Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả đây là "khu vực bị tấn công mạnh nhất" trong những đợt công kích của Nga. Một số chuyên gia đã gọi Bakhmut là "trận Stalingrad" ở Ukraine, trong khi những người khác coi đó là “chảo lửa” trong cuộc xung đột kéo dài gần 10 tháng.
Vậy điều gì khiến Bakhmut trở thành một mặt trận quan trọng như vậy trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và tại sao Moskva lại dồn nhiều nguồn lực để chiếm một thành phố nhỏ như vậy?
Bakhmut nằm trên tuyến đường tiếp tế chiến lược giữa khu vực Donetsk và Luhansk, hai khu vực do lực lượng đòi độc lập kiểm soát ở vùng Donbas của Ukraine, mà Nga tuyên bố sáp nhập vài tháng trước.
Các chuyên gia cho rằng việc chiếm được Bakhmut có khả năng thay đổi cục diện cuộc xung đột và tạo cơ sở cho Nga khởi động một chiến dịch rộng lớn hơn trên nhiều vùng khác ở Ukraine.
Quan trọng hơn, Bakhmut hiện đã trở thành một vấn đề uy tín đối với Nga, theo Esref Yalinkilicli, một nhà phân tích Á - Âu ở Moskva. Chuyên gia Yalinkilicli nói: “Sau kinh nghiệm khi để mất Kherson và đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sâu bên trong lãnh thổ của mình, Moskva rất cần một chiến thắng trên chiến trường".
“Việc không kiểm soát được Bakhmut của Nga có thể dẫn đến những hậu quả tiềm ẩn khác trên khắp vùng Donbas. Nga thậm chí có thể mất quyền kiểm soát Donetsk vào tay Ukraine. Mặt khác, nếu Ukraine buộc Nga rút khỏi các khu vực xung quanh thành phố, điều đó có thể giúp họ tự tin hơn trong việc giành lại các khu vực do Nga kiểm soát khác ở phía Đông”, ông Yalinkilicli nhận định.
Ông Yalinkilicli cũng lưu ý đến việc những người lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đang tích cực tham gia vào cuộc giao tranh ở Bakhmut. Ông Yalinkilicli nói: “Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga coi trọng việc chiếm được Bakhmut đến mức nào".
Việc chiếm được Bakhmut cũng có thể mở đường cho quân đội Nga tới Slovyansk và Kramatorsk, hai trung tâm công nghiệp quan trọng của Ukraine ở vùng Donbas giàu năng lượng. Người dần đã cảm nhận được tác động của các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây, Nga cần tăng cường sản lượng công nghiệp trong khi tìm cách bổ sung các nguồn tài nguyên nhiên nhiên từ Ukraine.
Theo chuyên gia này, những người nói tiếng Nga vốn chiếm đa số ở Donetsk và Luhansk và có quan điểm chung rằng nếu Moskva không thể kiểm soát các khu vực này, thì khả năng Nga có thể giữ các khu vực khác của Ukraine sẽ thấp hơn nhiều.
Trong các dấu hiệu đáng lo ngại, quyền kiểm soát khu vực Donbas của Nga - nơi có hơn 92% trữ lượng than của Ukraine - giảm đáng kể trong những tháng gần đây, từ 65% khi bắt đầu chiến dịch quân sự xuống còn khoảng một nửa đối với khu vực, nhà phân tích Yalinkilicli trích dẫn dữ liệu của Nga cho biết.
Khi mùa đông khắc nghiệt bao trùm khắp châu Âu, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến đã bước vào thời điểm quan trọng và kết quả của cuộc giao tranh ở Bakhmut có thể sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Gregory Simons, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nga và Á - Âu thuộc Đại học Uppsala, cũng tin rằng Bakhmut có thể là “trận then chốt” trong cuộc chiến tại Ukraine. Ông Simons nói: “Đó là một chảo lửa sẽ gây tổn thất cho các bên liên quan, lực lượng nào nổi lên từ mặt trận này có thể chiếm thế thượng phong trên chiến trường".
Ông Simons so sánh cuộc giao tranh dưới chiến hào ở Bakhmut với những chiến trường tàn khốc trong Thế chiến thứ hai – như "trận Stalingrad", vốn đóng vai trò quyết định trong việc xác định kết quả cuối cùng. Theo ông Simons, bên nào có quyết tâm và ý chí hơn sẽ quyết định kết quả của cuộc giao tranh ở Bakhmut.
Về phần mình, ông Yalinkilicli cho rằng đối với Nga, đối mặt với tình hình quân sự khó khăn ở Ukraine, Moskva chỉ cần vượt qua mùa đông và duy trì quyền kiểm soát các khu vực đã sáp nhập từ Ukraine là "chiến lược chính hiện nay".
Ngược lại, Ukraine đặt mục tiêu tăng tốc phản công, sử dụng số vũ khí quân sự mới được viện trợ từ phương Tây để chiếm lại một số vùng lãnh thổ từ Moskva. Cả phía Ukraine và Nga đều mô tả cuộc giao tranh dữ dội ở Bakhmut là chưa từng thấy kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2 năm nay.
Thành phố thiếu điện, nước và khí đốt, trong khi một số khu vực đã biến thành "trị trấn ma". Phần lớn dân số của thành phố đã rời khỏi Bakhmut và một số cư dân còn lại trong thị trấn dường như đổ lỗi cho cả hai bên về sự tàn phá.
Trong quá khứ, Bakhmut đã phải chịu thiệt hại nặng nề, từng bị kiểm soát bởi Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai, sau đó chuyển sang Hồng quân Liên Xô. Năm 2014, lực lượng đòi độc lập ở vùng Donbas cũng chiếm được thành phố này trong thời gian ngắn.