Lộ trình cải cách mới - hy vọng và thách thức với Trung Quốc

Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII vừa kết thúc là hội nghị quan trọng quyết định đường lối, chủ trương của Đại hội XVIII trong vòng 10 năm tới. Trong toàn văn thông cáo báo chí của Hội nghị có tổng cộng 59 lần nhắc đến hai chữ "cải cách" như muốn khẳng định ý nguyện, mong muốn và quyết tâm cải cách "sâu rộng toàn diện" của lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc. Giới phân tích cũng nhận định tiến trình cải cách ở Trung Quốc sẽ góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.


Hội nghị đã thông qua văn kiện của Ban chấp hành Trung ương, xác định tinh thần chung của công cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Văn kiện nêu rõ mục tiêu chung của cải cách sâu rộng là đẩy mạnh xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý của đất nước; nhấn mạnh cải cách kinh tế đóng vai trò "chìa khóa" và giải pháp then chốt là mối quan hệ hài hòa giữa Chính phủ và thị trường, để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực.


Đòn bẩy phục hồi kinh tế thế giới


Công cuộc cải cách và mở cửa bắt đầu diễn ra từ năm 1978 đến nay đã đưa Trung Quốc trở thành một đầu tàu kinh tế thế giới và giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong một thập kỷ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 luôn đạt trên dưới 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 vào khoảng 6.000 USD, cao gấp 30 lần so với năm 1978.

 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại hội nghị ngày 12/11. THX/TTXVN


Kể từ năm 1978, như một tiền lệ, cải cách đã trở thành đặc trưng của các kỳ Hội nghị Trung ương 3 (HNTW 3). Đây là thời điểm đánh dấu một năm bộ máy lãnh đạo mới lên nắm giữ các chức vụ cao nhất ở Trung Quốc, đủ thời gian để công bố các kế hoạch cho nhiệm kỳ 10 năm. Hội nghị lần này cũng được đánh giá là mang tính cột mốc như HNTW 3 diễn ra cách đây 35 năm khi Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành cải cách mở cửa theo hướng thị trường và HNTW 3 cách đây 20 năm, thời điểm Trung Quốc mạnh tay giải thể phần lớn khu vực kinh tế nhà nước. Quyết định vừa qua của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bước đột phá trong cải cách thị trường, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thị trường đối với nền kinh tế. Giới phân tích đánh giá chiến lược cải cách toàn diện kinh tế của Trung Quốc vào thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.


Sau “bão” tài chính 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn trong tiến trình phục hồi mong manh, bản thân Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại khi phải chuyển đổi từ một nền kinh tế định hướng xuất khẩu chi phí thấp sang nền kinh tế được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa và ngành công nghiệp dịch vụ. Vì vậy, một nền kinh tế năng động và đổi mới của Trung Quốc sẽ tiếp thêm sinh lực cho kinh tế thế giới nói chung và giúp giảm áp lực đối với các nền kinh tế khác ở châu Á.

Han Jae-jin, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hyundai (Hàn Quốc), nhận định sự chuyển đổi vai trò, chức năng của chính phủ trong hệ thống kinh tế sẽ gửi đi những tín hiệu tích cực đối với giới đầu tư quốc tế. Theo ông, cải thiện hệ thống kinh tế thị trường, trong đó các hoạt động kinh doanh phải được hoạt động một cách độc lập và cạnh tranh bình đẳng… sẽ giúp Trung Quốc thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài để từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước cũng như tăng cường hợp tác trong khu vực để phát triển.


Với những cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc dỡ bỏ các rào cản trên thị trường, nâng cao hiệu quả cũng như sự công bằng trong phân bổ nguồn lực, đưa ra những quy định thị trường minh bạch, cởi mở, cải thiện cơ chế giá thị trường…, lĩnh vực tư nhân sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài. Những thay đổi của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, từ đó, kinh tế toàn cầu sẽ có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng. Tờ Financial Times (Anh) nhận định cải cách ở Trung Quốc sẽ tạo động lực cho các nước khác.


Tuy nhiên, không phải không có những trở ngại lớn đối với cải cách của Trung Quốc. Để thực hiện lộ trình cải cách sâu rộng toàn diện này, Trung Quốc sẽ phải đối diện với nhiều thách thức được cho là hóc búa nhất.


Bốn thách thức lớn đối với cuộc “đại phẫu”


Cùng với tốc độ phát triển chóng mặt là hàng loạt hệ lụy như phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường và tham nhũng. Năm 2012, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên sau 10 năm công bố chỉ số đánh giá phân hóa giàu nghèo (Gini) của nước này vượt ngưỡng an toàn 0,4. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng đã kéo theo tình trạng ô nhiễm không khí báo động cao ở thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Một năm kể từ khi bộ máy lãnh đạo mới lên nắm quyền điều hành đất nước đã có 11 quan chức cấp bộ trở lên bị đưa ra xét xử vì những cáo buộc tham nhũng.


Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ, Giám đốc Học viện quản lý hành chính - Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng nếu muốn cải cách thực sự sâu rộng và toàn diện, Trung Quốc cần vượt qua bốn thách thức lớn. Thứ nhất, phải loại bỏ được những tập đoàn lợi ích, hy sinh một phần lợi ích của một bộ phận cá nhân để hài hòa lợi ích của toàn xã hội. Giảm lợi ích của các tập đoàn mạnh tăng lợi ích cho các tập đoàn vừa và nhỏ.

Thách thức thứ hai là sự thay đổi về tư duy, quan niệm về cải cách, chỉ có như vậy mới khiến cái giá phải trả của cải cách thấp nhất. Thách thức thứ ba chính là lập một kế hoạch tổng thể tốt, như HNTW 3 vừa qua đã nhấn mạnh đến tính hệ thống, sự phối hợp trong cải cách. Thách thức thứ tư là thách thức đối với chính quyền địa phương, bởi quyết tâm cải cách của trung ương là rất lớn, nhưng bên trong nội hàm cải cách có rất nhiều lĩnh vực liên quan đến lợi ích của địa phương. Do đó chính quyền địa phương có thể sẽ đi ngược lại với tinh thần của cải cách sâu rộng toàn diện, thậm chí đưa ra nhiều biện pháp kìm hãm cải cách.


Để thực hiện suôn sẻ lộ trình cải cách sâu rộng toàn diện, điều quan trọng và cấp bách là cần phá vỡ vòng luẩn quẩn chống tham nhũng và bất công xã hội, xóa bỏ những ràng buộc của mô hình tăng trưởng truyền thống, và cuối cùng là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo do phân phối của cải không công bằng.


Nguyệt Ánh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN