Tiến sĩ JM Norton, giảng viên quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Mỹ tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh cho rằng, đối với các nhà lãnh đạo nước này, lịch sử thời Chiến Quốc cung cấp những bài học cả tích cực lẫn tiêu cực cho thời đại ngày nay.Thời Chiến Quốc là một giai đoạn khá thú vị trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù hiện nay vẫn còn có những tranh luận về sự khởi đầu chính xác của giai đoạn này, nhưng có một sự đồng thuận chung giữa các học giả đó giai đoạn kéo dài từ năm 475 TCN đến năm 221 TCN, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Nói một cách đơn giản, đây là giai đoạn có sự xung đột giữa các nước độc lập (và các bộ tộc) mà trong đó thủ lĩnh của các nước (bộ tộc) này đều ganh đua quyết liệt để giành quyền bá chủ. Những thủ lĩnh của họ đều tham gia vào một loạt các cuộc xung đột để chinh phục và thôn tính, quyền lực và hợp nhất lãnh thổ... Sự cạnh tranh này đã dẫn đến sự xuất hiện của một số nước có sức mạnh chi phối. Và các nước này tiếp tục cạnh tranh quyền lực trong hệ thống liên minh cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất và cai trị.
Những nét đặc trưng nổi bật trong thời kỳ Chiến Quốc - sự phân mảnh, bất ổn, hỗn loạn và cạnh tranh quyền lực - lại chính là mối quan tâm đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thời đại ngày nay. Hơn nữa, kết cục và hậu quả của thời kỳ Chiến Quốc đều là những ví dụ tích cực và tiêu cực đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện tại.
Trong lịch sử, Trung Quốc không phải là một nhà nước đồng nhất với 55 dân tộc thiểu số sống trong một khu vực chiếm 60% lãnh thổ nước này. Dễ nhận thấy là xu hướng ly khai hiện nay ở Trung Quốc rơi vào 3 khu vực địa lý chiến lược đó là Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Nếu có một biến động ở 1 trong 3 khu vực này, nó sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" ở các khu vực khác. Vì vậy, các lãnh đạo của nước này vẫn lo ngại rằng phong trào ly khai của các dân tộc thiểu số có thể sẽ thách thức sự toàn vẹn lãnh thổ và ổn định của đất nước.
Ngoài ra, các lãnh đạo của Trung Quốc hiện nay cũng phải đối mặt với mối đe dọa của sự bất ổn từ các nguồn khác nhau. Như trong thời kỳ Chiến Quốc, các mối đe dọa chủ yếu bắt nguồn từ "các chư hầu". Thì nay, chính lãnh đạo Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng các mối đe dọa đến từ khu vực hoạt động như là một khu tự trị, nơi có phong trào độc lập mạnh mẽ thách thức sự lãnh đạo thống nhất của Trung Quốc như Hong Kong, Thượng Hải và Đài Loan. Vậy làm thế nào để các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có thể kiểm soát được các mối đe dọa tiềm tàng?
Rút kinh nghiệm từ hậu quả tiêu cực thời Chiến Quốc, khi Vua Tần xây dựng một nhà nước pháp quyền nhằm tạo ra một xã hội có tính trật tự cao, ngày nay lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn như tính toàn diện, hài hòa, văn minh và đạo đức để duy trì trật tự.
Trong thời kỳ Chiến Quốc, Tần vương đã tạo ra một bộ máy pháp quyền nhằm mục đích cai trị đất nước hiệu quả hơn. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo hiện nay đã thực hiện cải cách để tăng cường, thống nhất và củng cố các tổ chức hoạt động trong hệ thống nhà nước để quản lý hiệu quả hơn. Một ví dụ mới đây nhất đó là, trong năm 2013, Trung Quốc củng cố bộ máy an ninh nội bộ của mình và thành lập một cơ quan mới - Ủy ban An ninh Nhà nước (SSC) - để tập trung và quản lý tốt hơn các chính sách an ninh nội địa.
Mặt khác, ở thời Chiến Quốc, vũ lực là một trong những phương pháp được sử dụng để đảm bảo sự thống trị chính trị và thống nhất của nhà nước. Philip Kuhn, một chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng đằng sau mỗi chế độ dân sự đều có dấu chân của một chỉ huy quân đội. June Grasso, mộ chuyên gia khác về Trung Quốc cũng chỉ ra rằng lực lượng đứng đằng sau sự thống nhất của Trung Quốc không phải là triết học và chủ nghĩa dân tộc mà thay vào đó là quân đội. Chẳng hạn như nhà Tần đã tiến hành các hoạt động quân sự để chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc và thiết lập một nhà nước thống nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sử dụng vũ lực để chấm dứt cuộc nội chiến, giải phóng nước này từ sự chiếm đóng của các lực lượng nước ngoài như Nhật Bản và lập nên nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa độc lập. Và ngày nay việc sử dụng vũ lực để ngăn ngừa sự ly khai, duy trì ổn định và bảo đảm sự thống nhất vẫn là một phần không thể thiếu trong chiến lược quốc gia của Trung Quốc.
Hiện nay, lãnh đạo Trung Quốc đang hướng tới ba mục tiêu chính: Ngăn chặn sự xuất hiện và giảm thiểu sự tồn tại của các điều kiện dẫn đến sự đấu tranh chính trị như thời Chiến Quốc. Cụ thể họ muốn duy trì ổn định, tăng cường sự thống nhất và làm giảm nguy cơ chia rẽ. Hai là, tiếp tục phát triển một nền kinh tế thịnh vượng và sức mạnh quân sự - quân đội phải tiếp tục hỗ trợ thực hiện các chính sách, đường lối chính trị của giới lãnh đạo, cụ thể là củng cố tính hợp pháp của chế độ cầm quyền, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm sự tồn tại tổng thể của nhà nước. Cuối cùng, không giống như các vị vua thời Tần, nhấn mạnh sự cai trị bằng pháp luật, các lãnh đạo hiện nay rất có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn hành vi như đã nói ở trên để tăng cường sự trật tự. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển theo quỹ đạo hiện nay, lãnh đạo Trung Quốc có thể tạo ra một hệ thống nhà nước tương đối ổn định, thống nhất và thịnh vượng hơn, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự có khả năng đảm bảo sự sống còn của hệ thống nhà nước Trung Quốc.
Công Thuận (Theo Diplomat)