Lỗ hổng khiến thành trì ‘8 tháng không COVID-19’ của Đài Loan bị thủng

Một ổ dịch tại khách sạn đe dọa thành tích kiềm chế thành công đại dịch COVID-19 của Đài Loan/Trung Quốc. Vùng lãnh thổ này ghi nhận 580 ca nhiễm mới chỉ trong hai ngày 17 và 18/5, trong đó có 573 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Người dân Đài Loan tham gia giao thông ở Đài Bắc. Ảnh: SCMP

Sau khi ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (CECC) ngày 16/5 đã nâng mức cảnh báo lên cấp độ 3 trên thang 4 cấp độ tại Đài Bắc và thành phố Đài Bắc Mới.

Cư dân buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, không được phép tụ tập quá 10 người ở ngoài trời và 5 người ở trong nhà. Rạp chiếu phim, trung tâm thể thao, thư viện, các khu giải trí được lệnh đóng cửa.

Đài Loan có thể sẽ phải chuyển sang cấp độ 4 – tương ứng với đóng cửa, nếu ghi nhận trên 100 ca mắc/ngày trong vòng hai tuần liên tục. 

Lỗ hổng cách ly khách sạn

Đài Loan đã xác định được ít nhất một ổ dịch làm bùng phát COVID-19 ở vùng lãnh thổ này từ hồi tháng 4, đó là ổ dịch tại khách sạn Novotel trong sân bây quốc tế Taoyuan. Các ca nhiễm mới hiện nay đều xuất hiện quanh vùng đô thị Đài Bắc, nằm giáp ranh với thành phố Taoyuan. Một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cũng được xác định ở khu vực miền bắc và miền trung Đài Loan. 

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: Bloomberg

Giữa tháng 4/2021, Đài Loan bắt đầu nới lỏng quy định về cách ly đối với số phi công và tiếp viên chưa được tiêm ngừa, từ 5 ngày xuống còn 3 ngày. Nhân viên phi hành đoàn đã được tiêm ngừa vaccine COVID-19 thuộc diện được miễn cách ly. 

Những ca mắc đầu tiên trong đợt bùng phát này được ghi nhận hôm 20/4, tại ổ dịch ở khách sạn Novotel, liên quan đến hai phi công người Indonesia làm việc cho hãng hàng không lớn nhất của vùng lãnh thổ này, hãng China Airline. Hai người này trước đó thực hiện hành trình bay chở hàng tới Australia. Nhiều phi công khác của China Airlines sau đó cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2, một vài trong số này đã lui tới quán bar, nhà hàng trước khi làm xét nghiệm. Chủ quản lý khách sạn Novotel cũng mắc COVID-19. 

Đến ngày 7/5, giới chức Đài Loan xác định được 29 ca nhiễm, trong đó có 11 phi công, một tiếp viên, 6 nhân viên khách sạn và một gia đình 11 người. Cơ quan Y tế Đài Loan cùng ngày ra thông báo xử phạt China Airlines số tiền 1 triệu đài tệ (35.000 USD) vì không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, để cho phi công, nhân viên phi hành đoàn lưu trú tại cơ sở không cách ly. Khách sạn Novotel có một khu cách ly riêng biệt, nhưng China Airlines đã để phi công nghỉ tại tòa nhà thứ hai trong khuôn viên, không áp dụng quy định cách ly. Ngày hôm sau, khách sạn này cũng bị phạt 1,27 triệu đài tệ (44.450 USD).

Bên cạnh việc chỉ trích China Airlines và khách sạn Novotel không tuân thủ biện pháp cách ly phòng dịch, quan chức y tế Đài Loan Yang Sen Hong cũng thừa nhận rằng thời hạn mà chính quyền đặt ra về cách ly phi công chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 là quá ngắn, chưa có đủ cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn số này không là nguồn làm lây lan dịch bệnh. 

Chiến dịch tiêm chủng không có bước tiến

Trong hơn một năm qua, Đài Loan được coi là hình mẫu chống dịch thành công bậc nhất thế giới nhờ vào chiến lược truy vết, cách ly hiệu quả. Tổng số ca nhiễm tại vùng lãnh thổ này trước thời điểm đợt bùng phát dịch mới là dưới 1.000 ca, số người thiệt mạng cũng chỉ trên 10 trường hợp. 

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại một nhà ga tàu điện ngầm ở Đài Bắc. Ảnh: Reuters

Đợt bùng phát mới khiến tình hình xấu đi nhanh chóng. Riêng trong ngày 18/5, Đài Loan có 245 ca mắc mới, trong đó có 240 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Một ngày trước đó, vùng lãnh thổ này ghi nhận 335 ca mắc, với 333 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc tính đến thời điểm này là 2.260 ca, trong đó có 1.086 ca nhập cảnh, 1.121 ca trong cộng đồng. 

Xu hướng ổn định rồi bùng phát dịch tại Đài Loan cũng là tình trạng chung ở nhiều khu vực tại châu Á khác như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, với điểm nổi bật là không thể giữ vững thành công giai đoạn đầu kiểm soát dịch khi chiến dịch tiêm chủng không có bước tiến. Điều này trái ngược với bức tranh tại một số nước như Mỹ, Anh, Israel – số bị COVID-19 công phá mạnh thời kỳ đầu, nhưng sau đó tình hình dần đi vào ổn định nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc. 

Mới có chỉ có khoảng 1% trong tổng số 23,5 triệu dân Đài Loan được tiêm ngừa vaccine. Với quãng thời gian 253 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, người dân Đài Loan có tâm lý chủ quan, ngại đi tiêm vaccine, muốn nán lại và nghe ngóng thêm thông tin về phản ứng phụ khi tiêm chủng. 

Đến nay, Đài Loan mới chỉ tiếp nhận 300.000 liều vaccine, toàn bộ là của AstraZeneca. Vùng lãnh thổ này đã ký hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine của AstraZeneca và Moderna, nhưng phần lớn trong số này vẫn chưa được chuyển giao.

Dịch bùng phát khiến nhiều người Đài Loan vài ngày qua chạy đua đặt lịch tiêm phòng, nhưng do nguồn cung hạn chế nên chính quyền buộc phải ra thông báo chỉ có thể đáp ứng vaccine cho số có nguy cơ cao, hoặc lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch. Các đầu mối ngoại giao của Đài Loan ở nước ngoài đã được lệnh vào cuộc, đẩy mạnh kênh tiếp xúc, liên hệ để mua vaccine. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Asia Nikkei, SCMP)
Hai hình mẫu chống COVID-19 thành công lại đối diện nguy cơ lây nhiễm
Hai hình mẫu chống COVID-19 thành công lại đối diện nguy cơ lây nhiễm

Singapore và Đài Loan/Trung Quốc – hai khu vực được coi là hình mẫu chống COVID-19 thành công nhất thế giới - đang phải áp dụng những quy định ngặt nghèo trước nguy cơ lây nhiễm tái bùng phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN