Theo đài Sputnik, tuần trước, EU đã công bố một gói trừng phạt mới đối với Nga sau1 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào 87 công dân Nga và 34 tổ chức, bao gồm các tổ chức tài chính, Bộ Quốc phòng Nga và cơ quan tình báo đối ngoại (SVR), trung tâm nghiên cứu vũ trụ nhà nước Khrunichev và tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hạt nhân của Nga vẫn thoát khỏi danh sách đen. Mặc dù dần từ bỏ và cấm các mặt hàng năng lượng chính của Nga như dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt và than đá, liên minh châu Âu dường như không sẵn sàng “ra tay” với năng lượng nguyên tử.
Về phần mình, Budapest có lý do chính đáng để phản đối một lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Nga. Hiện nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary, được trang bị bốn lò phản ứng VVER 440 do Nga chế tạo và chủ yếu nhận nhiên liệu hạt nhân từ Nga, được cho là tạo ra khoảng một nửa sản lượng điện của đất nước.
Hungary không phải là quốc gia EU duy nhất khai thác các lò phản ứng hạt nhân của Nga. Trên thực tế có khoảng 18 lò phản ứng do Nga thiết kế đang được sử dụng trong khối. Danh sách các quốc gia có thiết bị hạt nhân do Nga sản xuất bao gồm Slovakia, Hungary, Phần Lan, Bulgaria và Cộng hòa Séc. Những nước đã hợp tác với tập đoàn Rosatom trong hai thập kỷ qua bao gồm Pháp, Thụy Điển, Đức, Anh và Hà Lan.
Các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây đã chỉ ra thực tế việc hợp tác hạt nhân EU-Nga là thói quen mà châu Âu “không thể bỏ được".
Theo Cơ quan Cung cấp Euratom của EU (ESA), vào năm 2021, tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga đã cung cấp 20% urani tự nhiên cho các lò phản ứng của EU và cung cấp cho khối một số lượng đáng kể các dịch vụ chuyển đổi và làm giàu.
Báo cáo của ESA cho thấy số lượng urani giao từ Nga đến các cơ sở của EU chiếm 31% tổng số urani giao đến khối, tăng 8% so với năm trước. Năm 2021, các quốc gia thành viên EU đã chi 210 triệu euro để nhập khẩu urani thô từ Nga.
Theo nghiên cứu từ Viện Dịch vụ thống nhất hoàng gia (RUSI), phạm vi tiếp cận toàn cầu của tập đoàn Rosatom đang tiếp tục phát triển, trong khi ở EU, giá trị xuất khẩu hạt nhân của Nga tăng ở một số quốc gia EU, bao gồm Slovakia, Hungary và Phần Lan.
ESA chỉ ra rằng EU quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng nguyên tử của Nga: "Các lựa chọn đa dạng hóa cũng rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên đang phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng của họ phục vụ mục đích phát điện. Điều này đòi hỏi sự phối hợp và làm việc trong EU, cùng các đối tác quốc tế để đảm bảo tìm được các nguồn urani thay thế và thúc đẩy khả năng chuyển đổi, làm giàu và chế tạo nhiên liệu có sẵn ở châu Âu hoặc ở các đối tác toàn cầu của EU”.
Tuy nhiên, sẽ mất thời gian và nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn cung cấp liên quan đến nguyên tử của Nga. Ví dụ, Bulgaria và Cộng hòa Séc đã ký hợp đồng với công ty Westinghouse của Mỹ để thay thế nhiên liệu của Nga nhưng quá trình chuyển đổi có thể mất ít nhất 3 năm. Theo Agnieszka Kaźmierczak - người đứng đầu ESA, quy trình đa dạng hóa các dịch vụ làm giàu và chuyển đổi năng lượng nguyên tử có thể mất từ 7 đến 10 năm.
Trong tháng 2, một lò phản ứng Mochovce-3 thiết kế VVER mới của Nga đã đi vào hoạt động ở Slovakia. Trước đó, công ty nhiên liệu TVEL của Rosatom và công ty sản xuất điện của Slovakia Slovenské elektrárne đã ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân ở nước này giai đoạn 2022 - 2026 với khả năng gia hạn hợp đồng đến năm 2030.
Tương tự, Hungary đang thắt chặt mối quan hệ với Nga. Tháng 8/2022, Budapest đã cấp phép cho Rosatom xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới ở nước này.