Ông Blair (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Bush - hai người đã quyết định đưa quân vào Iraq. |
Một mặt thừa nhận Mỹ và Anh có phần trách nhiệm trong mớ hỗn loạn ở Trung Đông, nhưng ông Blair lại “chia sẻ” trách nhiệm đó có một số nhân tố khác: Một là phong trào Mùa xuân Arab bắt đầu từ năm 2011 cũng có ảnh hưởng tới tình hình Iraq hiện nay và hai là IS thực sự trỗi mạnh từ căn cứ ở Syria chứ không phải ở Iraq. Ông Blair thậm chí còn giải thích thêm rằng cho dù chính sách của Mỹ và Anh không hiệu quả ở Iraq thì ông cũng không cho rằng các chính sách sau này sẽ tốt hơn.
Trong cả cuộc phỏng vấn, điều duy nhất mà ông Blair xin lỗi là khi được hỏi: “Khi biết rằng ông Saddam Hussein không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, liệu quyết định đưa quân vào Iraq và lật đổ chính quyền của ông ta có phải là một sai lầm?” Trước câu hỏi thẳng thắn này, ông Blair nói lời xin lỗi mà… như không: “Mỗi khi tôi được hỏi câu này, tôi có thể nói rằng tôi xin lỗi vì thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được là sai lầm. Vì cho dù ông ta có dùng vũ khí hóa học chống người dân thì chương trình vũ khí theo kiểu mà chúng tôi nghĩ đã không hề tồn tại. Vì thế tôi có thể xin lỗi vì điều này. Tôi cũng có thể xin lỗi vì một số sai lầm trong lên kế hoạch và vì sai lầm trong dự liệu điều gì sẽ diễn ra khi lật đổ chính quyền ở Iraq”.
Mặc dù những gì ông Blair nói dường như có vẻ sẽ dẫn tới lời xin lỗi cho cả cuộc chiến Iraq, thế nhưng ông lại không thừa nhận điều này: “Tôi thấy khó mà có thể xin lỗi vì đã lật đổ ông Saddam. Tôi cho rằng ngay cả bây giờ, năm 2015, ông ta không còn tại vị là điều tốt hơn”.
Tựu trung, ông Blair không xin lỗi về vai trò của mình trong cuộc chiến mà chỉ thừa nhận thông tin tình báo sai và không có kế hoạch cho thời kỳ hậu Saddam. Nói cách khác, ông đã xin lỗi cho lỗi lầm của mọi người chứ không phải của ông. Ngoài ra, ông Blair đã không xin lỗi trực tiếp tới gia đình những binh sĩ Anh bị ảnh hưởng, đã không trả lời trên một kênh truyền hình Anh mà lại xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ. Điều quan trọng đáng lưu ý nữa là cuộc phỏng vấn với CNN diễn ra trước thềm công bố kết quả cuộc điều tra Chilcot về cuộc chiến Iraq, nên các chuyên gia cho rằng cuộc phỏng vấn này thấm đẫm động cơ cá nhân của ông Blair. Vì ông Blair, vốn là bậc thầy quản lý truyền thông biết thừa rằng ông sẽ bị cuộc điều tra Chilcot chỉ trích nặng nề về cuộc chiến Iraq, nên ông cho rằng tốt nhất là chủ động xin lỗi để vớt vát phần nào danh dự cho dù bản thân ông không thành tâm với lời xin lỗi.
Hậu quả của lời xin lỗi mà không phải xin lỗi này đã có tác dụng dội ngược. Gia đình các binh sĩ Anh tử trận trong chiến tranh Iraq phản ứng mạnh mẽ khi ông Blair không nhận lỗi hoàn toàn về cuộc chiến. Ông Reg Keys có con trai chết ở Iraq năm 2003 nói: “Người đàn ông này chắc chắn đã sai lầm. 179 binh sĩ Anh đã chết. 3.500 người bị thương. Đó là còn chưa kể tới hàng trăm nghìn người Iraq vô tội mất mạng. Người đàn ông này cần phải giơ tay lên và nói tôi đã sai và tôi xin lỗi”. Không cần phải có chuyên gia, ngay cả những người dân bình thường như ông Reg Keys cũng nhận thấy động cơ của ông Blair: “Tôi cảm thấy ông ta rõ ràng định đón trước kết quả cuộc điều tra về chiến tranh Iraq. Đó là màn chỉ ngón tay đổ lỗi. Ông ta đổ lỗi cho người phụ trách tình báo. Ông ta không xin lỗi vì đã lật đổ ông Saddam”.
Còn với báo chí Anh, ông Blair trở thành tâm điểm chỉ trích khi đồng loạt mọi tờ báo đều phản ứng tiêu cực với cái gọi là lời xin lỗi. Trên tờ Sun, phóng viên Trevor Kavanagh nói: “Ông Blair đã bác bỏ mọi tội lỗi cho thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ này”. Trên tờ Daily Mail, phóng viên Michael Burleigh ví lời bình luận của ông Blair là “màn kịch bọc trong lời thú tội”.
Làm thủ tướng Anh từ năm 1997 đến 2007, ông Blair từ khi tại nhiệm cho tới khi rời nhiệm sở đã hứng chịu chỉ trích nặng về vì đã cùng với Tổng thống Mỹ bấy giờ George W. Bush góp phần lật đổ nhà lãnh đạo Iraq. Chỉ trong vòng 6 tháng khi quân Anh đặt chân lên Iraq, đặc nhiệm tuyệt mật Anh đã được đưa vào ngoại ô phía tây của Baghdad để tấn công các phiến quân chiếm đóng thành phố Ramadi. Lúc đó, các phiến quân mới chỉ là một nhóm tay súng nước ngoài và Iraq bất mãn với cuộc xâm lược nhưng dần dần tổ chức thành al-Qaeda ở Iraq, Nhà nước Hồi giáo Iraq và giữa năm 2013 biến thành IS. Trong suốt quá trình lột xác, sự thù hận của IS luôn nhất quán. Trung tâm của sự thù hận chính là niềm tin rằng cuộc xâm lược của Anh và Mỹ đã phá hủy trật tự khu vực, lật đổ chính quyền của người Sunni và dọn đường cho phái Shiite lên nắm quyền.
Có lẽ ông Blair đã nhận được sự cảm thông của dư luận nếu như ngày 25/10, ông đã dũng cảm thẳng thắn thừa nhận sai lầm, thay vì một lời xin lỗi hời hợt, chiếu lệ như vậy. Và giờ đây, dư luận cũng đang chờ một lời xin lỗi từ cựu Tổng thống Bush, nhưng không phải là một lời xin lỗi lấy được.