Theo tờ Wall Street Journal ngày 25/6, diễn biến cuối tuần qua ở Nga liên quan đến vụ nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner là lời nhắc nhở mới về một mối lo ngại từ lâu ở Mỹ.
Sau vụ việc, các quan chức Mỹ cho biết họ không phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào hoặc thay đổi mức độ cảnh báo với lực lượng hạt nhân của Nga. Nhưng cuộc nổi loạn của Wagner đã làm sống lại những lo ngại đã tồn tại hàng chục năm về việc ai cuối cùng có thể kiểm soát lực lượng hạt nhân của Nga.
“Bất cứ khi nào bạn thấy một quốc gia lớn như Nga có dấu hiệu bất ổn, đó là điều đáng lo ngại. Khi nói đến vũ khí hạt nhân của họ (Nga), chúng tôi không thấy họ thay đổi quan điểm và chúng tôi cũng không thay đổi lập trường của chính mình. Nhưng đó là điều chúng tôi đang xem xét rất, rất cẩn thận sau diễn biến mới nhất”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với kênh truyền hình CNN ngày 25/6.
Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây coi một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Moskva là mối nguy hiểm chính. Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng đó rằng Moskva đang đặt lực lượng hạt nhân của mình vào tình trạng "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" đã làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để giành chiến thắng trước Ukraine.
Theo tình báo Mỹ, khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, Nga đã không có hành động lớn nào để sẵn sàng sử dụng lực lượng hạt nhân của mình, không triển khai thêm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra biển cũng như triển khai tên lửa di động trên đất liền dẫn đến mức độ cảnh báo được tăng cường trước một cuộc tấn công có thể xảy ra.
Nhưng vụ nổi loạn của nhóm Wagner vào cuối tuần qua đã khiến mối lo ngại của Washington về khả năng gián đoạn kiểm soát của nhà lãnh đạo Nga Putin đối với kho vũ khí hạt nhân trở nên rõ ràng hơn.
Nga có gần 4.500 vũ khí trong kho dự trữ hạt nhân, được triển khai và lưu trữ trên khắp cả nước vốn rất rộng lớn. Ngay cả rủi ro nhỏ về việc mất quyền chỉ huy và kiểm soát những vũ khí này cũng có thể gây ra mối đe dọa lớn nếu một số vũ khí rơi vào tay kẻ xấu, ở cả trong hoặc ngoài nước.
Matthew Bunn, Giáo sư Đại học Harvard, người đã tư vấn cho Nhà Trắng về cách bảo đảm an toàn cho các vật liệu hạt nhân trên toàn thế giới dưới thời chính quyền Clinton, cho biết: “Theo như những gì được biết đến rộng rãi, sự kiện này không làm thay đổi tình trạng an ninh vũ khí hạt nhân của Nga. Nhưng Wagner đã thu giữ được một số loạt vũ khí hạt nhân, liệu điều đó có cho họ đòn bẩy mặc cả để đàm phán một thỏa thuận khác không?”
Giáo sư Bunn nói thêm: “Chiến tranh và các cuộc cách mạng trong thế kỷ qua ở các quốc gia hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có thực sự cho rằng những nước đó có thể quản lý vũ khí hạt nhân một cách an toàn trong tương lai vốn không xác định hay không”.
Nga đã không bình luận về tình trạng vũ khí hạt nhân của mình trong sự kiện diễn ra vào cuối tuần qua. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 25/6 chỉ bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Moskva bị cáo buộc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc tấn công ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ nói rằng Washington không có ý định can dự vào vấn đề nội bộ của Nga để tránh bị Điện Kremlin cáo buộc vụ việc có âm mưu từ nước ngoài. Nhưng trong khi Mỹ và đồng minh đang đối đầu với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, các quan chức phương Tây không ai muốn chứng kiến sự đổ vỡ trật tự có thể gây nguy hiểm cho an ninh của loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới này.
Theo nhà nghiên cứu Hans Kristensen thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, khi tiến về Moskva, các lực lượng Wagner đã đi qua hai địa điểm từng được sử dụng để cất giữ vũ khí hạt nhân: Voronezh-45 và Tula-50, và lưu ý rằng không biết liệu vũ khí hạt nhân hiện có được cất giữ tại các địa điểm đó hay không.
Ông Kristensen nêu rõ sự kiện cuối tuần qua gợi lại nỗi sợ hãi của Mỹ kéo dài ba thập kỷ về việc lưu trữ vũ khí hạt nhân sau sự tan rã của Liên Xô. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, Nga có gần 30.000 vũ khí được triển khai và cất giữ trong kho dự trữ hạt nhân, gấp hơn 6 lần so với hiện nay.
Biến động đó đã thúc đẩy Washington đưa ra một chương trình được gọi là Đạo luật Giảm thiểu Đe dọa Hạt nhân năm 1991, giúp Nga và các quốc gia khác tuyên bố độc lập sau sự tan ra của Liên Xô củng cố cũng bảo vệ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, hạt nhân hoặc các loại vũ khí khác có khả năng dễ bị tổn thương của họ, để chúng không bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích.