tế, Libya nay là “đất thánh” quyến rũ hơn cả Iraq hay Syria. Vùng duyên hải rộng mênh mông phía Địa Trung Hải và vùng biên giới trên sa mạc Sahara rất dễ xâm nhập cũng như đào thoát. Thành phố cổ Subratha có 100.000 dân nằm giữa khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Tripoli đã bị IS chiếm hồi tháng 12/2014, cũng là nơi huấn luyện những kẻ khủng bố đã tấn công Tunisia, bảo tàng Bardo và thành phố biển Sousse.
Các chính quyền ở Tripoli và Tobruk liệu có thể hòa hoãn với nhau để phá hủy "khối ung thư" IS hiện đang bắt đầu lan rộng trên lãnh thổ Libya? "Le Figaro" cho rằng nếu Libya yêu cầu hỗ trợ quân sự thì phương Tây cũng sẽ không nhiệt tình. Ngày 31/3, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chọn cái tên “Người bảo vệ hợp nhất” cho chiến dịch quân sự chống chính quyền của ông Gadhafi, nhưng sự bảo vệ người dân Libya cũng không kéo dài.