Cho tới chiều 27/2, Quốc vương Malaysia Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah, người đã tiến hành tham vấn riêng rẽ với 222 thành viên Hạ viện Malaysia trong 2 ngày nhằm xác định nhân vật nào nhận được sự ủng hộ của đa số để có thể trở thành tân thủ tướng, vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Biến động chính trị tại Malaysia bùng nổ chiều 24/2 khi Thủ tướng Mahathir bất ngờ gửi đơn xin từ chức lên Quốc vương, đồng thời cũng tuyên bố rời bỏ chức vụ Chủ tịch đảng Bersatu. Đây được xem là động thái gây bất ngờ, song dường như vấn đề đã âm ỉ từ lâu, bởi Thủ tướng Mahathir đang phải chịu sức ép lớn từ các đồng minh trong Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền đòi ông phải từ chức và bàn giao lại chức vụ cho người kế nhiệm.
PH do 4 đảng hợp thành, gồm đảng Bersatu của ông Mahathir, đảng Công lý Nhân dân (PKR) của Chủ tịch Anwar Ibrahim, đảng Hành động Dân chủ (DAP, do người Malaysia gốc Hoa lãnh đạo) và đảng Amanah. Trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2018, PH thỏa thuận nếu liên minh này thắng cử, ông Mahathir sẽ làm thủ tướng trong 2 năm (tức là đến tháng 5/2020), sau đó bàn giao lại chức vụ cho ông Anwar, người từng làm phó thủ tướng trong chính phủ của ông Mahathir nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuy nhiên, trên thực tế thì động thái từ chức của ông Mahathir cũng nằm ngoài dự đoán bởi sau cuộc họp quan trọng của Hội đồng Chủ tịch PH tối 21/2, ông Mahathir còn khẳng định sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng cho đến sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Malaysia chủ trì vào tháng 11 tới, rồi PH mới thảo luận việc bàn giao chức vụ thủ tướng. Ông còn nhấn mạnh, việc bàn giao chức vụ tùy thuộc vào ông.
Tiếp đó là một loạt diễn biến dồn dập khi một số đảng phái thuộc cả hai phe tiến hành họp bất thường, trong đó có đảng Bersatu, các nghị sĩ thuộc phe ủng hộ Phó Chủ tịch PKR Azmin Ali, và hai đảng đối lập lớn nhất là Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS).
Chiều 23/2, lãnh đạo 6 đảng, trong đó có ông Muhyiddin Yassin - Chủ tịch điều hành Bersatu, đã đến Hoàng cung yết kiến Quốc vương. Nội dung cuộc yết kiến được cho là thảo luận về thành lập chính phủ mới. Các sự kiện này ông Mahathir đều không có mặt, kể cả tại cuộc họp của Bersatu, được cho là tổ chức “sau lưng” Thủ tướng Mahathir, dưới sự chủ trì của ông Muhyiddin Yassin. Thời điểm đó, ông Anwar tuyên bố đang có âm mưu lật đổ chính phủ của PH. Cụ thể, Bersatu, một phần PKR, UMNO, PAS và một số đảng phái khác đang âm mưu bắt tay nhau để thành lập chính phủ mới.
Phát biểu sau khi từ chức, Thủ tướng tạm quyền Mahathir nói rằng ông đã bị buộc vào một vị thế khó khăn khi đưa ra quyết định này, đồng thời xin lỗi người dân Malaysia vì sự sụp đổ của chính phủ liên minh cầm quyền, chính phủ được người dân bầu lên với nhiều gửi gắm và kỳ vọng.
Giới chuyên gia nhận định việc ông Mahathir bất ngờ từ chức bắt nguồn từ hành động “sau lưng” của các lãnh đạo trong đảng Bersatu và do quan điểm có tính nguyên tắc của chính khách lão luyện 94 tuổi này. Ban lãnh đạo Bersatu, đứng đầu là Chủ tịch điều hành Muhyiddin Yassin đã cùng với các nghị sĩ "đào tẩu" từ PKR và lãnh đạo UMNO, PAS bí mật hành động sau lưng ông Mahathir. Họ muốn bắt tay hợp tác để tạo ra liên minh mới và thay thế chính phủ PH. Động thái này khiến ông Mahathir tức giận, và bằng chứng là ông đã tuyên bố từ bỏ chức chủ tịch Bersatu ngay sau quyết định từ chức thủ tướng. Lý do thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, đó là ông Mahathir từ chức để chứng tỏ với người dân Malaysia rằng, ông không thể bỏ qua lập trường có tính nguyên tắc của mình. Hay cụ thể hơn, ông không thể phản bội lại cử tri.
Trong cương lĩnh tranh cử của ông Mahathir cũng như của PH có một nội dung quan trọng, đó là quyết tâm làm trong sạch bộ máy cầm quyền, cùng với đó là đưa những nhân vật “tham nhũng và ăn cắp” trong chính quyền cũ ra trước công lý. Việc đảng Bersatu do ông sáng lập, một đảng hợp thành PH, và một số nghị sĩ PKR cũng thuộc PH, bắt tay với ban lãnh đạo UMNO, trong đó có 6 người đang bị cáo buộc tham nhũng, gồm Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid Hamidi, chưa kể cố vấn cao cấp của UMNO là cựu Thủ tướng Najib Razak, người vừa ra hầu tòa năm ngoái do cáo buộc tham nhũng liên quan đến Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB), có thể xem là "giọt nước tràn ly" đối với Thủ tướng Mahathir.
Ông Mahathir quyết định từ chức thủ tướng, cùng với đó không còn là lãnh đạo PH, có thể hiểu là để chứng minh rằng ông không thể đứng chung hàng ngũ với những người phản bội lại cử tri, đi ngược lại đường lối của liên minh. Đây có thể coi là nguyên tắc của ông Mahathir, hay nói cách khác, là giới hạn cuối cùng mà ông đặt ra.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những gì đang diễn ra trên chính trường Malaysia hiện nay đều nằm trong tính toán của ông Mahathir, đã được ông cân nhắc kỹ lưỡng, bao gồm cả quyết định từ chức. Theo quan điểm này, việc ông từ chức không phải là quyết định đột ngột, mà đơn giản đây chỉ là phương án B, thậm chí phương án C của chính trị gia lão luyện này.
Sau khi ông Mahathir nộp đơn từ chức, Quốc vương đã bổ nhiệm ông làm Thủ tướng tạm quyền. Theo Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas, thủ tướng tạm quyền của nước này có đủ mọi quyền lực như một thủ tướng chính thức, trong đó có quyền giải tán quốc hội, bên cạnh việc có toàn quyền lựa chọn thành viên nội các tạm quyền. Đây được cho là lợi thế của ông Mahathir so với các đối thủ khác. Nội các và sau đó là chính phủ tạm quyền sẽ có cơ hội lớn để thành chính thức nếu như ông Mahathir nhận được đủ sự ủng hộ tại hạ viện.
Với quyết định từ chức thủ tướng, ông Mahathir đã chọn cách loại bỏ đối thủ của mình bằng con đường pháp lý để tránh được sự gièm pha. Mấu chốt của vấn đề có lẽ nằm ở chỗ ông Mahathir cần có thời gian hơn 2 năm để có thể thực hiện các mong muốn của mình, đặc biệt hiện nay là vấn đề kinh tế. Bởi vậy, ông Mahathir đang tạo được một tình thế mới mà ở đó ông tin rằng có cơ hội duy trì quyền lực cao hơn.
Ông Mahathir khi tuyên bố rời khỏi Bersatu đã tính đến kịch bản về một chính phủ đoàn kết. Ở đó, ông toàn quyền được lựa chọn những nhân vật mà ông mong muốn. Theo các nguồn tin, ông Mahathir có thể lựa chọn các nghị sĩ cả ở UMNO cũng như các đảng đối lập khác, miễn là phù hợp với mong muốn của ông, kể cả các nhà kỹ trị. Điều này sẽ giúp chính phủ mới hoạt động tốt hơn, nhất là khi so với các bộ trưởng trong chính phủ của PH, nhiều người được bổ nhiệm theo “hạn ngạch” giữa các đảng phái và nhiều nhân vật đã có những màn “thể hiện tồi”, theo đánh giá của cử tri và các tổ chức thăm dò dư luận.
Một mặt, việc thành lập chính phủ đoàn kết giúp ông Mahathir không còn phải vướng bận đến đối thủ, mặt khác giúp ông có được một chính phủ “thiện chiến” hơn để có thể thực hiện tốt hơn những cải cách của mình, nhất là vấn đề kinh tế. Việc tập hợp các nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái khác nhau (mà không phải là liên minh với các đảng phái này) sẽ giúp nhà lãnh đạo Mahathir giải quyết được những vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, từ kinh tế cho đến tôn giáo, sắc tộc, tạo cho ông vị thế là một người đặt lợi ích quốc gia và người dân lên trên hết.
Câu hỏi đặt ra là liệu các nghị sĩ, đứng sau họ là các lãnh đạo đảng, có dễ dàng đồng ý với ý tưởng của ông Mahathir hay không, và ông sẽ chọn lựa những nghị sĩ thuộc các đảng phái nào cho nội các và chính phủ lâm thời. DAP và UMNO là những đối thủ "không đội trời chung" khi một bên có chủ trương dành ưu tiên cao nhất cho người bản địa, một bên luôn đấu tranh vì một Malaysia công bằng, nơi người nhập cư, trong đó có người gốc Hoa, được đối xử bình đẳng. Đó là chưa kể các nghị sĩ có đủ quyền quyết định tham gia chính phủ của ông Mahathir hay không nếu như lãnh đạo đảng của họ không đồng tình.
Khả năng ông Mahathir, hiện nắm quyền thành lập chính phủ lâm thời, đạt được ý nguyện thành lập một chính phủ đoàn kết, vẫn còn bỏ ngỏ. Ông phải chờ đợi những diễn biến mới nhất trên chính trường, cụ thể là phản ứng của các đảng phái khác và các diễn biến khó lường khác. Có khả năng các phe phái, bao gồm phe của ông Mahathir, sẽ dàn xếp và nhanh chóng có được một thủ tướng và một chính phủ mới chính thức trước khi ông tìm được đủ các thành viên cho một chính phủ lâm thời còn đang trên giấy.
Đầu tiên là PKR, DAP và Amanah, từng kiên định ủng hộ ông Mahathir trước khi toàn bộ các nghị sĩ yết kiến Quốc vương, song sau đó các đảng này đã thay đổi quyết định. Chiều 26/2, PH đã ra thông báo rằng liên minh này nhất trí đề cử ông Anwar làm thủ tướng. PH (hiện còn 92 ghế) tin rằng sẽ có đủ số ghế tối thiểu (112) tại hạ viện để giành quyền thành lập chính phủ. Có thông tin một số đảng phái nhỏ đã ủng hộ PH và hiện phe của ông Anwar được cho đang có lợi thế hơn so với các phe phái còn lại.
Hiện UMNO và PAS cũng như một số đảng nhỏ ủng hộ hai đảng này đã chính thức tuyên bố rút khỏi “liên minh” với Bersatu và không ủng hộ ông Mahathir. Trong khi đó, đảng Bersatu (26 ghế nghị sĩ), 11 nghị sĩ "đào tẩu" từ PKR, đảng đại diện cho bang Sabah và Sarawak (tổng cộng số ghế còn ít hơn của phe ông Anwar), vẫn kiên định ủng hộ ông Mahathir. Cho dù như vậy, ông Mahathir hiện nay rõ ràng là đang yếu thế hơn xét về mặt “con số” trong nỗ lực thành lập một chính phủ chính thức. Tình thế hiện vẫn chưa ngã ngũ.
Trong bối cảnh hiện nay, người dân Malaysia rất mong muốn một sự đổi mới thật sự, có thể giúp Malaysia trước mắt là vượt qua những khó khăn về kinh tế và xa hơn là phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, đây là điều không dễ trở thành hiện thực, bởi tại Malaysia, vấn đề sắc tộc, tôn giáo đã và đang ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị - xã hội đất nước. Trong nhiều thập niên qua, "con bài" sắc tộc, tôn giáo luôn được các chính trị gia sử dụng để lấy phiếu bầu của cử tri.
Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc 32 triệu dân với hơn 50% là người Mã Lai bản địa, cũng đồng thời là các tín đồ Hồi giáo, phần còn lại là người gốc Hoa, gốc Ấn và các sắc tộc khác. Cộng đồng người gốc Hoa có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Malaysia, có thời điểm đóng góp đến hơn 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dù chỉ chiếm chưa đầy 30% dân số. Song họ lại bị coi là “công dân hạng hai”, con em người gốc Hoa không được bình đẳng cạnh tranh các suất vào đại học.
Về chính trị, Hiến pháp Malaysia quy định, chức thủ tướng chỉ dành cho người bản địa. Đây là một nguyên nhân khiến xã hội Malaysia chia rẽ và luôn bị các chính trị gia lợi dụng. Điều đó cũng dẫn tới tình trạng, như chính lời ông Mahathir, rằng “người dân bản địa ít chịu phấn đấu mà chỉ trông chờ vào các chính sách ưu tiên của chính phủ”. Bởi vậy, người bản địa sẽ chỉ bỏ phiếu cho những đảng phái mang lại quyền lợi cho họ, và thiếu sự ủng hộ của họ thì khó có thể thắng cử. Vì vậy, các chính đảng đã không ngừng tìm cách lợi dụng và "chiều theo" xu hướng này.
Đặc điểm này, cùng với sự bất mãn của người gốc Hoa và các cộng đồng nhập cư khác, chính là nguyên nhân sâu xa cho những biến động chính trị tại Malaysia. Và điều này thì chưa biết bao giờ mới có thể thay đổi. Nghĩa là, chính trường Malaysia sẽ tiếp tục vận hành dựa trên những đặc điểm này.