Các chính trị gia và học giả từ Riyadh đến Washington gần đây đều chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông vì đã không tập trung, sai lầm và gây tổn hại đối với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với những lời buộc tội đó, chính sách đối ngoại của ông Obama đối với Trung Đông thực ra đang là một cách tiếp cận thực dụng do vị trí, tầm quan trọng về chính trị và kinh tế của khu vực này đang suy giảm.Tổng thống Mỹ Obama tại phòng làm việc. |
Việc thay đổi chính sách đang được thể hiện rõ nhất trong vấn đề Syria và Iran, nơi mà Mỹ, mặc dù bị những cáo buộc là đạo đức giả và ngớ ngẩn về chiến lược, vẫn kiên quyết không thực hiện một cuộc can thiệp quân sự chống Damascus và tích cực đàm phán với phía Iran về chương trình hạt nhân của nước này, bất chấp những cảnh báo từ đồng minh thân cận Israel.
Thay đổi chính sách này cũng được thể hiện qua những động thái mới gần đây trong khu vực, chẳng hạn như việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa FD-2000 trị giá 3,4 tỷ USD của Tập đoàn Xuất - nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) thay vì chọn các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, hay việc Saudi Arabia rời xa mạng lưới tình báo của Mỹ và mở ra cuộc đối thoại mới với Iran. Những thay đổi ngoại giao đã phản ánh một Trung Đông rất khác so với những gì mà hầu hết các chính trị gia nhận định.
Có một lời giải thích đơn giản cho sự thay đổi này: Khu vực Trung Đông không còn gây được sự chú ý như đã từng trong quá khứ, khi nguy cơ về một cuộc xung đột toàn cầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và 2 thập kỷ sau đó, khi trữ lượng dầu mỏ của Trung Đông trong thị trường năng lượng toàn cầu cho phép khu vực này nắm giữ “con tin” của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, do kết quả của cuộc cách mạng dầu đá phiến (dầu được lấy ra từ đá phiến sét) có thể cho phép Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2015.
Nhưng sự thay đổi về trữ lượng dầu của Mỹ không phải là yếu tố duy nhất khiến cho vai trò của Trung Đông, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, suy giảm. Tình hình bất ổn vẫn đang diễn ra tại khu vực, khiến cho giá dầu bị đẩy lên cao, dẫn đến việc Mỹ phải tìm một số lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn. Cựu chuyên gia Cơ quan An ninh Quốc gia Paul D. Miller lưu ý rằng "Mỹ sẽ sớm đuổi kịp và vượt qua Trung Đông trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ”, trong khi, mặc dù sản xuất dầu ở Trung Đông đã đạt đến mức cao kỷ lục trong 2 thập kỷ qua, nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã cảnh báo các nhà sản xuất dầu Arập rằng họ sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách vào năm 2016.
Trong khi các quốc gia Vùng Vịnh chỉ có thể sử dụng dầu mỏ như là một vũ khí ngoại giao thì Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia James E. Akins cho rằng với việc khai thác dầu đá phiến cùng với nguồn cung mới trong các các lĩnh vực đang nổi lên như năng lượng tái tạo sẽ cho phép Mỹ giảm lượng dầu nhập khẩu. Sau một thập kỷ đầu tư lớn, hiện năng lượng tái tạo đã đáp ứng gần 15% nhu cầu của Mỹ trong nửa đầu năm 2013.
Ngay cả đến chính phủ cầm quyền tại Saudi Arabia cũng thể hiện sự lo lắng của mình. Trong một bức thư gửi cho chính phủ Anh mới đây, Hoàng tử Alwaleed bin Talal cảnh báo rằng doanh thu từ dầu chiếm trên 90% ngân sách của Saudi Arabia và nếu ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này giảm công suất sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực.
Nửa đầu của thế kỷ 20 đã chứng minh rằng dầu có khả năng làm thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực và toàn cầu, đặt Trung Đông vào trung tâm của vũ đài chính trị thế giới. Nhưng buổi bình minh của thế kỷ 21 đã mang lại vị thế địa chính trị mới cho Mỹ trong việc tự tăng sản xuất năng lượng trong nước và cho phép Washington thực hiện chiến lược “xoay trục về châu Á" nhằm tránh bị sa lầy vào một Trung Đông ngày càng không ổn định và khó dự đoán.
Công Thuận