Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã tiến hành chuyến thăm Mỹ với “sứ mệnh” giải bài toán khó về vấn đề người di cư trong khu vực. Có thể nói, chuyến thăm đã đạt được thành công nhất định khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực này, trong đó bao gồm tạo điều kiện hợp pháp hóa tình trạng pháp lý của người nhập cư làm việc tại Mỹ, đồng thời hứa hẹn tăng gấp 2 lần số thị thực việc làm cho người di cư Mexico và Trung Mỹ.
Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền tháng 1/2021, quan hệ song phương mới giữa Mỹ và Mexico đã được thiết lập và hai chính phủ đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải thúc đẩy di cư "an toàn, có trật tự và hợp pháp". Tuy nhiên, chưa có bất kỳ bước đi liên quan nào được thực hiện để hướng tới mục tiêu này và việc nhập cư bất hợp pháp tiếp tục tiềm ẩn rủi ro đối với người di cư. Minh chứng rõ nhất là 2 thảm kịch chết người xảy ra gần đây: 53 người chết ngạt bên trong thùng xe đầu kéo ở đường Quintana, thành phố San Antonio, bang Texas (Mỹ) ngày 27/6; trước đó vào tháng 12/2021, một xe đầu kéo chở người di cư bị lật ở Chiapas, Mexico, khiến 54 người Trung Mỹ thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Cả hai chính phủ đều đổ lỗi cho các mạng lưới buôn người và thông báo hợp tác khu vực để tìm ra những kẻ chủ mưu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển nào trong các cuộc điều tra đã cam kết.
Tổng thống Mexico López Obrador đã nhiều lần nêu ra 2 ý tưởng về hợp tác với Mỹ. Thứ nhất, đầu tư chung với sự hỗ trợ trực tiếp vào các quốc gia Trung Mỹ để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của di cư - đây là đề xuất ông đưa ra từ chuyến thăm đầu tiên đến Nhà Trắng. Thứ hai, đề nghị Washington cấp thị thực làm việc tạm thời cho người nhập cư. Bên cạnh đó, ông López Obrador đã nhiều lần hối thúc Mỹ triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trị giá 4 tỷ USD như đã cam kết tại khu vực Trung Mỹ và miền Nam Mexico nhằm giải quyết vấn đề người di cư. Nhà lãnh đạo Mexico nhấn mạnh việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại Trung Mỹ và khu vực miền Nam nước này sẽ tạo ra một “bức tường thịnh vượng” để hạn chế làn sóng di cư từ các quốc gia Trung Mỹ. Mới đây, nhà lãnh đạo Mexico đã lên tiếng chỉ trích Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói hỗ trợ trên, trong khi đã nhanh chóng thông qua hàng chục tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Khi Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở những lời hứa và cam kết đầu tư lên đến hàng tỷ USD, từ năm 2019, Mexico đã đầu tư gần 100 triệu USD để triển khai các chương trình phúc lợi xã hội gồm trồng rừng và cấp học bổng dạy nghề cho giới trẻ ở khu vực Trung Mỹ, nhằm tạo việc làm, phát triển kinh tế-xã hội, qua đó giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư trong khu vực.
Viện Chính sách Di cư có trụ sở tại Washington gần đây đã công bố một nghiên cứu về các lựa chọn thay thế, trong đó kết luận: “Mỹ và các đối tác trong khu vực có những cơ hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tận dụng hệ thống nhập cư của Mỹ thông qua việc làm để giúp quản lý di cư từ Trung Mỹ”. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất việc áp dụng thị thực tạm thời và các kế hoạch khác mà về lâu dài "có thể giúp chuyển hướng người di cư Trung Mỹ đến các con đường nhập cư hợp pháp và giảm áp lực tại biên giới Mỹ-Mexico".
Khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã có bài phát biểu về các vấn đề nhập cư, thể hiện quan điểm hoàn toàn ngược với cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó đề xuất xóa bỏ một số chương trình chống nhập cư mà người tiền nhiệm đã thúc đẩy, đồng thời kêu gọi cải cách trong vấn đề này. Tuy nhiên, việc thực hiện những cam kết này đã vấp phải một loạt trở ngại trong nước và những rào cản ngày càng trở nên gay gắt trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay. Đối với Nhà Trắng, di cư là một vấn đề mang tính an ninh quốc gia và có ảnh hưởng đến sự ủng hộ dành cho Tổng thống Biden. Mặc dù Mỹ hợp tác với nhiều quốc gia khác ở Tây bán cầu để đối phó với hiện tượng này, nhưng sự hỗ trợ của Mexico là rất cần thiết, vì vậy chắc chắn Washington sẽ tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng về vấn đề này. Mỹ và Mexico đã thống nhất thành lập nhóm công tác chung về vấn đề di cư và sáng kiến về tạo việc làm sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ IX vừa diễn ra tại Los Angeles, Mỹ.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đánh giá năm 2021, khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận tình trạng di cư kỷ lục, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo về người tị nạn do tác động của đại dịch COVID-19, nghèo đói, mất an ninh lương thực, bạo lực và tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Lượng người di cư ở Mexico và khu vực Trung Mỹ được UNHCR mô tả là "chưa từng có" khi gần một triệu người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa vì thiếu cơ hội việc làm, bạo lực băng đảng, tội phạm có tổ chức, sự tàn phá của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng Mexico đã trở thành một quốc gia điểm đến, cũng như một quốc gia trung chuyển người di cư tìm đường đến Mỹ, với kỷ lục trên 100.000 đơn xin tị nạn vào năm 2021.
Trong bối cảnh khủng hoảng di cư tại châu lục, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể thực hiện lời hứa về các chính sách công bằng và nhân đạo đối với người nhập cư. Chương trình tị nạn của Tổng thống Joe Biden đã nâng giới hạn tiếp nhận người nhập cư cho năm 2021 từ 15.000 lên 62.500 người, nhưng chỉ tiếp nhận 11.411 người vào cuối năm ngoái, con số thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vấn đề di cư là một bài toán khó đối với cả Mexico và Mỹ khi chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng Mỹ đã bắt giữ hơn 1,5 triệu người di cư tìm cách vượt biên giới chung giữa 2 nước. Dự kiến, số người di cư bị bắt giữ khi tìm cách vào Mỹ trong năm nay sẽ vượt xa con số kỷ lục 1,734 triệu người trong năm 2021. Nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói và bạo lực tại quê nhà, mỗi năm có hàng trăm nghìn người di cư Trung Mỹ, chủ yếu từ các nước Honduras, El Salvador và Guatemala, đã rời bỏ quê hương, vượt qua lãnh thổ Mexico để tìm đường tới Mỹ.
Chuyến thăm mang “sứ mệnh” giải bài toán di cư của Tổng thống Lopez Obrador có thể chưa đạt được kỳ vọng, nhưng đã phần nào cảnh tỉnh Washington, khi ông Joe Biden phải thừa nhận vấn đề di cư là một thách thức của châu lục mà Mỹ và Mexico cùng chia sẻ, cũng như khiến Mỹ phải hành động.