Lo diệt khủng bố, phương Tây bỏ rơi người tị nạn

Trong khi Mỹ và các đồng minh mải mê với các cuộc không kích khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, họ không hề có kế hoạch xử lý tình trạng người tị nạn ồ ạt tháo chạy khỏi vùng nguy hiểm.


Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, IS đã đẩy 600.000 người ở trong và xung quanh thành phố Mosul lớn thứ hai Iraq ra khỏi nhà. Người dân sống trong các làng như Kocho và Qiniyeh ở Iraq đã bị thảm sát hoặc buộc phải chạy lên núi Sinjar trơ trọi trong điều kiện khốn khó, không thức ăn nước uống, để rồi chết vì đói khát trước khi chết vì tay khủng bố. Nhiều người đã buộc phải liều mình vào Syria, dấn thân vào con đường nguy hiểm với bom rơi đạn lạc để tránh phải bỏ mạng trên núi Sinjar.

 

Thân phận người tị nạn Syria đáng để thế giới phải quan tâm.


Trong khi đó, người dân Syria ở các thành phố bị IS chiếm đóng hoặc đe dọa chiếm đóng đã chạy sang các nước láng giềng như Liban và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Liban có 1,4 triệu người Syria tị nạn. Trước cuộc xung đột ở Syria, Liban chỉ có 5 triệu người, tức là số người tị nạn nói trên tương đương hơn 1/4 dân số nước này và con số này vẫn chưa dừng lại. Liban mỗi tuần vẫn đang đón thêm 9.000 người tị nạn nữa từ Syria. Mặc dù hàng ngàn người Liban tốt bụng đến mức khó tin và sẵn sàng cưu mang người Syria nhưng Leban đang chịu một sức ép khủng khiếp với số người tị nạn này.
Ninette Kelly, giám đốc cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc tại Liban cho biết hàng trăm nghìn người Syria ở Liban giờ đang sống trong c

ác nơi tạm bợ. Tại khu tị nạn ở thung lũng Bekaa, hàng trăm người sống dưới các tấm vải nhựa buộc tạm lên vài cái cột gỗ, nhiều người còn phải ở bên ngoài. Họ phải phơi mình dưới cái lạnh buốt của mùa đông và cái nóng đổ mồ hôi của mùa hè.


Không có chỗ nấu nướng, chỉ có vài nhà vệ sinh. Chăm sóc y tế ở những khu này là điều gần như viễn tưởng. Có bà mẹ sợ đứa con trai 5 tháng của mình bị mù nhưng bà không có tiền cho con đi khám bệnh, mà nếu có cũng không biết khám ở đâu.


Tồn tại được trong điều kiện đó đã khó nhưng còn khó hơn khi cộng đồng người Liban và Syria tị nạn phải cùng tồn tại. Không biết bao giờ cuộc xung đột ở Syria mới chấm dứt trong khi sự kiên nhẫn và lòng tốt của người Liban đã cạn. Đã có những cuộc cãi vã, bạo lực giữa hai cộng đồng. Chính phủ Liban từ cách đây cả năm đã nói rằng không còn khả năng tiếp nhận người Syria tị nạn.


Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 100.000 người Kurd ở Syria đã tràn vào nước này, chạy trốn khủng bố IS. Syria đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới và các láng giềng của họ không thể tự mình xoay sở.


Giờ đây, cuộc khủng hoảng này sẽ còn phình to ra mãi với các cuộc không kích IS của Mỹ và đồng minh tại Syria. Có thể nói rằng, cứ trước một làn sóng tấn công mới nhằm vào IS là chắc chắn sẽ có hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Đó gần như là tác động dễ nhìn thấy nhất của các cuộc không kích nhằm vào khủng bố IS.


Trong khi đó, bất chấp cam kết của giới chính khách, hầu như không ai động chân động tay giải quyết thảm họa nhân đạo này. Các nước Liên minh châu Âu tiếp nhận chưa tới 1% người tị nạn Syria. Một cố vấn chính phủ Liban từng nói với các chính phủ phương Tây: “Đừng bảo chúng tôi mở cửa biên giới khi các anh lại đóng cửa biên giới của chính mình”.


Đây có thể là lời nhận xét mà Barack Obama hay David Cameron cùng các tướng lĩnh phụ trách chiến dịch chống IS phải để tâm, dù là chút ít và có kế hoạch giải quyết hậu quả của làn sóng tị nạn song song với mục tiêu hủy diệt khủng bố IS. Đối với thế giới, có lẽ quét sạch IS còn dễ hơn nhiều so với giải quyết thảm họa nhân đạo ở Trung Đông.


Thùy Dương

Người tị nạn Ukraine bắt đầu rời Nga về nhà
Người tị nạn Ukraine bắt đầu rời Nga về nhà

Trong tuần qua, nhiều người tị nạn Ukraine từ Nga đã trở về nhà tại các tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông Nam Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN