Hội chợ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, khi nhiều người cố tìm cách lọt vào khu triển lãm Versailles ở quận 15 Paris để được gặp Tổng thống Emmanuel Macron. Bên trong khu triển lãm, hàng trăm người biểu tình la ó, huýt sáo đòi chất vấn tổng thống.
Cuộc khủng hoảng nông nghiệp bắt đầu từ mùa Thu 2023 và thực sự bùng nổ từ vài tuần nay. Nhiều hoạt động biểu tình của những người nông dân với "vũ khí" truyền thống là phân bón, trứng thối và cà chua ủng, cùng các vụ phong tỏa nhiều trục đường quốc lộ bằng xe tải, máy kéo, máy nông nghiệp. Không chỉ Pháp, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một cuộc làn sóng phản đối chưa từng có của những người nông dân. Từ Bỉ, Đức, rồi cả Hà Lan, Ba Lan, Romania, Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp..., nông dân xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ.
Tại sao người nông dân châu Âu tức giận đến như vậy? Đóng góp chưa đến 2% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, song ngành nông nghiệp được nhận nhiều ưu đãi đặc quyền nhất, với gần 30% ngân sách của EU dành cho các khoản trợ cấp thông qua Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) nhằm hỗ trợ người nông dân tăng thu nhập và khả năng cạnh tranh của nông sản tại thị trường nội địa và nước ngoài, đồng thời đảm bảo an ninh và chủ quyền lương thực của châu lục.
Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, nền nông nghiệp châu Âu đang chứng kiến sự tuột dốc. Cuộc sống của một nông dân đã trở nên "không thể chịu đựng được". Một tầng lớp luôn được đề cao đang cảm thấy địa vị của mình bị suy giảm.
Sự suy thoái của nền nông nghiệp châu Âu thể hiện rõ ở chỗ nông nghiệp đã bị các lĩnh vực khác đẩy sang bên lề, giống như nền kinh tế châu Âu đã bị các đối thủ địa chính trị khác vượt mặt. Tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu đã giảm hơn 30% kể từ năm 1995; tỷ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế cũng giảm theo tỷ lệ tương tự.
Sản xuất lương thực, thực phẩm năm ngoái chỉ chiếm 1,4% GDP của EU, ít hơn cả doanh thu từ dịch vụ kho bãi và vận chuyển các gói hàng của Amazon. Giống như châu Âu nói chung, một lục địa không có những "gã khổng lồ" công nghệ, nền nông nghiệp châu Âu đã không thích ứng được với thời đại. Thống trị lĩnh vực này vẫn là các trang trại gia đình duy trì phương thức sản xuất truyền thống. Gần 2/3 số trang trại có diện tích dưới 5 ha. Nhân lực đang cạn kiệt và 30% số chủ trang trại đã trên 65 tuổi. Trong thế giới của TikTok và ChatGPT, không có khoản trợ cấp nào đủ hấp dẫn để một thanh niên 20 tuổi gắn bó với công việc đòi hỏi họ phải thức dậy lúc bình minh 6 ngày/tuần và vục mặt vào công việc đồng áng đến tận tối mịt.
Dịch bệnh, chiến tranh, rồi biến đổi khí hậu và cả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đang khiến nông nghiệp châu Âu chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn đến vậy. Đó là chưa kể quá trình toàn cầu hóa thương mại với sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Đối mặt với một thế giới có quá nhiều thay đổi, dường như nông nghiệp và nông dân châu Âu lúng túng trước các sức mạnh của thời đại, khi họ cảm nhận được hai cường quốc châu Á và các đối tác khác đang lướt qua với tốc độ tối đa.
Trong khi đó, như giọt nước tràn ly, các quy tắc xanh do EU ban hành nhằm hiện thực hóa mục tiêu khí hậu và môi trường lại đòi hỏi nông dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn quá cao, từ việc để đất nghỉ sau thu hoạch, đến quy định về kích thước chuồng gà hay cách duy trì hàng rào trang trại. Theo những người biểu tình, những tấm séc trợ cấp đến từ EU đều đi kèm với một chồng các biểu mẫu cần điền khiến họ mất quá nhiều thời gian và sức lực, trong khi hàng hóa thì không bán nổi do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Chính việc ký các FTA cho phép nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia xa xôi, nơi ít các tiêu chuẩn về môi trường và dễ dãi hơn đã ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân châu Âu. Trong khi người nông dân các nước EU phải chi trả nhiều tiền cho năng lượng và phân bón giá cao do chiến tranh ở Ukraine, thì các trang trại rộng lớn của nước này lại có thể bán ngũ cốc và thực phẩm khác với giá rẻ trên khắp EU mà không phải chịu thuế hải quan. Chi phí sản xuất tăng song năng suất và giá nông sản không tăng tương ứng đẩy hàng nghìn nông dân và trang trại ở EU tới nguy cơ phá sản.
Theo những người nông dân, không ít nhà hoạch định chính sách và chính trị gia chỉ biết đến gia súc và gia cầm khi ăn thịt chúng trong những nhà hàng sang trọng, hoặc đến thăm vùng nông thôn chỉ đủ lâu để chụp ảnh với một con bò. Vai trò của nông nghiệp và nông thôn đang bị xem nhẹ.
Tất cả điều này đã dẫn đến hành động của những đám đông nông dân tràn đến các cơ quan của EU ở Brussels và phản ứng theo một truyền thống lâu đời bằng phân bón, trứng thối hay cà chua ủng, hoặc ngồi trên những chiếc máy kéo đậu cả tuần trên các trục đường từ vài tuần nay.
Làn sóng phản đối của những người nông dân ít nhất đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Chính quyền cũng đã có một số biện pháp. Kế hoạch tăng thuế đối với nhiên liệu do nông dân sử dụng đã bị đình chỉ ở Pháp và trì hoãn ở Đức. Một thỏa thuận thương mại giữa EU và Nam Mỹ sau hai thập niên đàm phán đã tạm bị đình chỉ. Những nhượng bộ đối với Ukraine, vốn khiến nông dân ở các nước láng giềng như Ba Lan và Romania đặc biệt tức giận, đã được điều chỉnh.
Ủy ban châu Âu (EC) đã rút lại đề xuất về mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vào năm 2030. Trong thông báo về các mục tiêu khí hậu đến năm 2040, EC tránh xác định mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp. EC cũng xem xét lại một trong những quy định bị chỉ trích nhiều nhất, là việc áp đặt nghĩa vụ bỏ hoang 4% diện tích đất của mỗi người để khuyến khích phát triển đa dạng sinh học, theo hướng đề xuất miễn trừ, cho phép nông dân trồng các loại cây trồng có tác động môi trường thấp hơn trên phần đất lẽ ra vẫn chưa được canh tác. Tuy nhiên, có vẻ những nhượng bộ như vậy chưa giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở EU.
Làn sóng biểu tình của nông dân lan rộng cho thấy thách thức của EU trong việc cân bằng giữa nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về khí hậu, môi trường và bảo đảm lợi ích của nông dân. Những người nông dân tuyên bố muốn lấy lại hình ảnh một nền nông nghiệp vốn có truyền thống được coi trọng từ nhiều đời nay. Về phía EC, tháo gỡ những vướng mắc của nông dân cũng là chủ đề chính của Hội nghị bộ trưởng Nông nghiệp và Nghề cá EU ngày 26/2 tại Brussels. Có lẽ, để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay, các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và người nông dân châu Âu đều cần xác định được vai trò, vị thế và cả trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu.