Lệnh phong tỏa kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người, không trừ một ai. Nhưng một điều chắc chắn rằng nguy cơ mắc bệnh hay mức độ tác động của lệnh phong tỏa đến cuộc sống các tầng lớp cư dân là rất khác nhau. Nghèo khó và mức độ rủi ro nhiễm virus luôn là "bạn đồng hành". Điều này được bộc lộ rất rõ tại châu Âu những ngày này.
Những người vô gia cư
Mặc dù chính quyền thành phố London (Anh) và các tổ chức từ thiện đã chi 10,5 triệu bảng để giúp trả tiền thuê chỗ ở cho những người vô gia cư, nhưng hiện vẫn còn khoảng 900 người vô gia cư tại London không có chỗ ngủ trong nhà, điều này đồng nghĩa họ không thể thực hiện được hướng dẫn mà chính phủ khuyến cáo người dân trong mùa dịch bệnh. Những người ngủ trên đường phố là nhóm đối tượng được cho có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn vì rất nhiều người có bệnh nền. Những người này cũng sẽ không thể "tự cách ly tại nhà" như khuyến cáo nếu như họ có triệu chứng mắc bệnh.
Kalpana Sabapathy, một bác sĩ gia đình kiêm bác sĩ dịch tễ học, cho biết tình trạng suy dinh dưỡng cùng với một số yếu tố khác sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, trong khi nhiều người vô gia cư mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch và thậm chí HIV, viêm phổi... Những người vô gia cư ở London thường ngủ ở vỉa hè, hiên các tòa nhà, trong ga tàu điện ngầm, bến tàu, xe, và sử dụng các nhà tắm, vệ sinh ở các khu công cộng. Từ khi có lệnh phong tỏa, họ rất khó tìm được những chỗ như vậy, kết quả là hồi đầu tháng Tư vừa qua có tới 200 người vô gia cư đổ về tá túc tại sân bay quốc tế Heathrow.
Ông Paul Atherton, một người vô gia cư thường ngủ tại khu terminal 5 kể vì ông có bệnh nền nên ở tại sân bay sẽ an toàn hơn, nếu bị làm sao thì sẽ có người thấy mà giúp. Sự việc đã khiến lãnh đạo sân bay Heathrow phải phối hợp với các tổ chức hội đồng địa phương, các tổ chức từ thiện giúp những người vô gia cư có một chỗ ở tạm trong những ngày này.
Tại Italy, tổ chức liên đoàn những người vô gia cư đã gửi thư lên Bộ Nội vụ phản kháng việc họ bị cảnh sát phạt tội ngủ ngoài đường, cho rằng "họ, những người vô gia cư, không thể ở nhà vì họ không có nhà". Người phát ngôn của liên đoàn những người vô gia cư Michele Ferraris chỉ trích việc phạt tiền người vô gia cư, cho rằng "phạt tiền, họ làm gì có tiền để trả, và vì vậy họ sẽ phải ra tòa. Họ lang thang trên phố không phải vì vui".
Mauro Striano, nhân viên chính sách của tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người vô gia cư có trụ sở tại Brussel (European Federation of National Associations Working with the Homeless) cho biết bình thường ở Bỉ không có người bị đói vì sẽ có những chỗ ăn miễn phí, nhưng bây giờ đó là vấn đề đối với người vô gia cư. Tại Pháp cũng vậy, Laura Slimani, nhân viên tổ chức Federation of Solidarity Actors chia sẻ việc phát thực phẩm miễn phí tại Paris vấp phải khó khăn do các nhân viên xã hội làm việc tại các địa điểm phân phát này không có đủ khẩu trang, găng tay... để làm việc, dẫn đến một số cơ sở phải đóng cửa, và người nghèo không tìm ra được chỗ để nhận thức ăn miễn phí như khi bình thường không có dịch. Các nhân viên xã hội tại Praha (CH Séc) buộc phải tự khâu lại khẩu trang, găng tay do thiếu các đồ dùng để bảo vệ khi làm việc.
Đại dịch COVID-19 tấn công châu Âu trong bối cảnh số người vô gia cư tại châu lục này tăng lên đáng kể so với 10 năm trước. Hiện ước tính có khoảng 700.000 người vô gia cư tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh, tăng 70% so với cách đây 1 thập niên và con số này vẫn tiếp tục gia tăng ở khắp các nước (trừ Phần Lan). Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề việc làm và các quyền xã hội Nicolas Schmit cho rằng chính sách "thắt lưng buộc bụng" của châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 đã thất bại. Theo ông, chính sách tiết kiệm đã gây ra nhiều vấn đề xã hội, để lại nhiều vết thương xã hội trong lòng EU. Ông phê phán ý tưởng cắt giảm phúc lợi nhà nước, cắt giảm chi tiêu công, hay để giá nhà cho thị trường quyết định ... khiến xã hội trở nên như ngày nay.
Bà Ruth Owen, Phó giám đốc European Federation of National Associations Working with the Homeless, đánh giá cao một số động thái tích cực diễn ra gần đây tại các thành phố London, Paris, Praha, Barcelona. khi những người vô gia cư đã được sắp xếp để ngủ tạm tại khách sạn, nhà trọ trong thời kỳ dịch bệnh này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ làm sao để có thể biết mà chia tách được người khỏe mạnh và người bị nhiễm mà không thể hiện triệu chứng. Như tại Bỉ, những người này chỉ được phân chia cách ly nếu bị ho. Bởi vậy, bà Owen cho rằng tất cả những người vô gia cư cần được xét nghiệm vì họ là nhóm người dễ bị tổn thương, mắc bệnh.
Hàng triệu người bị đói
Theo tổ chức Food Foundation, trong vòng 3 tuần lễ phong tỏa, nước Anh có tới 1,5 triệu người bị đói do không thể đi mua thực phẩm vì trong diện tự cách ly tại nhà, không thể đến được những chỗ phát đồ ăn miễn phí do nhiều nơi đóng cửa hoặc không có tiền mua thực phẩm. Khoảng 3 triệu người đã phải giảm bớt bữa ăn trong ngày. Hơn 1 triệu người được cho là đã mất việc làm do đại dịch, trong đó khoảng 300.000 người tin rằng họ không đủ tiêu chuẩn để được hưởng hỗ trợ của chính phủ. Nhiều tổ chức từ thiện chuyên cấp phát thực phẩm miễn phí thông báo số người đến các trung tâm của họ tăng cao đột biến.
Sabine Goodwin, điều phối viên tổ chức từ thiện Independent Food Aid Network, bày tỏ lo ngại chính phủ đã quá chậm đưa ra các biện pháp ứng phó với tình cảnh thiếu ăn của người nghèo và nếu không xử lý kịp thời thì vấn đề sẽ "không kiểm soát nổi". Chẳng hạn như tại thành phố Liverpool, số người khẩn cấp xin trợ giúp của hội đồng địa phương tăng 150% trong những ngày này, đó là những người không có thực phẩm, hoặc không có tiền để trả tiền điện kể từ khi có lệnh phong tỏa. Chính quyền thành phố đã nhanh chóng phát triển mạng lưới cấp phát thực phẩm từ thiện để giúp đỡ người nghèo tại đây. Tuy nhiên, Goodwin cho rằng nếu chỉ mỗi chính quyền địa phương hỗ trợ thì không xuể, nên rất cần sự trợ giúp từ chính phủ trong lúc này.
Đặc biệt, cuộc sống nhiều lao động nhập cư thêm khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng vì bị sa thải và không đủ điều kiện hưởng trợ cấp của chính phủ. Nhiều lao động nước ngoài đã bị mất việc, không có thu nhập. Đa phần họ là những lao động nhập cư tạm thời đến từ ngoài Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) - gồm EU, Na Uy, Iceland và Liechtenstein - những người có visa sang làm việc nhưng kèm theo quy định không được nhận tiền từ quỹ công như nhận tiền trợ cấp nếu như họ bị mất việc. Không ít trường hợp người lao động làm việc nhưng không có hợp đồng lao động, như ông William Briones, 52 tuổi, người Tây Ban Nha gốc Ecuador, làm việc tại công ty thực phẩm, khi dịch COVID-19 xảy ra, công ty buộc phải đóng cửa, ông bị mất việc. Đây chỉ là một trong số 2 triệu người làm việc trong nền kinh tế phi chính quy của Anh, những người không đủ tiêu chuẩn được nhận tiền từ quỹ hỗ trợ của Chính phủ Anh.
Gia tăng bất bình đẳng
Tại Tây Ban Nha, theo số liệu của chính quyền vùng Catalonia, tỷ lệ lây nhiễm bệnh của tầng lớp người lao động chiếm 533/ 100.000 người tại Roquetes, trong khi tỷ lệ này tại khu vực giàu có Sant Gervasi chỉ là 77/100.000. Tỷ lệ cao tương tự ghi nhận tại các thành phố vệ tinh El Prat de Llobregat với 604 và Barcelona.
Bác sĩ đa khoa Nani Vall-llosera tại Bon Pastor, một vùng ngoại ô nghèo của Barcelona, cho biết rất nhiều người trong số những lao động thu nhập thấp có nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà đã chứng kiến nhiều người làm việc tại siêu thị, nhà dưỡng lão, lao công quét dọn lao động trong điều kiện không có khẩu trang. Nếu bị lây nhiễm, khi về nhà, họ lại lây tiếp cho những người sống cùng bởi nhóm người này ở trong các căn hộ quá chật chội, nên việc tự cách ly là vô cùng khó. Bác sĩ Nani Vall-llosera lưu ý nghèo khó và sức khỏe yếu luôn gắn với nhau - càng nghèo thì khả năng có các vấn đề về sức khỏe càng cao hơn.
Giống nhiều đồng nghiệp khác, bác sĩ Vall-llosera cũng cho rằng khả năng phản ứng của hệ thống y tế Tây Ban Nha bị suy yếu bởi chính sách cắt giảm ngân sách cho ngành y tế trong nhiều năm, đặc biệt đối với các vùng tại Madrid và Catalonia. Thực tế cho thấy những vùng ít bị cắt giảm ngân sách hơn thì xử lý dịch bệnh hiện nay tốt hơn.
Chuyên gia Manuel Franco, Giáo sư dịch tễ học và y tế công tại trường đại học Alcalá (Madrid, Tây Ban Nha) và trường y tế công Johns Hopkins nhấn mạnh bất bình đẳng thu nhập, giới tính, giáo dục và nguồn gốc dân nhập cư đang là vấn đề nổi lên trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn. Lệnh phong tỏa khiến nhiều người buộc phải ở nhà, không đi làm càng khiến vấn đề bất bình đẳng thu nhập bộc lộ rõ hơn. Khi ở nhà, mọi người cần sử dụng hệ thống sưởi ấm, phải giúp con cái học tại nhà, có nghĩa máy tính, bàn phím, điện thoại thông minh là cần thiết để sử dụng cho các lớp học từ xa, cũng như cần hệ thống Internet tốt. Đối với người thu nhập thấp, để tiếp cận những điều kiện như vậy cũng hết sức khó khăn, và khoảng cách giàu nghèo lại bị khoét sâu thêm do đại dịch.
Ông Franco cho biết các chính phủ châu Âu đang nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế của khủng hoảng y tế và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, nhưng những bất bình đẳng mang tính cấu trúc vẫn đang tồn tại và trở nên xấu hơn. Đó sẽ là thách thức của các quốc gia châu Âu kể cả trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành hiện nay cũng như giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.