Với số ca bệnh COVID-19 đến ngày 18/7 đã vượt quá ngưỡng 2 triệu, Brazil là một trong số ít các địa điểm còn lại trên thế giới để thử nghiệm vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Nơi này cung cấp một môi trường "bất thường và hấp dẫn" cho cuộc đua nghiên cứu vắc-xin toàn cầu: tốc độ lây nhiễm tăng vọt, sự hiện diện của các trung tâm nghiên cứu uy tín quốc tế và một hệ thống y tế công cộng có kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối vắc-xin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 14/7, đã có 163 loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển trên khắp thế giới và 23 trong số đó đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở người. Tuy nhiên, chỉ có hai ứng viên vắc-xin đã đạt đến Giai đoạn 3 - giai đoạn nghiên cứu khoa học cuối cùng trước khi được chấp thuận đưa ra thị trường - đòi hỏi các thử nghiệm quy mô lớn với hàng ngàn cá nhân tham gia để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin.
Cả hai cuộc thử nghiệm ở Giai đoạn 3 sẽ được tiến hành ở cả Brazil và dự kiến có sự tham gia của ít nhất 14.000 người dân nước này. Hiện nay các bên đang tiếp tục đàm phán mở rộng để khởi động thêm 3 cuộc thử nghiệm vắc-xin khác ở Brazil.
Tại sao phải thử nghiệm ở Brazil?
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã nhiều lần coi COVID-19 là một loại “cúm xoàng” và bị các chuyên gia chỉ trích vì không nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch mạnh mẽ trên toàn quốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu vắc-xin hiện đang được tiến hành bên trong đường biên giới Brazil có thể chứng minh đất nước này là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi" toàn cầu, trong bối cảnh Bắc Bán cầu đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, có thể diễn ra trong mùa Đông năm nay.
Julio Barbosa, một kỹ thuật viên điều dưỡng 42 tuổi, sau khi mất 5 đồng nghiệp vì COVID-19, đã tình nguyện tham gia một trong những thử nghiệm tiêm chủng hàng loạt, được thực hiện bởi Đại học Oxford (Anh) và công ty dược phẩm AstraZeneca. Thử nghiệm Giai đoạn 3 loại vắc-xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển sẽ có sự tham gia của 50.000 tình nguyện viên trên toàn thế giới.
Sau khi tiêm, Barbosa cho biết anh bị sốt nhẹ và hơi đau cơ nhưng các triệu chứng đều biến mất vào sáng hôm sau. Trong cuộc thử nghiệm, hầu hết liên quan đến các nhân viên y tế, một nửa số tình nguyện viên được tiêm vắc-xin COVID-19 thử nghiệm và một nửa được tiêm vắc-xin viêm màng não, căn bệnh có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
"Vắc-xin này phải sớm ra mắt để chúng tôi có thể nghỉ ngơi. Tôi đã làm việc không ngừng suốt 4 tháng qua", ông Barbosa nói với CNN sau khi được tiêm một mũi vắc-xin COVID-19 thử nghiệm ở Sao Paulo.
Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac cũng đang bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 3 ở Brazil, hợp tác với Viện Butantan ở Sao Paulo. Vắc-xin thử nghiệm CoronaVac của họ sử dụng các tế bào vi-rút bất hoạt để kích thích đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân. Các thử nghiệm sẽ bắt đầu vào ngày 20/7 này với 9.000 tình nguyện viên ở năm bang của Brazil và thủ đô Brasilia.
Giống như vắc-xin của Đại học Oxford, CoronaVac sẽ được tiêm thử phần lớn cho nhân viên y tế. Ông Ricardo Palacios, Giám đốc nghiên cứu y tế tại Viện Butantan, nói rằng viện cũng đang "đàm phán mở rộng với các đối tác về hai loại vắc-xin khác" cũng như có nhiều cuộc trao đổi với hàng chục công ty dược phẩm về nghiên cứu bệnh COVID-19.
"Tất cả các nhà sản xuất trên thế giới sẽ luôn tìm kiếm một nơi diễn ra tình trạng lây nhiễm cao để chứng thực hiệu quả của vắc-xin. Nhưng tỷ lệ lây nhiễm là không đủ. Một quốc gia cần phải có các viện nghiên cứu, tuân thủ các giao thức về đạo đức, quy tắc và khoa học quốc tế để tiến hành các thử nghiệm”, ông Palacios nói với CNN.
Brazil chính là một nơi như vậy. Bà Natalia Pasternak, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm phát triển vắc-xin của Viện Khoa học Y sinh tại Đại học Sao Paulo Muffs (USP), chỉ ra rằng Brazil có các cơ sở hậu cần và sản xuất tiên tiến so với nhiều quốc gia khác nơi dịch COVID-19 cũng tràn lan, như Mexico. "Cần phải đến một quốc gia nơi căn bệnh đang lây lan mạnh mẽ và cũng là nơi có các viện nghiên cứu và chuyên gia có trình độ để thực hiện xét nghiệm. Brazil cung cấp cả hai yếu tố quan trọng này", bà Pasternak nhấn mạnh.
Tới ngày 18/7, gần 80.000 người đã thiệt mạng vì COVID-19 ở Brazil, trong khi Tổ chức Y tế Pan American cảnh báo rằng số ca bệnh tại quốc gia 211 triệu dân này có thể còn chưa tới đỉnh cho đến tận giữa tháng 8.
Kết quả sơ bộ từ các thử nghiệm dự kiến được đưa ra vào cuối năm nay và sẽ giúp rút ngắn thời gian so với những giai đoạn phát triển trước đó.
Đảm bảo vắc-xin cho người Brazil
"Mục tiêu số một" của hệ thống y tế Brazil là có quyền tự do sản xuất vắc-xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil lâm thời Eduardo Pazuello phát biểu với Quốc hội vào tháng 6 vừa qua. "Chúng ta không thể bị bỏ rơi", ông Pazuello nói.
Với những cam kết trong thoả thuận về tổ chức các thử nghiệm vắc-xin, Brazil hy vọng có thể sản xuất cả hai loại vắc-xin khi chúng được chứng minh hiệu quả ngay tại nội địa, thay vì mua từ nước ngoài. Đây là một lợi ích quan trọng cho cả Brazil lẫn các nước láng giềng.
Viện Butantan, nơi đã sản xuất 100 triệu liều vắc-xin cúm vào năm ngoái, đang chuẩn bị sản xuất một số lượng tương tự vắc-xin CoronaVac của Sinovac, nếu ứng viên vắc-xin COVID-19 này chứng minh được hiệu quả.
Tổ hợp dược Biomanguinhos ở Rio de Janeiro, thuộc sở hữu của Quỹ Oswaldo Cruz, cũng đang chuẩn bị sản xuất 70 triệu liều vắc-xin Oxford vào năm tới, trong bối cảnh các cuộc đàm phán triển vọng đang diễn ra giữa chính phủ Brazil, trường Đại học Oxford và công ty AstraZeneca.
Trong khi đó, chương trình thử nghiệm của riêng chính phủ Brazil về phân phối đại trà thuốc hydroxychloroquine trong điều trị bệnh COVID-19 vẫn chưa có kết quả. Các thử nghiệm y tế cho đến nay chưa chứng minh hydroxychloroquine có hiệu quả như một phương pháp điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, các thị trưởng, bác sĩ và công ty bảo hiểm y tế Brazil tiếp tục phân phối "bộ điều trị COVID" - bao gồm hydroxychloroquine, kháng sinh azithromycin, thuốc chống ký sinh trùng ivermectin, kẽm và vitamin C - tại các thành phố ở miền Nam, vùng Trung Tây và Đông Bắc đất nước.
Cho đến nay, ngoại trừ những kết quả còn mâu thuẫn với hydroxychloroquine, không có phương pháp điều trị nào được chứng minh là chống được COVID-19, cả dùng riêng lẻ hay kết hợp.