Những kẻ đầu cơ thường xuyên xuất hiện tại nhà máy, mang theo những va li chất đầy tiền để đặt trước hàng triệu khẩu trang vừa rời dây chuyền sản xuất. Những người buôn máy thở bận rộn với những thùng hàng.
Theo tờ SCMP, đại dịch COVID-19 đã khiến thiết bị y tế trở thành mặt hàng được săn đón nhất năm nay. Các công ty Trung Quốc ồ ạt tham gia sản xuất khẩu trang, máy thở, máy đo thân nhiệt, găng tay, giường bệnh, bộ xét nghiệp, bộ đồ bảo hộ, nước sát khuẩn tay, kính bảo hộ…
Lượng tiền mà người ta đổ vào ngành sản xuất thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 là một con số khổng lồ và ngày càng tăng.
Ông Fabien Gaussorgues, đồng sáng lập công ty thanh tra quản lý chất lượng Sofeast ở Thâm Quyến, nhận xét: “Không có luật lệ gì cả, quy định mỗi ngày một khác… Người ta không chọn cẩn trọng, người ta không có thời gian”. Dù ông Gaussorgues đã kiểm tra các sản phẩm ở Trung Quốc cả chục năm qua nhưng vẫn chưa từng chứng kiến tình hình nào như hiện nay.
Ngày 4/4, một bang ở Mỹ đang trong quá trình mua máy thở từ một nhà máy ở Trung Quốc. Người bán đòi trả hết tiền trước – thông lệ xuất hiện trong đại dịch COVID-19.
Do không biết Trung Quốc đang nghỉ lễ Thanh Minh hoặc có thể không biết thị trường biến động nhanh thế nào, văn phòng chịu trách nhiệm mua máy thở đã chuyển số tiền tám con số vào ngày thứ sáu, khi các ngân hàng đóng cửa nghỉ lễ. Mãi tới thứ ba, số tiền mới tới nơi. Tại thời điểm đó, số máy thở trên đã được bán cho người khác.
Ben Kostrzewa, luật sư thương mại tại công ty Hogan Lovells ở Hong Kong (Trung Quốc), nói: “Nếu bạn chờ thêm 24 giờ hoặc chờ vài ngày cho thận trọng hoặc tới nhà máy để lấy mẫu thì số hàng đã bán từ đời nào rồi. Người trung gian đã chuyển cho nhà cung cấp khác. Bạn phải bắt đầu tìm mua từ đầu”.
Tình hình này đã tạo ra một thị trường mà người bán là thượng đế. Mỗi ngày lại có thêm nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế. Một số nhà sản xuất còn đòi đặt cọc ngay cả khi khách mua định tới nhà máy xem mẫu hoặc xem giấy phép sản xuất.
Chính quyền trung ương và địa phương toàn cầu đang lùng sục mọi nơi để tìm mua thiết bị y tế nhằm kiềm chế dịch bệnh. Đôi khi họ thuê tư vấn và yêu cầu tư vấn tìm mua thiết bị y tế ở bất kỳ đâu trừ Trung Quốc. Nguyên nhân một phần là do chất lượng kém, một phần là do cân nhắc địa chiến lược.
Khi một số nguồn thay thế như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan đều hạn chế xuất khẩu những sản phẩm này thì Trung Quốc thường là lựa chọn duy nhất nhờ năng lực lớn trong sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân.
Trên .000 công ty mới đã đăng ký bán hoặc sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc từ đầu năm 2020. Trong khi đó, cả năm 2019 chỉ có 8.594 công ty mới.
Con số trên ngày càng tăng khi đơn hàng xuất khẩu ở các lĩnh vực khác cạn kiệt do lệnh phong tỏa ở nước ngoài. Giờ đây, các nhà máy từng sản xuất bóng golf, bút máy, phụ tùng ô tô đều nhảy vào sản xuất khẩu trang vì mặt hàng này làm nhanh, dễ và có thể có lãi chỉ trong hai tuần sản xuất.
Quy mô làn sóng này có thể nhìn thấy qua tăng trưởng cấp số nhân của nhà máy bao bì Foshan Hosng, một nhà sản xuất bao bì thực phẩm ở Quảng Đông. Nhà máy này mới làm khẩu trang từ ngày 26/2 và giờ đã có 50 dây chuyền sản xuất hoạt động hết công suất.
Giám đốc nhà máy cho biết: “Hiện tại nhu cầu thị trường rất lớn. Chúng tôi sản xuất hết công suất và không thể nhận đơn hàng mới tới đầu tháng 5”.
Làn sóng ồ ạt sản xuất thiết bị y tế đã khiến chất lượng sản phẩm giảm. Trung Quốc đã bị phản ứng nghiêm trọng ở nước ngoài, buộc phải thắt chặt quy định xuất khẩu. Quy định bị siết lại lại khiến vô số kẻ lừa đảo xuất hiện để kiếm tiền chớp nhoáng.
Chỉ trong một ngày tháng 3, ông Dan Harris, sáng lập viên công ty luật Harris Bricken đã nói chuyện với ba khách hàng mất 1 triệu USD tiền mua khẩu trang.
Trong đó, có một doanh nhân Mỹ cho một nhà cung cấp dệt may Trung Quốc vay trước 1 triệu USD. Công ty này muốn sản xuất khẩu trang nhưng không có vốn. Công ty sau đó đã biến mất với số tiền, khiến doanh nhân Mỹ ngậm đắng nuốt cay.
Trong một vụ khác, một người mua đặt đơn hàng 1 triệu USD khẩu trang nhưng lại nhận được mặt nạ Halloween bẩn thỉu.
Với cả những người quen làm ăn ở Trung Quốc, họ cũng không thể lường trước khó khăn trong ba tháng qua. Ông David Sun điều hành công ty logistics ở Yiwu và bắt đầu dùng giấy phép xuất khẩu để bán thiết bị y tế sau khi dịch bùng phát hồi tháng 2.
Vào tháng 3, ông tìm cách tới thăm một nhà máy ở Thượng Hải để mua khẩu trang N95 được phép bán ở Mỹ nhưng bị cảnh sát chặn vì nghĩ ông là người đầu cơ. Ông đã tìm được một tay trung gian hứa giúp lấy khẩu trang. Đơn hàng tối thiểu là 1 triệu chiếc với giá 13 nhân dân tệ/chiếc. Sau khi ông Sun đồng ý, chỉ trong 5 giờ, giá đã tăng lên 15 nhân dân tệ.
Với người mua nước ngoài, giá khẩu trang y tế đã tăng từ 30 xu Mỹ lên 70 xu. Giá găng tay tăng gấp đôi. Người bán không thèm nói chuyện nếu khách đặt dưới 100.000 chiếc.
Ông Sun nói: “Ở Trung Quốc bây giờ, máy làm khẩu trang như máy in tiền. Nhiều nhà máy đã sản xuất trong khi chờ có giấy phép”.
Giá máy thở AeonMed sản xuất tại Trung Quốc tăng từ 10.000 USD cách đây vài tuần lên 75.000 USD.
Khác với khẩu trang, máy thở công nghệ cao không thể sản xuất hàng loạt, có nghĩa là nhu cầu với loại máy này rất lớn.
Ông Yuan Xuemeng, Tổng giám đốc nhà sản xuất máy thở Trung Quốc Shandong Penghao đã ngừng nhận đơn hàng vì các đơn hiện tại phải đến cuối tháng 7 mới hoàn thành.
Nhiều người biết rõ về thị trường Trung Quốc cho biết thương lái trung gian đã đẩy giá lên cao. Hàng nghìn kẻ trục lợi đang tìm cách kiếm tiền nhanh, người mua nước ngoài lại không hiểu cách làm ăn ở Trung Quốc và kết quả là họ bị lừa nặng.