Sự tham gia của nguyên thủ nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới tại sự kiện năm nay, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã 3 năm liên tiếp có mặt tại EEF, phần nào khẳng định sức hút của một diễn đàn được thành lập cách đây 4 năm trong nỗ lực của Moskva thoát khỏi các biện pháp trừng phạt, cô lập của phương Tây.
Thành công của EEF thể hiện trên nhiều yếu tố. Trải qua 4 kỳ diễn đàn, số lượng thành viên tham gia, các hợp đồng được ký kết cũng như giá trị các hợp đồng này đều tăng lên mỗi năm. Trong lần đầu tiên tổ chức, khi Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc mà phương Tây áp đặt từ năm 2014, hơn 80 thoả thuận hợp tác được ký kết với trị giá lên tới khoảng 1.300 tỷ rúp (gần 20 tỷ USD). Chỉ sau 2 năm, đến EEF 2017, con số thỏa thuận được ký là 217 với tổng trị giá 2.496 tỷ ruble (hơn 35 tỷ USD)
Quy mô và tầm ảnh hưởng của EEF cũng không ngừng gia tăng, không chỉ tập trung vào thương mại và đầu tư, EEF đang trở thành diễn đàn quốc tế quan trọng để đối thoại và hợp tác giữa các nước trong khu vực. Tại EEF năm nay diễn ra 7 phiên đối thoại kinh doanh giữa Nga với các đối tác chủ chốt, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Đông và châu Âu. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy vị thế của EEF đã được nâng cao đáng kể.
Diễn đàn này cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho Tổng thống Nga Putin lần lượt gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao các nước để thảo luận các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm. EEF năm nay ghi dấu ấn bằng các cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga với lãnh đạo một loạt nước Đông Bắc Á, khu vực về mặt chiến lược là trung tâm kinh tế, địa chính trị của cả châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này hiện diện những lợi ích của các nước lớn bao gồm Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang “khát” nguồn năng lượng và các thị trường mới, trong khi Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và môi trường đầu tư thuận lợi ở Viễn Đông, Nhật Bản và Hàn Quốc – những nền sản xuất công nghệ cao với những khoản tài chính đáng kể.
Trong những năm qua, những nước Đông Bắc Á cũng chứng tỏ có động lực tăng trưởng ổn định và tiềm năng hợp tác “không giới hạn” trên nhiều lĩnh vực. Hơn thế nữa, đây còn là nơi lãnh đạo các nước có thể trao đổi giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương, với những thỏa thuận quan trọng đạt được trong các cuộc gặp giữa Tổng thống Nga với Thủ tướng Nhật Bản hay giữa Chủ tịch Trung Quốc với Thủ tướng Nhật Bản trong EEP lần này
Song song với đó, EEF tạo ra diễn đàn lớn cho các lãnh đạo thảo luận trực tiếp và kịp thời những vấn đề thời sự khu vực, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, an ninh và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương...
Khi được thành lập năm 2015, EEF có vai trò như một "sân chơi" để Nga thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên thiên nhiên song chưa được khai thác, tìm kiếm các đối tác mới nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông, góp phần thoát sự cô lập của phương Tây. Với những kết quả cụ thể mà EEF mang lại, có thể nói Nga đã đạt được mục tiêu đề ra.
Ưu tiên trong chính sách của Nga hiện nay là đưa vùng Viễn Đông trở thành trung tâm kinh tế-xã hội bởi đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như có vị thế về địa lý kinh tế với diện tích chiếm 36% nước Nga, 27% dự trữ khí đốt, 17% trữ lượng dầu mỏ ở châu Á-Thái Bình Dương. Hoạt động thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông được xem như chất xúc tác để Nga mở rộng quan hệ với các nước, khai thác những tiềm năng hợp tác còn tiềm ẩn. Không phải ngẫu nhiên mà sau EEF-2017, Viễn Đông vươn lên hàng đầu trong số các vùng liên bang của Nga về mức tăng vốn đầu tư nước ngoài (tăng hơn 17%). Từ EEF, hợp tác kinh tế thương mại giữa các đối tác với Nga nói chung và với vùng Viễn Đông nói riêng tăng mạnh. Chỉ riêng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với vùng Viễn Đông của Nga năm ngoái đã đạt 7,7 tỷ USD. Kim ngạch thương mại giữa Nga với ASEAN năm ngoái cũng tăng 35%, cho thấy tính hiệu quả và thiết thực trong chương trình nghị sự của EEF.
Với nội dung bao trùm qua các kỳ diễn đàn thường niên, EEF cũng ngày càng thể hiện ý nghĩa chính trị rõ rệt và trở thành công cụ bổ trợ đắc lực cho chính sách hướng Đông được Nga công bố năm 2010. Trong bối cảnh chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã đẩy mạnh xoay trục sang châu Á nhằm phá thế cô lập cũng như nâng cao vị thế chính trị ở khu vực. EEF đang được xem là cầu nối gắn kết Nga với các quốc gia, đặc biệt là các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc tăng cường mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Nga, là trọng tâm của chính sách hướng Đông mà Nga theo đuổi. Từ các thỏa thuận hợp tác và đầu tư đạt được qua các kỳ EEF, mối quan hệ giữa Nga với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng được củng cố, đưa EEF trở thành lực đẩy cho chính sách hướng Đông của Nga. Thông qua diễn đàn mang tính quốc tế này, uy tín của Nga cũng được nâng lên, đồng thời vai trò cường quốc của Nga cũng được khẳng định.