Theo tờ El Pais, ngành công nghiệp khai thác vàng đang phát triển ở Sudan là một trong những nhân tố thúc đẩy xung đột giữa các tướng lĩnh đối địch. Phần lớn số vàng khổng lồ khai thác được đang bị tuồn lậu ra nước ngoài, làm mất đi nguồn thu rất cần thiết của nhà nước, lẽ ra phải mang lại lợi ích cho người dân Sudan.
Nghịch lý ở "miền đất vàng"
Sự mở rộng của hoạt động khai thác vàng ở Sudan, quốc gia đã trở thành nhà sản xuất khoáng sản quý lớn thứ ba ở châu Phi trong thập kỷ qua, trớ trêu thay lại song hành với sự gia tăng nghèo đói ở một quốc gia xếp thứ 172 trong Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc (trong số tổng cộng 191 quốc gia). Trong khi chính quyền Sudan công bố vào tháng 1 rằng nước này đạt được sản lượng vàng kỷ lục vào năm 2022, các chỉ số kinh tế của Ngân hàng Thế giới lại chỉ ra một dấu ấn rất khác đối với quốc gia nằm ở Sừng châu Phi này: tỷ lệ dân số dưới ngưỡng nghèo đã tăng đều đặn từ 15,3% vào năm 2014 lên 32,9% vào năm 2022. Điều đó có nghĩa là, hiện có khoảng 15 triệu người đang sống với mức dưới 2,15 USD/ngày.
Mặc dù bản thân ngành công nghiệp vàng không giải thích được tình trạng bần cùng hóa ở Sudan, nhưng cuộc chiến giành quyền kiểm soát ngành này đang thúc đẩy cuộc xung đột hiện tại giữa quân đội Sudan (do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo) và tổ chức bán quân sự chính, Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF - do tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy). Vàng đã trở thành một trong những nguồn tiền chính của lực lượng này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 604 người đã thiệt mạng và 5.127 người khác bị thương kể từ khi làn sóng bạo lực mới nổ ra vào ngày 15/4.
Không ai biết chính xác có bao nhiêu vàng đang được khai thác ở Sudan. Ngành công nghiệp này bắt đầu thu hút sự quan tâm sau sự kiện Nam Sudan ly khai vào năm 2011. Nó được xem là một nguồn bù đắp cho 2/3 giếng dầu mà Khartoum đã mất khi lãnh thổ miền nam tách ra độc lập.
Vào tháng 1, Giám đốc Tổng cục Giám sát và Kiểm soát các Công ty Sản xuất của Sudan, Alaeldin Ali, đã tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng nước này đã đạt kỷ lục khai thác mới, vượt quá sản lượng vàng tốt nhất trước đó là 1.611 kg. Kỷ lục trước được thiết lập vào năm 2017 với 107 tấn vàng. Nói cách khác, sản lượng khai thác năm ngoái sẽ vào khoảng 109 tấn. Công ty Tài nguyên Sudan đã công bố vào tháng 4 rằng hoạt động xuất khẩu vàng, với khối lượng khoảng 41,8 tấn, đã mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD trong năm 2022.
Nhưng không có số liệu nào tính đến lượng vàng được buôn lậu ra khỏi đất nước. Denise Sprimont-Vasquez, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp (C4ADS) cho biết: “Ngân hàng Trung ương Sudan đã nhận ra rằng buôn lậu [khoáng sản] là một vấn đề lớn ở nước này”. Vị chuyên gia chỉ ra rằng các công ty khai thác vàng do Lực lượng Hỗ trợ Nhanh kiểm soát là một trong những bên chịu trách nhiệm. Phe còn lại, quân đội quốc gia do Tướng Burhan lãnh đạo, thì khai thác các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước. Ngoài ra, Wagner Group, công ty quân sự tư nhân có trụ sở ở Nga, cũng bị Mỹ và Liên minh châu Âu cáo buộc đã khai thác vàng của Sudan thông qua các công ty vỏ bọc.
Các cơ quan nhà nước Sudan cũng không thể tính toán lượng vàng được khai thác thủ công, mà theo phân tích của C4ADS, chiếm tới 85% tổng lượng vàng khai thác được của cả nước.
Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi, cho biết cuộc đảo chính năm 2021 đã chấm dứt vai trò của chính phủ chuyển tiếp và nhường quyền lực cho tướng Abdel Fattah al-Burhan, càng làm gia tăng sự thiếu minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác vàng. Trong khoảng thời gian ngắn mà chính phủ chuyển tiếp của Sudan tồn tại (từ sự sụp đổ của nhà lãnh đọa Omar al-Bashir vào năm 2019 đến tháng 10/2021), một cuộc kiểm toán của Bộ Tài chính Sudan tiết lộ rằng hầu hết các khoản thu từ vàng đã không được khai báo. Chuyên gia Siegle giải thích: “Chỉ riêng trong năm 2021, ít nhất 32 tấn vàng đã ‘mất tích’, theo các cuộc kiểm tra của nhà nước, tương đương tối thiểu 1,9 tỷ USD”.
Vàng "tài trợ" cho chiến tranh
Vàng đang tài trợ một phần chi phí cho cuộc xung đột ở Sudan. “Nó cung cấp cho tướng Mohamed Hamdan Dagalo một rương chiến tranh sâu rộng, độc lập với chính phủ để tài trợ cho cuộc xung đột của ông ta, mặc dù Lực lượng vũ trang Sudan, do Tướng Burhan lãnh đạo, cũng kiểm soát nhiều công ty và lĩnh vực kinh tế trong nước”, chuyên gia Siegle nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích này, tướng Dagalo đã trở thành một trong những người giàu nhất đất nước, quyền kiểm soát lĩnh vực vàng, cùng với lĩnh vực chăn nuôi và cơ sở hạ tầng ở khu vực phía tây Darfur.
Chuyên gia Siegle cho rằng, việc các chủ thể quân sự kiểm soát tài nguyên vàng là một yếu tố quan trọng trong cuộc xung đột hiện nay, và là một trong những lý do khiến đất nước rơi vào tình trạng kinh tế nguy cấp.
“Nếu các lực lượng vũ trang phải phục tùng một chính phủ dân sự, thì những nguồn lực này sẽ được đưa vào ngân khố chính phủ, góp phần đáng kể vào việc phục hồi kinh tế và ổn định đất nước”, ông Siegle nhận xét.
Trong khi các phe bán quân sự và nước ngoài chia sẻ việc khai thác vàng, 233 tấn vàng ước tính đã được khai thác vào năm 2021 đồng nghĩa với doanh thu trên 13 tỷ USD. Chuyên gia García Luengo lưu ý: “Nguồn thu này [nếu kiểm soát được] sẽ là quan trọng ở một quốc gia mà người dân bị thiếu thốn nghiêm trọng, với các Chỉ số Phát triển Con người thấp và nhu cầu rất lớn đối với các dịch vụ xã hội cơ bản”.
Nguy cơ với môi trường và sức khỏe cộng đồng
Việc mất kiểm soát trong khai thác vàng không chỉ kéo dài tình trạng nghèo đói mà còn gây ra vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Những người khai thác thủ công thường sử dụng thủy ngân, có giá rẻ, để tách vàng ra khỏi các khoáng chất khác. Trong quá trình này, hỗn hợp chiết xuất được làm nóng để thủy ngân bay hơi trước khi vàng tan chảy. Tuy nhiên, thủy ngân không mùi và có độc tính cao nên công nhân dễ hít phải, và chất này còn làm ô nhiễm đất và nước.
Có khoảng hai triệu người làm việc trong ngành khai thác vàng thủ công của Sudan, bao gồm cả trẻ em. Ông García Luengo lo lắng: “Họ làm việc mà không được bảo vệ đầy đủ, vì vậy việc khai thác vàng không chỉ khiến họ bị bần cùng hóa và nuôi dưỡng bạo lực, mà còn khiến người dân mắc bệnh”.