Lý do Nga trụ vững trước "sóng gió"

Bị phương Tây ồ ạt cấm vận nhưng kinh tế Nga vẫn tăng trưởng trở lại ngay ở thời điểm Moskva can dự quân sự ở Ukraine và Syria.

Ông Vladimir Putin (ảnh) đã "chèo lái" nước Nga thoát khỏi tình trạng khó khăn chồng chất. Ảnh: Sputnik

Năm 2010, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một phát biểu nổi tiếng, đó là "Ai không nuối tiếc Liên Xô, kẻ đó không có trái tim. Ai muốn quay trở lại thời Liên Xô, người đó không có khối óc”.

Đúng 25 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ (ngày 25/12/1991), người ta đã thử làm phép so sánh mô hình xã hội chủ nghĩa thời Liên Xô đặt trọng tâm vào kinh tế nhà nước với nước Nga theo đường hướng kinh tế thị trường hiện nay. Kế đến, người ta đặt hai mô hình này trước một loạt cú sốc lớn như giá dầu lao dốc, các cuộc can dự quân sự ở nước ngoài tốn kém, bị phương Tây bao vây cô lập và nền kinh tế ốm yếu, để sau đó xét xem mô hình nào đủ sức tồn tại.

"The Wall Street Journal" cho rằng khi đối mặt với những thách thức kể trên, Liên Xô đã nhanh chóng sụp đổ. Tuy nhiên, cũng trong tình cảnh ngặt nghèo tương tự, chính quyền của ông Putin vẫn trụ vững, thậm chí còn phát triển. Điều tạo ra sự khác biệt chính là ở chỗ Tổng thống Nga ưa chuộng chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt, cùng với đó là khả năng áp đặt các biện pháp khắc khổ.

Để hiểu được sự khác biệt giữa nước Nga ngày nay và Liên Xô trước đây, cần bắt đầu nhận diện chính xác nguyên nhân làm Liên Xô sụp đổ. Phương Tây thường giải thích là do nền kinh tế tập trung thiếu hiệu quả, nhưng đó chỉ là một phần. Khi ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền năm 1985, ít người hy vọng có cải cách đột phá. Kinh tế Liên Xô tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn duy trì được cân bằng ngân sách, các ngành kinh tế vẫn hoạt động, hàng hóa thiếu thốn nhưng chưa đến mức khiến người tiêu dùng phản kháng.

Bốn năm sau, đình trệ chuyển sang khủng hoảng. Đến năm 1989, thâm hụt ngân sách lên tới 10% GDP. Để thúc đẩy tăng trưởng, ông Gorbachev đã đúng khi nhận ra sự cấp thiết phải tăng tính hiệu quả của nền kinh tế. Thế nhưng, mô hình công nghiệp hóa hạng nặng lỗi thời đã tạo ra những nhóm lợi ích, hưởng lợi từ nền kinh tế yếu kém và đó cũng chính là các nhóm phản đối cải cách. Các ngành công nghiệp nặng cùng với các tổ hợp công nghiệp-quân sự đa phần được nhà nước bao cấp, trong khi nguồn tài chính đó lẽ ra phải được đầu tư cho các nông trại tập thể đang rất cần tiền để mua phân bón và máy cày. Việc phân bổ lại nguồn lực tài chính theo cách này là không thể, mà lý do là vì các nhóm lợi ích.

E ngại sử dụng bàn tay sắt để tạo ra các động lực cho tăng trưởng, Gorbachev bắt đầu áp dụng chính sách tài khóa thả nổi, cam kết tăng mạnh các khoản trợ cấp đối với ngành công nghiệp nặng và nông nghiệp để đổi lấy sự ủng hộ của dân chúng với các chương trình cải cách thị trường do ông khởi xướng. Đây quả thực là một "canh bạc": Ông Gorbachev đặt cược rằng một sự tiết giảm của kinh tế kế hoạch tập trung cùng với chính sách tài khóa thả nổi sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thị trường vay nợ của Liên Xô bị hạn chế nên tài khóa mở rộng chỉ còn biết trông chờ vào việc in tiền. Hệ quả là đồng ruble sụp đổ.

Các thị trường không còn minh bạch, bị tắc nghẽn và thiếu hụt hàng hóa. Đến cuối những năm 1980, người dân Liên Xô luôn phải xếp hàng dài chờ mua sữa và bánh mì. Bất kỳ một nhà máy, xí nghiệp nào có thể bán hàng hóa ra thị trường chợ đen cũng đều làm theo cách này. Những công ty không có khả năng buôn bán bất hợp pháp lập tức buộc phải đóng cửa. Năm 1989, kinh tế Liên Xô chính thức rơi vào khủng hoảng khi giá cả trên thị trường chợ đen tăng phi mã. Đến năm 1991, nền kinh tế đổ vỡ, Điện Kremli không còn khả năng kiểm soát thuế và chi tiêu. Liên Xô sụp đổ.

Khi kinh tế Liên Xô bắt đầu "đông cứng" vào cuối thập kỉ 1980, ông Putin lúc đó là sĩ quan KGB ở Dresden, Đông Đức. Là người trải qua biến cố lịch sử, nhà lãnh đạo nước Nga thề sẽ không bao giờ để tái diễn một thảm họa kiểu như vậy. Bài học cốt lõi nhất mà ông Puti rút ra là: tránh để thâm hụt ngân sách lớn và lạm phát cao.

Lên nắm quyền từ năm 1999, ông Putin kiên trì thực thi chính sách kinh tế vi mô theo đường hướng bảo thủ. Chính điều này đã giúp ông vượt qua các cuộc khủng hoảng mà giới quan sát chắc mẩm rằng sẽ cuốn trôi chính quyền do ông đứng đầu. Giữa năm 2014, giá dầu bắt đầu lao dốc, cùng lúc phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Nga. Thế nhưng, ông Putin vẫn đứng vững.

Khác Liên Xô, Nga giờ đây theo đuổi chương trình chi tiêu khắc khổ, giảm trợ cấp lương hưu và các chương trình phúc lợi xã hội để đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách. Ngân hàng Trung ương Nga tăng mạnh tỉ lệ lãi suất lên hai con số, đẩy lạm phát xuống dưới ngưỡng 6%, một tỉ lệ lý tưởng đối với một nền kinh tế đang nổi. Thâm hụt ngân sách của Nga năm 2016 chỉ ở mức 3% GDP cho dù dầu mỏ (đóng góp hơn 50% ngân sách) giảm giá chỉ còn chưa bằng 1/2 so với hai năm trước. Nợ chính phủ của Nga dưới ngưỡng 20% GDP, trong khi đó nợ công của Mỹ thì vượt 75% GDP.

Chính sách tài khóa khắc khổ trên giải thích tại sao nước Nga dưới thời Putin vẫn đứng vững trước khó khăn. Bị phương Tây cấm vận tài chính, những doanh nghiệp lớn ở Nga vẫn tiếp tục thu hút được nguồn ngoại tệ cần thiết. Giá hàng hóa lao dốc, nhưng sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga luôn ở mức cao. Kinh tế Nga đang tăng trưởng trở lại ngay ở thời điểm Moskva can dự quân sự ở Ukraine và Syria.

Người Nga không nói nhiều đến dấu mốc 25 năm ngày Liên Xô sụp đổ hôm 25/12/2016 vừa qua vì đây là sự kiện mà nước Nga muốn quên đi, và đó cũng là thảm họa mà ông Putin quyết không bao giờ để lặp lại.

TTXVN/Tin Tức
Năm chiến thắng của Tổng thống Nga Putin trước phương Tây
Năm chiến thắng của Tổng thống Nga Putin trước phương Tây

Sự khác biệt của năm 2016 là Nga đã thành công trong việc phá thế bao vây, cô lập trong khi những gì phương Tây thể hiện là khá nghèo nàn với những "bất ngờ đầy khó chịu".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN