Theo kênh CNN, trong khi các lãnh đạo dân túy trên thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson bị chỉ trích gay gắt vì xử lý dịch COVID-19 kém hiệu quả, thì ông Modi hầu như tránh được cả các tít báo phê phán và cả tỷ lệ ủng hộ sụt giảm.
Theo ông Asim Ali, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở Delhi, Thủ tướng Ấn Độ được coi là “vị cứu tinh dân tộc”, người đang thực hiện nghị trình lớn để định hình lại Ấn Độ và không phải chịu trách nhiệm về những thất bại của chính phủ trong xử lý công việc hàng ngày. Ông Ali nói: “Ông Modi có vai trò không chỉ là lãnh đạo chính trị ở Ấn Độ mà còn là thủ lĩnh tinh thần, đạo đức, xã hội theo khuôn mẫu của Mahatma Gandhi”.
Phong tỏa sớm
Khác với các lãnh đạo khác, như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đã coi nhẹ mối đe dọa của COVID-19 và coi đây như bệnh cúm xoàng, Thủ tướng Modi ngay từ đầu đã đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và hành động nhanh chóng.
Khi ông ra lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 24/3, trong số 1,36 tỷ dân Ấn Độ, mới có trên 500 ca mắc và 10 ca tử vong. Ông Modi phát biểu: “Các bạn đã chứng kiến những quốc gia hùng mạnh nhất trở nên bất lực trước đại dịch này. Không còn cách nào khác để an toàn trước virus… chúng ta phải phá vỡ vòng lây nhiễm”.
Theo ông Ali, bằng cách thực hiện hành động quyết liệt ngay từ đầu, ông Modi đã củng cố hình ảnh là lãnh đạo quyết đoán, có thể đưa ra hành động nghiêm ngặt vì lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Ấn Độ có quan điểm trái chiều về thời điểm và hiệu quả phong tỏa. Ông Ramanan Laxminarayan, học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Princeton, cho rằng phong tỏa là cần thiết vì tình trạng lây nhiễm gia tăng nhanh tại thời điểm đó và phong tỏa đã giúp giảm số ca.
Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan cho rằng phong tỏa là quyết định táo bạo đã ngăn chặn tới 78.000 người chết.
Còn nhà virus học T. Jacob John cho rằng Ấn Độ phong tỏa quá sớm và quá rộng khi số ca còn thấp và chỉ tập trung ở một số khu vực. Nhiều người bị ảnh hưởng khi không kịp chuẩn bị cho phong tỏa vì chính phủ thông báo quá gấp và không có kế hoạch. Lệnh có hiệu lực chỉ sau thông báo 4 giờ. Nhiều người đột ngột mất việc, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi bộ về quê.
Không bị chỉ trích
Chiến thắng vang dội của đảng Bharatiya Janata của ông Modi trong bầu cử năm 2019 đã khiến đảng đối lập lớn nhất là đảng Quốc đại Ấn Độ rơi vào khủng hoảng. Do đảng đối lập yếu thế nên ông Modi không chịu chỉ trích từ phe này.
Ngoài ra, các nhà quan sát chính trị cũng nhận xét ông Modi không bị báo chí Ấn Độ chỉ trích. Ông Ali nói: “Các đài truyền hình hiếm khi đưa tin về hệ thống y tế sụp đổ khi đối diện với dịch bệnh lây lan nhanh. Nhiều tuần liền, các mạng lưới truyền hình được xem nhiều nhất Ấn Độ chỉ tập trung vào vụ tự tử của một nam diễn viên Bollywood ngay cả khi Ấn Độ đang trở thành điểm nóng đại dịch hàng đầu toàn cầu”.
Thay vì họp báo như các lãnh đạo thế giới khác, ông Modi để các bộ trưởng tổ chức họp báo. Bản thân ông Modi sẽ trực tiếp phát biểu trên truyền hình hoặc phát thanh, kêu gọi người dân đi theo sự chỉ đạo của mình. Ông nói: “Tôi rất hiểu các vấn đề các bạn đã đối mặt, có người thiếu thức ăn, có người phải đi từ nơi này tới nơi khác, có người ở quá xa nhà và gia đình. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia, các bạn đang hoàn thành nghĩa vụ như người lính kỷ luật”.
Nhờ lời kêu gọi xúc động, thuyết phục của ông Modi mà nhiều người dân ủng hộ ông, không coi ông là nguyên nhân khiến họ mất việc trong phong tỏa.
Ông Subhash Das, một lái xe ở New Delhi bị sa thải khi Ấn Độ phong tỏa, cho rằng lệnh này là cần thiết và giúp kiểm soát dịch bệnh. Ông nói: “Tôi không đổ lỗi cho Thủ tướng gây ra tình cảnh của tôi. Đó là do đại dịch mà những người như tôi đang chịu hậu quả. Tôi yêu ông Modi. Ông ấy đã làm quá nhiều cho làng tôi. Ông ấy mang lại điện và nhà bê tông cho chúng tôi”.
Khi phong tỏa được dỡ bỏ cuối tháng 5, số ca lây nhiễm bắt đầu tăng theo cấp số nhân. Tới 16/9, Ấn Độ đã vượt 5 triệu ca bệnh, chỉ sau Mỹ - nước có trên 6,8 triệu ca.
Chuyên gia y tế Laxminarayan cho rằng Ấn Độ không thể kiềm chế dịch bệnh do hệ thống y tế yếu kém, mật độ dân số đông và thiếu nhận thức về y tế công cộng.
Dù hiện nay Thủ tướng Modi không bị đổ lỗi cho dịch bệnh, nhưng một số chuyên gia cho rằng kinh tế sụt giảm do đại dịch có thể sẽ khiến ông phải trả giá về mặt chính trị sau này.