Mạng “Thời báo Hoàn cầu” (Trung Quốc) ngày 9/2 đăng bài viết của tác giả Vương Nam, nghiên cứu viên cấp cao về quan hệ quốc tế của Trung Quốc, trong đó phân tích về những diễn biến căng thẳng leo thang gần đây tại Xyri và khẳng định một kịch bản tương tự như đã diễn ra tại Libi đang lặp lại ở quốc gia Tây Á này.
Theo Vương Nam, tình hình Xyri đang khiến mọi người trên thế giới nghĩ đến “Mùa xuân Arập” diễn ra năm ngoái cùng những tác động của nó khiến cục diện Libi thay đổi, gây ra chiến tranh ở Libi và “mô hình Libi”. Khói lửa của cuộc chiến tại Libi cho đến nay đã dần dần lắng xuống, nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi cũng không còn nữa, nhưng “mô hình Libi” vẫn giống như một bóng đen bay lượn trên bầu trời Trung Đông.
Nhà nghiên cứu Vương Nam cho rằng cái gọi là “mô hình Libi” trên thực tế chính là ý đồ chiến lược của phương Tây với mục đích trấn áp, lật đổ những chính quyền mà họ căm ghét, trong đó bao gồm cả việc giết hại các lãnh đạo cao nhất của các chính quyền. Phương thức thực hiện chủ yếu của phương Tây bao gồm: Thứ nhất, gia tăng sức ép bên ngoài thông qua việc tạo dư luận, kêu gọi cộng đồng quốc tế cấm vận, trừng phạt và dựng lên các phe nhóm đối lập… Thứ hai, can thiệp nội bộ bằng cách tiếp tay (huấn luyện, chỉ đạo, thậm chí cung cấp tài chính, trang thiết bị, vũ khí và thông tin tình báo) cho các phe nhóm đối lập để lực lượng này mở rộng phạm vi cũng như các hoạt động thị uy, bạo loạn và bạo lực nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm. Thứ ba, tấn công vũ trang có giới hạn bằng các hành động thiết lập “vùng cấm bay” hoặc mượn danh nghĩa “vùng cấm bay” để tiến hành không kích, kết hợp với đưa lực lượng đặc nhiệm đến trực tiếp tham gia cuộc chiến.
Nhà nghiên cứu Vương Nam khẳng định, rất nhiều dấu hiệu diễn ra gần đây cho thấy “mô hình Libi” đang dịch chuyển và dần tái hiện tại Xyri. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cũng như bản thân ông Assad đang là những đối tượng mà phương Tây muốn tiêu diệt. Thêm vào đó, thế lực chống đối cùng phe đối lập trong nội bộ Xyri sẽ đóng vai trò thế lực tiếp tay giúp phương Tây thực hiện mục đích lật đổ chính quyền đương nhiệm. Ở đây chỉ có một điểm khác là phương Tây khi gây áp lực bên ngoài đối với Xyri đã mượn tay của các quốc gia Arập và Hồi giáo.
Đáng chú ý, tiếng nói phản đối Xyri của Liên đoàn Arập và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù không bằng phương Tây nhưng cũng tương đối mạnh mẽ và cứng rắn. Đây có thể là một sự trù tính hoặc sắp đặt trước cho bước đi tiếp theo của phương Tây. Trong trường hợp tình hình bạo loạn tại Xyri phát triển đến mức cần có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài thì người “xuất đầu lộ diện”, tiên phong đánh trận đầu sẽ là quân đội của các nước Hồi giáo chứ không phải là đại quân của các quốc gia phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri cũng có những tranh chấp và bất đồng trong vấn đề biên giới lãnh thổ và người Kurd. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tỏ ra tích cực trong gây sức ép với Xyri lần này mà những động thái gần đây còn cho thấy dấu hiệu Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực thực hiện chiến lược “quay trở lại Trung Đông”.
Tác giả Vương Nam kết luận, Pháp với tư cách một nước lớn ở phương Tây cũng đã đàm phán, thiết lập "hành lang nhân đạo" dưới sự bảo vệ của các "nhân viên quan sát vũ trang". Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chứng tỏ sẽ không bỏ qua bất cứ kế hoạch nào… Điều này cho thấy nguy cơ tình hình Xyri sẽ tiếp tục căng thẳng và có khả năng sẽ trở thành “Libi thứ hai”.
Xuân Vịnh (P/v TTXVN tại Trung Quốc)