Câu hỏi đó có thể được trả lời rõ ràng nếu mục sở thị sân bay Sharm el-Sheikh ở Sinai và chứng kiến những lỗ hổng an ninh “to tướng” ở đây.
Khách du lịch chờ đợi tại sân bay ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 5/11. |
Tại sân bay ở thành phố Sharm el-Sheikh, nơi có khu nghỉ dưỡng ven Biển Đỏ nổi tiếng của Ai Cập và luôn tấp nập khách du lịch, trước khi xảy ra vụ máy bay rơi, lúc nào cũng có không dưới 8 nhân viên an ninh mặc đồng phục đứng quanh chốt kiểm soát tại lối vào sân bay nhưng công việc của họ lại khá nhàn rỗi. Theo quy định, hành khách phải đi qua hai điểm soi chiếu an ninh trước khi ra cửa khởi hành. Dù vậy, không phải ai cũng bị soi chiếu. Hành khách thì đương nhiên phải làm thủ tục, tuy nhiên một nhân viên làm việc tại quán cà phê trong sân bay lại có thể đi ra đi vào chốt kiểm soát mà không bị ai kiểm tra.
Bảo vệ thường cho “người quen” ra vào tự do mà không khám xét kỹ lưỡng với lý do họ biết người đó. Một người giải thích: “Bạn sẽ không kiểm tra bạn mình hay bạn của bạn mình. Đó là điều thô lỗ”. Một đối tượng nữa thường không bị kiểm tra tại lối vào sân bay là những người “trông hợp thời trang hoặc vừa bước ra khỏi một chiếc ô tô sang trọng”. Còn đối với những người quen mặt ở sân bay như nhân viên các khách sạn cung cấp thức ăn trên chuyến bay hay tài xế xe tải chở hàng vào sân bay, họ có thể chuyển thẳng đồ ăn lên máy bay hay phi thẳng vào sân bay mà không bị ai kiểm tra. Bảo vệ nào tỏ ra nghiêm chỉnh thì lại “mềm lòng” cho xe qua khi được giới lái xe tải mời một vài bữa ăn.
Còn trong khu vực sân bay, nhân viên điều khiển máy quét X-quang vừa làm việc vừa hí hoáy nhắn tin trên điện thoại. Có người thì mải mê chơi trò Candy Crush trên máy tính, hút thuốc hay thậm chí ngủ gật trong giờ làm việc. Một nhân viên an ninh tại vị trí máy rò kim loại thì nghe khách trần tình rằng tại vì mang điện thoại trong túi nên máy rò kim loại mới kêu. Và nhân viên này tặc lưỡi cho qua. Nhiều người xách theo hàng lít nước và nước ngọt qua khu vực kiểm tra an ninh mà không bị ai chặn lại.
Máy soi chiếu hành lý thường xuyên không hoạt động. Một số quan chức an ninh giấu tên tại sân bay Sharm el-Sheikh cho biết họ đã báo cáo cho cấp trên về việc máy quét an ninh có vấn đề nhưng máy vẫn không được thay thế. Có người cho biết máy móc hỏng là do nhân viên không biết sử dụng chứ không phải là do lỗi kỹ thuật. Nhưng mỗi khi có đoàn chuyên gia quốc tế tới sân bay, nhân viên tại đây lại đảm bảo các máy móc hoạt động trơn tru. Một quan chức sân bay giấu tên thừa nhận họ chỉ quan tâm tới hình thức.
Ngoài ra, tình trạng nhân viên tại sân bay nhận tiền của khách để bỏ qua khâu soi chiếu hành lý hay xếp hàng đã trở thành chuyện phổ biến. Một nhân viên an ninh cho biết: “Không biết bao nhiêu lần tôi đã bắt được một túi đựng đầy ma túy hoặc vũ khí mà nhân viên soi chiếu cho qua sau khi được đút lót 10 euro”. Điều đáng nói là tình trạng đút lót này lại không hề lén lút. Theo lời kể của du khách đi nghỉ dưỡng ở Sharm el-Sheikh, các nhân viên sân bay thường chủ động tiếp cận khi họ xếp hàng chờ làm thủ tục soi chiếu và hỏi có muốn nộp tiền để khỏi phải chờ không. Sau khi đưa tiền, du khách sẽ được đưa ra khỏi hàng dài du khách xếp hàng rồng rắn mà không cần qua khu vực máy quét hành lý và cơ thể.
Nhiều nước châu Âu trong nhiều năm qua đã lo ngại về tình hình kiểm tra an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh và các sân bay khác tại Ai Cập khi cả máy móc và nhân sự đều không được đảm bảo. Nhưng trước khi xảy ra vụ máy bay Nga rơi ở Sinai, những lo ngại trên chưa bao giờ được tiếp nhận nghiêm túc, giải quyết triệt để. Chính vì vậy mà chỉ còn một vài hãng hàng không Tây Âu còn duy trì các chuyến bay thẳng tới Sharm el-Sheikh như từ Anh, Bỉ, Đức, Italy và Thụy Sỹ. Các hãng hàng không khác như của Pháp và Hà Lan đã không bay thẳng đến thành phố này trong nhiều năm gần đây, một phần là vì lo ngại an ninh lỏng lẻo.
Trong khi đó, giới chức tại sân bay này lại một mực bác bỏ mối quan ngại của các nước. Ông Yasser Jahin, Phó Giám đốc sân bay Sharm el-Sheikh, chống chế rằng nhân viên sân bay tuân thủ quy chuẩn quốc tế và đảm bảo an ninh ở mức độ cao. Dù vậy, sau khi xảy ra thảm kịch nghiêm trọng, giám đốc sân bay này đã bị cách chức và giới chức Ai Cập nháo nhào vừa lo thắt chặt an ninh, vừa lo trấn an du khách, vừa lo thẩm vấn những người có liên quan tại sân bay để tìm ra điểm bất thường liên quan tới chiếc máy bay Nga bị rơi. Nhưng động thái vớt vát này dường như hơi muộn vì một số nước như Anh và Nga đã đình chỉ các chuyến bay tới thành phố này, đồng nghĩa với việc Ai Cập mất đi một lượng du khách lớn.
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm làm rơi máy bay Nga và nguồn tin tình báo các nước đều nghiêng về giả thiết máy bay bị đánh bom. Hiện chưa biết giả thiết này có đúng hay không, chỉ biết với lỗ hổng an ninh lớn tại sân bay Sharm el-Sheikh như kể trên, IS có thể dễ dàng trà trộn và mang bom lên máy bay một cách dễ dàng, thậm chí đàng hoàng. Trong tương lai, chắc chắc sẽ xảy ra những vụ việc “mất bò” tương tự nếu như cái “chuồng” Sharm el-Sheikh vẫn như vậy.