Năm vừa tròn 18 tuổi, Abie Rohrig nói với mẹ mình rằng cậu sẽ hiến một quả thận để cứu mạng người lạ. Câu trả lời của bà là: Không, con đừng làm thế. Nhưng Rohrig vẫn thực hiện điều đó. Quả thận của cậu được hiến cho một thanh niên bằng tuổi. Còn mẹ cậu thì được truyền cảm hứng đến mức chính bà sau đó cũng tình nguyện hiến một quả thận.
Vì thế Rohrig hy vọng lần này mẹ sẽ hiểu khi cậu nói với bà về quyết tâm trở thành người tình nguyện lây nhiễm bệnh COVID-19 để phục vụ nghiên cứu khoa học. Nhưng hoá ra, “bà ấy còn lo lắng hơn cả lần cho thận”, Rohrig, nay đã là cậu sinh viên 20 tuổi, nói.
Rohrig chỉ là một trong trên 16.000 người, hầu hết còn trẻ tuổi, đã đăng ký trực tuyến tình nguyện tham gia một chương trình gây tranh cãi về đẩy nhanh phát triển một loại vắc-xin, tất cả họ đều sẵn sàng phơi nhiễm chủ động virus SARS-CoV-2 vào cơ thể.
"Thử thách ở người" - rút ngắn thời gian thử nghiệm vắc-xin COVID-19
Thời gian qua, hàng loạt vắc-xin COVID-19 đã được đưa vào thử nghiệm trên toàn cầu. Song một số các thử nghiệm gây tranh cãi khi lựa chọn đối tượng tình nguyện viên thử vắc-xin là người trẻ, khỏe mạnh, trong đó có thử nghiệm "thử thách ở người”. Trong thử nghiệm này, những người trẻ vốn không mắc bệnh, có thể trạng khỏe, ổn định sẽ được gây nhiễm chủ động bằng cách đưa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào cơ thể.
Chương trình thử nghiệm “thử thách ở người” có thể giúp cắt ngắn vài tháng thời gian tiến hành nghiên cứu vắc-xin thông thường. Lý do là thay vì chờ đợi nhiều tháng để đánh giá có bao nhiêu % tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin sẽ nhiễm virus trong khi vẫn sống và làm việc bình thường, thì thử nghiệm thử thách sẽ đơn giản hơn nhiều. Các nhà nghiên cứu sẽ cho khoảng 100 tình nguyện viên phơi nhiễm trực tiếp với mầm bệnh, thông qua các con đường khác nhau như tiêm, uống, muỗi đốt hoặc xịt mũi. (Nếu thử nghiệm có hiệu quả, các chuyên gia cho biết họ có thể chế vắc-xin COVID-19 nhỏ mũi).
Nhưng nếu như thử nghiệm “thử thách” có tiềm năng lớn, thì rủi ro cũng cao. Mặc dù COVID-19 được cho là căn bệnh nguy hiểm chết người với người già và không nguy hiểm với người trẻ tuổi khoẻ mạnh, nhưng SARS-CoV-2 là một mầm bệnh khó lường, đã gây tử vong hoặc nguy kịch với cả các vận động viên thể thao.
"Thử thách ở người" là cách tiếp cận chủ đạo trong phát triển vắc-xin ngừa bệnh. Phương pháp này đã được sử dụng trong quá trình phát triển vắc-xin sốt rét, thương hàn và cúm. Tuy nhiên, các bệnh này đều có sẵn phương pháp điều trị. Bệnh nhân tình nguyện thử nghiệm nào có triệu chứng bệnh nghiêm trọng vẫn có thể được cứu sống vì có thuốc đặc trị. Còn với COVID-19 thì khác bởi hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị an toàn nào được chứng minh khả năng tiêu diệt hoàn toàn SARS-CoV-2 cho người bị lây nhiễm.
Tuy nhiên, trong lúc đại dịch đang hoành hành gây ra trên 85.000 ca tử vong tại Mỹ và gần 300.000 ca tử vong trên toàn thế giới, thì một số người cho rằng chấp nhận một nghiên cứu nguy hiểm hơn bình thường là hợp lý nhằm tìm ra nhanh nhất vaccine hiệu quả ngừa COVID-19.
Các thử nghiệm vắc-xin thông thường thường bao gồm ba giai đoạn - giai đoạn đầu tiên, với không tới 100 người tham được tiêm vắc-xin để xác định liều lượng an toàn; giai đoạn 2, số lượng người tham gia tăng lên hàng trăm; và giai đoạn 3, nghiên cứu được mở rộng ra hàng ngàn người.
Thông thường, trong giai đoạn ba, những người tham gia sẽ quay trở lại cuộc sống hàng ngày của họ và các nhà nghiên cứu - trong khoảng thời gian vài tháng – sẽ so sánh tỷ lệ nhiễm bệnh giữa người được dùng giả dược và các nhóm được tiêm vắc-xin thực sự.
Tuy nhiên, một thử nghiệm “thử thách con người” có thể thay thế giai đoạn thứ ba, qua đó rút ngắn thời gian xuống vài tháng vì các nhà nghiên cứu không phải đợi người tham gia bị lây nhiễm theo con đường tự nhiên – như qua tiếp xúc tại nơi làm việc, trường học, các nơi công cộng hay trong gia đình. Thay vào đó, họ được phơi nhiễm với mầm bệnh ngay trong phòng thí nghiệm.
Những lý do khác nhau để chủ động phơi nhiễm COVID-19
Các tình nguyện viên có những lý do khác nhau để đăng ký tham gia phơi nhiễm COVID-19. Một số người tham gia vì tiền, nhưng có những người khác như Rohrig có động lực mạnh mẽ muốn giúp đỡ những người khác. Seema Shah, một nhà đạo đức sinh học và Phó giáo sư tại Trường Y khoa Feinberg của Đại học Northwestern (Mỹ), cho biết gần đây những người tham gia nghiên cứu “thử thách con người” với bệnh sốt rét trong 40 ngày đã được trả khoảng 2.300 USD.
"Mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro đe dọa tính mạng vì lợi ích của người khác và đó thường không chỉ là công việc mà còn là một hành vi vị tha", Lipsitch, nhà dịch tễ học tại trường Đại học Harvard, nói, đồng thời cho rằng, cách nhà nghiên cứu cần có trách nhiệm đảm bảo những người tham gia được an toàn.
Về phần mình, Rohrig cho biết số lượng đáng sợ các bệnh nhân trẻ COVID-19 rơi vào tình trạng nguy kịch khiến anh bất ngờ. "Tôi biết có một rủi ro không hề nhỏ". Tuy nhiên, Rohrig nói anh ta chắc chắn sẽ tham gia thử nghiệm. "Tôi biết rằng có những rủi ro, nếu tôi tham gia và chuyện trở nên tồi tệ thì gia đình tôi sẽ rất buồn. Nhưng ai đó phải bước lên chứ”, chàng sinh viên 20 tuổi nói.
Nhà nghiên cứu Nir Eyal tại trường Đại học Rutgers (Mỹ) cũng lưu ý rằng, nguy cơ tử vong khi hiến thận - khoảng 3/10.000 - cũng tương đương với rủi ro tử vong đối với những người khỏe mạnh ở độ tuổi 20 mắc COVID-19. Trong khi không phải tất cả các tình nguyện viên sẵn sàng "thử thách COVID-19" đều ở độ tuổi 20.
John Gentle, một doanh nhân ở Alabama (Mỹ), vừa bước sang tuổi 41. Anh có vợ và bốn đứa con. Giống như Rohrig, Gentle tin rằng tham gia thử nghiệm “thách thức con người” sẽ cho anh cơ hội đóng góp vào nỗ lực phát triển vắc-xin COVID-19. Với tư cách là chủ một doanh nghiệp, thường xuyên tiếp xúc, đi lại, Gentle xác định nguy cơ cao nhiễm bệnh nhưng tin rằng mình sẽ vượt qua. “Tôi cảm thấy nếu tôi làm điều đó trong một môi trường được kiểm soát, và nếu gặp phản ứng bất lợi, cơ hội vượt qua của tôi sẽ tốt hơn là khi tôi mắc bệnh mà không hay biết trong cả tuần cho đến khi sức khoẻ suy yếu đi thì mới nhận ra”, John Gentle nói.