Một số ý kiến lạc quan cho rằng các nước sẽ gắn kết chặt chẽ và sâu rộng hơn để khôi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, cách các tổ chức đa phương ứng phó với COVID-19 thời kỳ đầu không khỏi làm dấy lên nghi ngại đại dịch sẽ là tác nhân khiến chủ nghĩa đa phương phải đối mặt thêm nhiều sóng gió.
Khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc từ đầu năm nay, dịch COVID-19 tới ngày 6/5 đã lan rộng trên toàn cầu, tới ít nhất 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên 3,7 triệu người mắc COVID-19, trên 258.300 ca tử vong, không chỉ các nước nghèo và đang phát triển phải chịu thiệt hại lớn mà các nền kinh tế hàng đầu cũng chật vật “tìm cách sống sót”. Mặc dù mức độ ảnh hưởng tại mỗi nước là khác nhau, song cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng vô tiền khoáng hậu này có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn cầu nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Trước nguy cơ này, các chuyên gia lo ngại mỗi quốc gia riêng lẻ sẽ không có đủ nguồn lực để vực dậy nền kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội do COVID-19 gây ra. Với khả năng đưa các quốc gia xích lại gần nhau dựa trên các cơ chế hợp tác, chủ nghĩa đa phương được kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực đủ lớn, giúp thế giới cùng nhau vượt qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Chủ nghĩa đa phương là một trong những khái niệm góp phần định hình các mối quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Là hình thức hợp tác sâu rộng giữa nhiều quốc gia dân tộc, dựa trên các giá trị cốt lõi của sự bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi, cam kết vì mục đích chung, chủ nghĩa đa phương được đánh giá là mô hình quan hệ quốc tế đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên, góp phần làm nên một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chủ nghĩa đa phương đối mặt với nhiều thách thức do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân túy, suy giảm cam kết chính trị, chủ nghĩa thực dụng… Đại dịch toàn cầu COVID-19 lại một lần nữa cho thấy tinh thần đa phương phần nào đã bị xói mòn.
Trước sự tàn phá của COVID-19, thế giới trông chờ các tổ chức đa phương nhanh chóng đưa ra những giải pháp mang tính quốc tế, nhằm giúp các quốc gia thành viên có chiến lược thống nhất, cùng nhau hạn chế sự lây lan của virus và giảm thiểu hậu quả của dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nước đã đơn phương thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người dân, trong khi không ít liên minh và tổ chức quốc tế tỏ ra lúng túng, chậm trễ, thậm chí có dấu hiệu rạn nứt.
Có thể thấy rõ nhất điều này khi nhìn vào Liên minh châu Âu (EU), nơi các nước thành viên đã đơn phương đóng cửa biên giới, đình chỉ hoạt động đi lại và vận tải khi dịch bùng phát ở Italy mà không có sự phối hợp. Nói cách khác là không có một phản ứng chung. EU còn bị chỉ trích đã “bỏ rơi” Italy vào thời khắc sinh tử khi nước này phải oằn mình chống chọi với đại dịch. Italy đã trải qua một tháng 3 kinh hoàng khi số người nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng chóng mặt, trong khi các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị y tế trầm trọng. Bất chấp lời kêu gọi của Italy, không một thành viên EU nào gửi viện trợ, thậm chí một số nước còn ngăn chặn việc xuất khẩu thiết bị y tế và thuốc men. Từng là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và thịnh vượng chung, COVID-19 một lần nữa phơi bày sự chia rẽ của EU, vốn đã chịu nhiều sức ép từ sự kiện Brexit.
Chủ nghĩa đa phương không chỉ rạn nứt ở châu Âu mà đã xuất hiện ở nhiều cơ chế hợp tác khác ngay trong lúc thế giới cần đoàn kết nhất. Tại hội nghị trực tuyến hồi tháng 3 vừa qua, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã không thể ra tuyên bố chung về đối phó COVID-19 do bất đồng giữa các thành viên. Một phần của bất đồng xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/3 đơn phương công bố quyết định ngừng mọi hoạt động đi lại từ châu Âu (trừ Anh) tới Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, quyết định bị EU phản đối vì không được tham vấn và không có sự phối hợp. Điều này không chỉ gây chia rẽ khi các nước lần lượt đưa ra tuyên bố riêng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện cam kết mà G7 đưa ra tvề triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ lao động, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Một thể chế đa phương khác, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), mặc dù ra tuyên bố chung với các cam kết hợp tác, song nội dung sau đó bị đánh giá là chung chung và mơ hồ. G20 cam kết “làm mọi việc có thể” để giảm thiểu đối đa hậu quả do đại dịch gây ra, song không nói rõ chiến lược cụ thể. G20 cũng không thể nhất trí về đề nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng gấp đôi viện trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó COVID-19.
Giữa cuộc khủng hoảng, dư luận dồn sự chú ý về Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhưng tổ chức này lại bị chỉ trích là chậm chạp và kém hiệu quả trong vai trò điều phối nỗ lực chung ứng phó với đại dịch. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố tạm dừng tài trợ cho WHO cũng như không tham gia sáng kiến chống COVID-19 toàn cầu của WHO vì cho rằng tổ chức này “đã thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình”. Giống như việc rút khỏi các thỏa thuận quốc tế trước đây, hành động lần này của Mỹ là thách thức lớn đối với chủ nghĩa đa phương toàn cầu.
Ngoài ra, việc các nước đơn phương đóng cửa và hạn chế xuất khẩu để bảo vệ mình trước dịch bệnh cũng làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng rào cản kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ. Điều này đặt ra bài toán hóc búa cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc duy trì một hệ thống thương mại đa phương hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế hơn 120 ngày chống dịch của thế giới cũng khiến cộng đồng quốc tế, hơn bao giờ hết, nhận ra tầm quan trọng của hợp tác đa phương, không chỉ trên lĩnh vực chăm sóc y tế, duy trì hoạt động thương mại mà còn nhằm giải quyết tình trạng tin giả tràn lan gây hoang mang, chia rẽ. Các chuyên gia cảnh báo sẽ không có quốc gia nào được an toàn cho tới khi cả thế giới kiểm soát được dịch bệnh. Nhân loại có thể sẽ không đạt được mục tiêu chung là “xóa sổ” COVID-19 nếu không thực sự đoàn kết và sẵn sàng hợp tác.
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya khẳng định rằng “Chủ nghĩa đa phương là vũ khí lợi hại nhất để chống lại COVID-19 và là cách tốt nhất để bảo vệ tất cả chúng ta khỏi các mối đe dọa toàn cầu”. Đây là cơ hội để các tổ chức đa phương phát huy vai trò trung tâm trong việc tạo ra cơ chế chung để phát hiện và phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn; huy động và phân phối nguồn lực giúp các nước cải cách hệ thống y tế; hay xây dựng các mô hình hợp tác giữa các nước nhằm xúc tiến nghiên cứu khoa học, chia sẻ thông tin dữ liệu và xử lý khủng hoảng. Mỗi quốc gia có thế mạnh và kinh nghiệm khác nhau trong phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, chỉ bằng cách hợp tác, thế giới mới có chung ý chí chính trị, đủ nguồn tài chính, thông tin, công nghệ và kinh nghiệm để đối phó với COVID-19 và những thách thức toàn cầu khác.
Tinh thần đoàn kết toàn cầu chống lại kẻ thù chung COVID-19 là những gì được nhắc tới trong hàng loạt lời kêu gọi của các tổ chức và các nhà lãnh đạo. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống COVID-19. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi một phản ứng toàn cầu với sự phối hợp đầy đủ của cộng đồng quốc tế hằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đại dịch, đồng thời giảm bớt tác động y tế trước mắt cũng như hậu quả kinh tế lâu dài.
Từ sự chậm trễ ban đầu, các tổ chức, các khu vực và quốc gia đang tích cực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau đối phó với đại dịch cũng như giảm nhẹ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đơn cử như tại khu vực Đông Á, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) để điều phối, thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực đối phó với COVID-19. Tuyên bố chung của cả hai hội nghị trên đều khẳng định quyết tâm và cam kết của các nước trong việc tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực...
Hậu quả mà COVID-19 để lại có thể còn lớn hơn nhiều những gì đã được cảnh báo và đây chắc chắn không phải là thách thức lớn cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Cuộc chiến với COVID-19 sẽ bớt khó khăn hơn nếu các quốc gia bắt tay nhau xây dựng các cơ chế hợp tác hiệu quả vì mục tiêu chung, huy động được nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội sau đại dịch. Hợp tác đa phương không chỉ là chìa khóa giúp các nước vươn lên mạnh mẽ hơn sau COVID-19 mà còn tạo ra sức mạnh tổng lực đưa thế giới vượt qua khủng hoảng trong tương lai.
Thực tế đối phó với đại dịch COVID-19 cũng đặt ra yêu cầu các cơ chế đa phương phải nhanh chóng “lột xác” để phù hợp với những điều kiện mới và hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy hợp tác quốc tế đi vào thực chất hơn. Không loại trừ khả năng các tổ chức đa phương phải xây dựng thêm các cơ chế chặt chẽ và cụ thể nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng lớn tương tự như COVID-19. Và điều quan trọng nhất là phải khôi phục lòng tin giữa các nước, vì đó chính là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa đa phương. Đại dịch lần này là phép thử đối với chủ nghĩa đa phương, song cũng là cơ hội để khẳng định và khơi dậy tinh thần đa phương trong hợp tác toàn cầu.